Cắt ngân sách cho WHO, lợi hay hại cho nước Mỹ?

(VOH) - Cách ứng phó của WHO với đại dịch Covid-19 – cách ứng phó mà Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi là “lấy Trung Quốc làm trung tâm”.

Sau một thời gian liên tục đưa ra nhiều chỉ trích gay gắt nhằm vào Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức tuyên bố ngừng cấp kinh phí cho tổ chức này và điều tra về cách ứng phó của WHO với đại dịch Covid-19 – cách ứng phó mà ông Trump gọi là “lấy Trung Quốc làm trung tâm”. Bước đi của Tổng thống Mỹ được cho là mang những tính toán về mặt chính trị, dù vậy có thể gây ra những “tác động ngược” cho chính nước Mỹ trong bối cảnh  lãnh đạo các quốc gia trên thế giới đều đang kêu gọi sự đoàn kết quốc tế để chiến thắng dịch bệnh Covid-19, và bản thân Mỹ cũng chưa vượt qua đỉnh dịch. 

Donald Trump, WHO, Covid-19

Tổng giám đốc WHO Tedros (trái) và Tổng thống Trump - Ảnh: AFP

Hiện tại, có hai luồng quan điểm trái chiều cả trong chính giới, chuyên gia, truyền thông và người dân Mỹ về động thái mới nhất của Tổng thống Trump. Thứ nhất, xuất phát từ quan điểm cứng rắn trong Chính quyền Mỹ và những nghị sỹ theo đường lối bảo thủ bên phía đảng Cộng hòa cho rằng Tổ chức Y tế Thế giới hoạt động kém hiệu quả và “nghiêng” về phía Trung Quốc. Chính sự chậm chễ trong việc công bố dịch COVID19 và sự lúng túng trong việc xử lý dịch bệnh đã khiến cho virus lan rộng trên toàn cầu và dẫn tới bệnh dịch lan nhanh ở Mỹ hiện nay. Phát biểu trên truyền hình Fox News, Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro, nói rằng WHO “vấy máu trên tay” do đã không hành động và liên tục thiên vị Trung Quốc trong những ngày đầu của đại dịch Covid-19. Tuyên bố của ông Navarro đưa ra ngay trước thời điểm Tổng thống Trump chính thức tuyên bố ngừng cấp ngân sách cho WHO, cho rằng ông chủ Nhà Trắng hoàn toàn đúng khi chỉ thị tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ về điều gì đã xảy ra và vai trò của Trung Quốc trong vấn đề này. Ông Navarro nhấn mạnh, Chính quyền Trump không thể chấp nhận một WHO mà sẽ khiến Mỹ thất bại trước đại dịch.

Điểm thứ hai, động thái mới nhất của Tổng thống Trump dược cho là một cách thức nhằm làm chệch hướng sự chú ý của dư luận trong nước trước những chính sách chủ quan, chậm chạp và thất bại trong xử lý đại dịch Covid-19 của Mỹ.Hàng loạt nghị sỹ đảng Dân chủ đã lên tiếng chỉ trích Tổng thống Trump, cho rằng Nhà Trắng đã xử lý sai cuộc khủng hoảng này ngay từ đầu, phớt lờ nhiều cảnh báo và lãng phí thời gian quý báu, bác bỏ luận cứ y khoa, so sánh bệnh Covid-19 với cảm lạnh thông thường và nói rằng 'mọi thứ sẽ ổn. Trong một phát biểu Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Adam Schiff, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, cho rằng Tổng thống Trump đang tìm cách làm chệch hướng sự chỉ trích của dư luận về thất bại của chính mình. Theo ông Xchíp, hợp tác quốc tế về y tế công cộng chưa bao giờ có ý nghĩa then chốt hơn lúc này.Việc Mỹ ngừng cấp ngân sách cho WHO sẽ chỉ khiến đại dịch Covid-19 tồi tệ hơn.

