Cấp cứu bằng xe 2 bánh – mô hình hay từ yêu cầu thực tiễn

(VOH) - Có những mô hình, ý tưởng sáng tạo được hình thành trong quá trình tích lũy kinh nghiệm thực tiễn.

Trong ngành Y tế cũng vậy, thời gian qua luôn có nhiều cách làm hay xuất phát từ thực tế cuộc sống, trên hết đó là đáp ứng phục vụ nhu cầu người bệnh đặc biệt trong những hoàn cảnh tối khẩn. Chúng tôi muốn nói đến mô hình cấp cứu bằng xe 2 bánh. 

 

Cấp cứu bằng xe 2 bánh

Mô hình cấp cứu bằng xe 2 bánh có ưu thế là nhanh chóng tiếp cận các địa bàn chật hẹp như hẻm nhỏ, những khu vực đông đúc, giao thông ách tắc. Ảnh: baodansinh

Đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh thì không thể xem nhẹ việc hoàn thiện mạng lưới cấp cứu của Thành phố. Thời gian qua, với sự đầu tư phát triển nâng chất từ Trung tâm Cấp cứu 115, đã khởi động, kích hoạt đa dạng nhiều loại hình trong hệ thống cấp cứu. Với mục tiêu nhanh hơn, tiện ích hơn để người bệnh đảm bảo được thời gian vàng trong điều trị, từ đó khả năng cứu giữ mạng sống được cao hơn. Trong nỗ lực xây dựng hệ thống cấp cứu ngày càng tốt hơn, phục vụ công tác điều trị bệnh cho nhân dân thì mô hình cấp cứu bằng xe hai bánh đây được xem là mô hình đầy tính sáng tạo xuất phát từ nhu cầu thực tiễn.

Chính thức đưa mô hình cấp cứu xe hai bánh vào phục vụ cộng đồng từ đầu tháng 11 năm 2018 tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, sau quá trình triển khai, Sở Y tế Thành phố đã có nhận xét đánh giá về mặt chuyên môn, bước đầu cho thấy đây là mô hình rất cần thiết. Từ thực tế ngay quận trung tâm Thành phố, xuất phát từ tình hình giao thông tắc nghẽn vào những giờ cao điểm khiến xe cứu thương rất khó di chuyển, mất thời gian dài để đến điểm cần tiếp cận. Thứ hai nếu bệnh nhân ở trong những hẻm nhỏ thì xe cứu thương khó vào được, trong khi đó nếu người nhà trực tiếp đưa bệnh nhân thì những tư thế sai lệch lúc di chuyển vô tình có thể gây hại cho người bệnh. Với ưu điểm gọn, nhẹ, di chuyển nhanh, có nhân viên y tế trực tiếp hướng dẫn nên mô hình cấp cứu bằng xe hai bánh đã phát huy lợi thế và chứng tỏ được tính khả thi, được vận dụng linh hoạt tùy từng trường hợp bên cạnh phương tiện chủ lực là xe cứu thương

Nói về mô hình này, PGS Tăng Chí Thượng – Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố chia sẻ thêm khi nói đến cấp cứu người ta cứ quen nghĩ là xe cứu thương bốn bánh với trang bị hiện đại nhưng với các nước phát triển ngoài xe cứu thương trang bị hiện đại người ta còn dùng nhiều phương tiện khác như  xe đạp cứu thương, xe honda cứu thương hoặc trên vùng sông nước thì ca nô cứu thương. Tất cả khi triển khai đều hướng đến làm sao cấp cứu cho người dân một cách tốt nhất, nhanh chóng đưa đến bệnh viện đảm bảo công tác cứu chữa kịp thời.

Khi  triển khai tại Quận 1 cụ thể là tại trạm cấp cứu vệ tinh Bệnh viện đa khoa Sài Gòn, bước đầu ghi nhận phần đông người dân đều hài lòng với loại hình xe cấp cứu 2 bánh. Thống kê từ phía bệnh viện thì bác sĩ đến rất nhanh so với trước đây, mất thời gian trung bình từ 3 đến 5 phút là đã tiếp cận người bệnh, số lượt cấp cứu ngoại viện của bệnh viện cũng đã tăng 30% so với giai đoạn trước. “Cấp cứu ngoại viện bằng xe 2 bánh - Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn”, công trình này cũng đã vào vòng chung khảo giải thưởng sáng tạo của Thành phố. Đây là giải thưởng danh giá, được trao cho các các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân người Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài có các công trình nghiên cứu, giải pháp, sản phẩm dịch vụ sáng tạo đóng góp cho sự phát triển của thành phố Hồ Chí Minh.

Mô hình này trên thế giới đã áp dụng từ lâu do vậy khi ngành y tế Thành phố cho triển khai thí điểm và đánh giá lại đã ghi nhận tính hiệu quả của nó. Từ xuất phát điểm thuận lợi khi cấp cứu bằng xe 2 bánh ở quận trung tâm Thành phố, mô hình này bắt đầu lan tỏa đến các quận khác. Cho đến nay, đã có 4 trạm cấp cứu vệ tinh của Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, Bệnh viện Quận 2, Quận 4, Quận Thủ Đức triển khai cấp cứu bằng xe 2 bánh. Ghi nhận tại các bệnh viện triển khai sau này cũng cho thấy, việc cấp cứu được thực hiện nhanh hơn cụ thể khi cấp cứu người dân phát tín hiệu trong những hẻm nhỏ ngoằn ngèo mà xe cứu thương không thể đến nơi. Tại Bệnh viện Thủ Đức sau khi triển khai, Bác sĩ Nguyễn Minh Quân – Giám đốc bệnh viện – cho biết, khi đưa phương tiện này vào cấp cứu, tỷ lệ cấp cứu ngoại viện cũng tăng hơn so với trước và người dân cảm thấy hài lòng, an tâm hơn khi trên địa bàn dân cư có phương tiện cấp cứu chỉ cần điện thoại là đến nhanh, đến ngay điểm có bệnh nhân cần cấp cứu

Những lợi thế của cấp cứu bằng xe hai bánh đã được ngành y tế linh hoạt trong ứng dụng thực tiễn nhằm mang lại hiệu quả tối ưu cho người bệnh. Một khi mà cấp cứu luôn được thực hiện trong hoàn cảnh tối khẩn để cứu giữ mạng sống của người bệnh thì việc hướng đến đa dạng các loại hình là vô cùng cần thiết, phục vụ tốt hơn và sát sao hơn với thực tế mà người dân cần. Sau 6 tháng triển khai với sự kết nối chặt chẽ, chỉ đạo từ mạng lưới điều phối Trung tâm Cấp cứu 115 và Sở Y tế Thành phố,  kể từ tháng 5/2019, Sở đã chính thức triển khai loại hình xe cấp cứu 2 bánh vào phục vụ nhu cầu cấp cứu cho người dân trên địa bàn thành phố. Mô hình này được xem là “đặc sản” của ngành y tế Thành phố,  xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và quan trọng hơn tính hiệu quả đã được chứng minh./.