Cảnh báo tình trạng kỳ thị người gốc Á ở Mỹ

(VOH) - Một năm gần đây, tình trạng người Mỹ gốc châu Á bị kỳ thị và tấn công với nhiều mức độ khác nhau, khiến dư luận lo ngại.

Mới đây nhất, một phụ nữ gốc Á, 65 tuổi ở thành phố New York đã trở thành nạn nhân của tình trạng kỳ thị chủng tộc. Dịch COVID19 và tình trạng kỳ thị gia tăng đặt cộng đồng người Mỹ gốc châu Á trước nhiều nguy hiểm cũng như đặt chính quyền Tổng thống Joe Biden trước nhiều thách thức.

cảnh báo ky thị châu á
Tuần hành phản đối kỳ thị người gốc Á tại khu phố người Hoa ở Washington. Ảnh: Getty Images. 

Trước vụ tấn công cụ bà 65 tuổi, vụ xả súng ở bang Georgia (Mỹ) đầu tháng 3 vừa qua cướp đi sinh mạng của 6 phụ nữ người châu Á đã làm rúng động không chỉ nước Mỹ và cả thế giới. Những vụ tấn công nghiêm trọng này xảy ra ngày càng thường xuyên cùng với thái độ thờ ơ không can thiệp hay giúp đỡ của những người dân Mỹ chứng kiến, đang gây ra sự bất bình và phẫn nộ trong dư luận cũng như tạo ra làn sóng biểu tình trên khắp nước Mỹ, thậm chí lan tới cả Canada nhằm kêu gọi chấm dứt các tội ác kỳ thị đối với người châu Á.

Tình trạng kỳ thị người gốc Á tại Mỹ gia tăng từ lúc bắt đầu đại dịch COVID-19. Khi Trung Quốc trở thành tâm dịch COVID-19 đầu tiên cũng là lúc ông Donald Trump đang chuẩn bị tranh cử nhiệm kỳ thứ hai. Ngay từ lúc bắt đầu nhiệm kỳ năm 2016, ông Trump đã liệt Trung Quốc vào "danh sách đen" trong chương trình hành động của ông. Điều này giúp ích cho ông rất nhiều trong việc đẩy mạnh chính sách kinh tế và đối ngoại. Đến khi đại dịch bùng phát, ông Trump bắt đầu chính sách đối lập với Trung Quốc bằng việc đặt sắc lệnh cấm các chuyến bay từ Trung Quốc vào Mỹ. Các cộng đồng người Hoa khá phổ biến tại Mỹ, và người Mỹ lại thường gọi những nơi đó là "China Town". Chính vì vậy, phần đông người Mỹ không có khả năng phân biệt các nhóm người khác nhau ở châu Á. Thậm chí với một số người, khi nhắc đến châu Á, họ nghĩ tới Trung Quốc đầu tiên. Cho nên khi cựu tổng thống Trump gọi COVID-19 là "China virus" và "Kung-flu", ông gián tiếp gây ra những chú ý tiêu cực lên cộng đồng người châu Á tại Mỹ. Với những người ủng hộ ông Trump, họ cho rằng những câu nói này vô hại. Nhưng trên thực tế luôn có một quan hệ mật thiết giữa "hate crime"(những tội ác liên quan đến kỳ thị) và "hate speech" (phát ngôn mang tính chất thù hận và kỳ thị).

Trước tình trạng kỳ thị người châu Á gia tăng ở Mỹ, nhiều cuộc tuần hành đã được tổ chức tại khoảng 60 thành phố lớn, trong đó có New York, San Francisco, Los Angeles, Chicago, Detroit và Portland..., nhằm lên án nạn phân biệt chủng tộc và bài ngoại. Tại California, hàng trăm người viết thông điệp kêu gọi “Hãy dừng thù ghét người châu Á”, “Hãy ngừng thù hận và bắt đầu yêu thương”. Tại New York, một trong những thành phố có đông cộng đồng người gốc Á, hàng nghìn người thuộc nhiều chủng tộc, trong đó có nhiều chính trị gia, đã tuần hành tại quảng trường Foley ở khu trung tâm Manhattan, kêu gọi Chính phủ Mỹ tăng cường biện pháp nhằm bảo vệ cộng đồng châu Á.

