Cần ngăn chặn, kéo giảm loại tội phạm về động vật hoang dã

(VOH) - Đường dây nóng 1800-1522 từ Trung tâm Giáo dục thiên nhiên là địa chỉ đáng tin cậy để mọi người góp sức chống lại hoạt động buôn bán, nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã tại Việt Nam.

Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã tuyên án 13 năm tù cho đối tượng Phạm Bá Kim (trú tại thành phố Móng Cái) vì đã có hành vi nuôi nhốt, tàng trữ trái phép động vật hoang dã. 10 bị cáo khác trong băng nhóm của Kim cũng chịu các mức án từ 5 - 8 năm tù. Trước đó, hai đối tượng khác N.V.C và N.T.D đã bịTòa án nhân dân quận Long Biên, Hà Nội tuyên 18 năm 6 tháng tù về hành vi buôn bán trái phép các tiêu bản rùa biển. Các bản án trên cho thấy loại tội phạm này vẫn chưa ngán ngại trước sự trừng phạt của pháp luật dù khung hình phạt đã được nâng lên khi Bộ Luật Hình sự được sửa đổi.

Lực lượng chức năng Việt Nam tổ chức tiêu hủy ngà voi và sừng tê giác bất hợp pháp - Ảnh minh hoạ: ANTĐ

Hiện nay, nhiều loại thịt thú rừng được mua bán trên thị trường dành cho các nhà hàng, quán nhậu để thu hút khách hàng đến quán mình. Xa hơn nữa, đó là lời đồn thổi về những công dụng đặc biệt của một số loại thịt, sản phẩm từ động vật hoang dã như mật gấu, sừng tê, ngà voi, vảy tê tê, cao thú rừng các loại…Với nhu cầu dùng những sản phẩm từ thú rừng quí hiếm của những người có thu nhập cao đã làm cho loại tội phạm mua bán, vận chuyển các loại động vật hoang dã ngày càng gia tăng trong nước và cả các đường dây buôn bán xuyên quốc gia.

Theo Trung tâm Giáo dục thiên nhiên – ENV, trong 7 tháng năm 2019 đã phối hợp với các cơ quan chức năng cứu hộ 146 cá thể động vật hoang dã gồm nhiều loài quý hiếm như: gấu, voọc, mèo rừng, rùa biển, khỉ, tê tê, rái cá, culi… Trong đó, có những loại động vật được đưa vào danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Tuy nhiên, đây chỉ là những con số qua tin báo của người dân mà cơ quan chức năng xử lý được, còn số vụ việc lọt thoát thì khó mà có thể tính đầy đủ.

Khi tội phạm về động vật hoang dã bị truy xét tại các hộ kinh doanh thì bọn chúng lại chuyển hướng sang bán qua mạng - một trào lưu trở nên phổ biến trong những năm gần đây. Đặc biệt trong năm 2019, liên tiếp các thông tin vi phạm về động vật hoang dã được phát hiện qua mạng internet khiến dư luận phẫn nộ. Với đời sống kinh tế ngày nay phát triển hơn nhiều thập niên trước đây đã thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã của nhiều người. Cùng với đó, sự phát triển của không gian mạng đã biến internet thành “mảnh đất màu mỡ” cho những đối tượng thực hiện các hành vi phạm tội về động vật hoang dã như buôn bán, tàng trữ chưa kể các hành vi bạo lực, tra tấn các động vật trước khi giết hại cũng được đưa lên facebook, youtube, mạng xã hội gây tác hại xấu, ảnh hưởng đến người xem các đoạn phim này- nhất là trẻ em.

Các thông tin quảng cáo các cá thể động vật hoang dã trên mạng có khả năng tiếp cận với những người có nhu cầu một cách dễ dàng, nhanh chóng. Cùng với đó, các đối tượng này thường xuyên thay đổi tài khoản, thông tin đăng tải có thể thay đổi và dỡ bỏ rất nhanh chóng nên việc xử lý các đối tượng này gặp nhiều khó khăn khiến tình hình tội phạm về động vật hoang dã trên mạng ngày càng diễn biến phức tạp.

Trước tình trạng các loại tội phạm về động vật hoang dã ngày càng phức tạp, tinh vi, các bản án với mức án nghiêm khắc là hồi chuông cảnh tỉnh đối với các đối tượng buôn bán động vật hoang dã. Đường dây nóng 1800-1522 từ Trung tâm Giáo dục thiên nhiên là địa chỉ đáng tin cậy để mọi người góp sức chống lại hoạt động buôn bán, nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã tại Việt Nam. Có những loài như tê giác, voi đang đối mặt với nạn thảm sát trên thế giới, nên tiếp tục nghiêm cấm tuyệt đối mọi hình thức buôn bán ngà voi, sừng tê, kể cả dưới hình thức dùng để làm vật kỷ niệm.

Việc tiêu hủy ngà voi và sừng tê giác cần trở thành thông lệ trong tố tụng hình sự, ngay sau khi một vụ án khép lại. Các cơ quan chức năng chỉ nên giữ lại một số lượng nhỏ mẫu vật ngà voi và sừng tê giác với mục đích phân tích ADN, phục vụ cho giáo dục hay nghiên cứu khoa học. Gần đây, sau khi xét xử, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định tiêu hủy gần 1 tấn ngà voi tang vật trong một vụ bắt giữ ngà voi tại huyện Thường Tín. Tuy nhiên, so với khối lượng hơn 53 tấn ngà voi được thu giữ trong 10 năm từ năm 2010 - 2018 và đang tiếp tục tăng theo cơ sở dữ liệu vi phạm về động vật hoang dã của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên, thì số lượng những vụ tiêu hủy ngà voi ở Việt Nam còn chưa tương xứng với số thu được. Một số vụ bắt giữ ngà voi, sừng tê giác được nhập từ châu Phi vào Việt Nam sau đó lại có qui mô không kém vụ trước!

Các cơ quan chức năng cần sớm triển khai nhiều biện pháp để thắt chặt việc quản lý các cá thể động vật hoang dã đang nuôi nhốt tại các cơ sở tư nhân bao gồm đăng kí và gắn chíp, sang nhượng hay nhập mới động vật hoang dã phải được thực hiện hợp pháp.

Hiện tại, việc buôn bán động vật hoang dã vẫn là nghề kinh doanh thu lợi nhuận rất cao. Chính vì vậy, chỉ khi nào pháp luật được áp dụng hiệu quả, các cơ quan hữu quan cùng chung trách nhiệm, phối hợp xử lý thì mới có tác dụng ngăn ngừa và giảm thiểu các hành vi vi phạm cũng như hạn chế, kéo giảm loại tội phạm này.

Bình luận