Những vụ tấn công người châu Á, rộng hơn là những vụ phân biệt chủng tộc vốn đã hình thành từ lâu trong lòng xã hội Mỹ. Điển hình nhất là các vụ kỳ thị, tấn công nhằm vào người gốc Phi hay Mỹ Latinh, nhiều vụ cảnh sát bị cáo buộc trấn áp quá tay khiến người da màu thiệt mạng. Nay, bạo lực nhằm vào người gốc Á ngày càng gia tăng, song kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, những vụ kỳ thị, tấn công người gốc Á càng đặt xã hội Mỹ trước nhiều thách thức.

Trung tâm Nghiên cứu về hận thù và chủ nghĩa cực đoan thuộc Đại học California cho biết thái độ thù hận nhằm vào người  gốc Á ở 16 thành phố lớn nhất ở Mỹ tăng vọt, gần 150%. Theo báo cáo của Stop Asian American Pacific Islander (AAPI) Hate, một tổ chức chuyên tổng hợp các vụ việc chống lại người Mỹ gốc Á, có gần 3.800 vụ tấn công kỳ thị nhằm vào người Mỹ gốc Á trong vòng chưa đầy 1 năm qua kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại nước này. Để bảo vệ cộng đồng người châu Á tại Mỹ cũng như giảm bớt các vụ kỳ thị, Giáo sư người Mỹ gốc Á Russell Jeung ở Đại học bang San Francisco, đồng sáng lập Stop AAPI Hate, cho rằng cần phải thực hiện nhiều hành động cụ thể hơn nữa.

Trong những ngày qua, các tổ chức, liên đoàn các hiệp hội người Mỹ gốc Á đã phát động nhiều sáng kiến cũng như các hoạt động, như "Ngày hàn gắn và hành động quốc gia", khuyến khích những người tham gia sử dụng hashtag “StopAsianHate” (Chấm dứt thù hận đối với người châu Á) trên các phương tiện truyền thông xã hội nhằm nâng cao tinh thần và nâng cao nhận thức của cộng đồng về chống phân biệt chủng tộc đối với người châu Á,. Cùng với đó, rất nhiều chính trị gia, nhà lập pháp Mỹ cũng lên tiếng phản đối và kêu gọi chấm dứt tình trạng bạo lực và hành vi phạm tội nhằm vào người Mỹ gốc Á. Trong bài phát biểu đánh dấu 1 năm nước Mỹ phải đối mặt với đại dịch COVID-19, Tổng thống Biden đã lên án "tội ác thù hận tàn bạo" chống lại cộng đồng người Mỹ gốc Á, khẳng định đó là hành vi sai trái và nước Mỹ không chấp nhận điều đó.

Nhằm đối phó với "virus kỳ thị" nhằm vào người gốc Á, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đưa ra hàng loạt biện pháp, như thiết lập một sáng kiến liên ngành tại Bộ Tư pháp và một ủy ban đặc trách về công lý liên quan tới COVID-19, trích 49,5 triệu đô la Mỹ từ Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ để chi cho một chương trình tài trợ mới cho người Mỹ gốc Á và người dân đảo Thái Bình Dương. Quỹ Tài trợ quốc gia nhân văn Mỹ cũng sẽ cho ra mắt một thư viện ảo gồm các dự án do liên bang tài trợ nhằm tìm hiểu và tôn vinh những đóng góp của người Mỹ gốc Á đối với nước Mỹ. Gói này cũng bao gồm việc tài trợ cho các nghiên cứu quan trọng nhằm ngăn chặn và giải quyết tình trạng thiên vị và bài ngoại đối với các cộng đồng người Mỹ gốc Á… Dư luận cho rằng phản ứng của Nhà Trắng cho thấy chính quyền Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực hàn gắn cũng như nhằm đảm bảo rằng sự an toàn và sức khỏe của cộng đồng người Mỹ gốc Á tại Mỹ là một ưu tiên. Cách tiếp cận của Tổng thống Biden cũng là một minh chứng cho cam kết của ông đối với cộng đồng người gốc Á, góp phần đạt được sự "công bằng chủng tộc trong dài hạn" ở Mỹ.