Với bài viết “Quyết định của ông Donald Trump nhận nhiều chỉ trích”, hãng tin Mỹ AP trích dẫn ý kiến của nhiều nhà lãnh đạo thế giới cho rằng việc dừng tài trợ cho WHO lúc này là không đúng thời điểm. Ví dụ như Liên minh châu Âu cho rằng ông Donald Trump không có lý do gì để đóng băng các khoản tài trợ cho WHO, đồng thời kêu gọi thế giới đoàn kết để chống lại dịch bệnh Covid-19. AP cũng dẫn lời tỷ phú Bill Gates – nhà tài trợ lớn thứ 2 cho WHO trong năm 2018 và 2019 với hơn 530 triệu đô la Mỹ– nêu rõ: “Dừng tài trợ cho WHO khi đang đối diện với một cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu là một việc làm cực kỳ nguy hiểm. Công việc của WHO là làm chậm lại quá trình lây lan của Covid-19, nếu như công việc này dừng lại, không có một tổ chức nào có thể làm thay cho WHO. Thế giới đang cần tới WHO hơn bao giờ hết”.Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng đã đăng tải dòng trạng thái trên Twitter cho rằng “Virus không biết đến khái niệm biên giới. Vì vậy mọi quốc gia phải cùng hợp tác chặt chẽ với nhau để chống lại Covid-19”

Câu hỏi đặt ra hiện nay là nếu Mỹ chính thức ngừng cấp toàn bộ kinh phí cho WHO, sẽ dẫn tới những hệ lụy nào? Giới phân tích cho rằng hệ lụy đầu tiên đó chính là những ảnh hưởng xấu tới các nỗ lực toàn cầu để ứng phó với dịch bệnh Covid-19, bao gồm việc cả triển khai những biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác ở các nước nghèo, đặc biệt là châu Phi. Bởi trên thực tế, những năm vừa qua, Mỹ luôn là nhà bảo trợ lớn nhất cho các hoạt động của WHO. Được biết, những năm trước, ngoài khoản đóng góp chính thức, hàng năm Mỹ còn có một số khoản hỗ trợ bổ sung cho hoạt động của WHO. Năm ngoái (2019), Mỹ đã đóng góp hơn 400 triệu đô la Mỹ, chiếm khoảng 15% tổng ngân sách hoạt động của WHO.

Hiện WHO đã đề xuất khoản ngân sách gần 4,9 tỷ đô la Mỹcho giai đoạn 2020-2021, tức tăng 11% so với giai đoạn 2018-2019, nhưng vẫn đang chờ được phê duyệt khoản ngân sách đó. Ngoài ra, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng, diễn biến khó lường và dịch chuyển xuống Nam bán cầu, WHO đang nỗ lực tìm kiếm khoản ngân sách bổ sung, trị giá ít nhất 1 tỷ đô la Mỹnhằm giúp các nước chậm và đang phát triển ứng phó với dịch bệnh.

Ở một góc nhìn khác, quyết định tạm ngừng cấp ngân sách cho WHO của Tổng thống Mỹ sẽ càng khiến uy tín, vị thế của Mỹ trên trường quốc tế suy giảm và gây bất lợi cho Washington trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cường quốc thế giới, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung ngày càng quyết liệt.Những năm gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã đẩy mạnh những nỗ lực nhằm xác lập vị thế trong các định chế khu vực và toàn cầu, nhất là hệ thống các tổ chức trực thuộc Liên Hợp Quốc. Những nỗ lực đó của Trung Quốc càng gia tăng kể từ khi ông Trump lên nắm quyền, theo đuổi mục tiêu “nước Mỹ trên hết”, rút khỏi các tổ chức và cam kết quốc tế.

Ông Richard Gowan, Giám đốc Nhóm khủng hoảng quốc tế, Tổng thống Trăm nói rằng Mỹ đóng góp lớn hơn cho các chi phí của WHO nói riêng và ngân sách nhân đạo của Liên Hợp Quốc nói chung so với đóng góp của Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc đã tìm cách trở thành một nhà lãnh đạo đa phương với “giá rẻ” trong thập kỷ qua, sử dụng quyền lực chính trị của mình để tạo ảnh hưởng, nhưng lại không đầu tư nghiêm túc vào các tổ chức như WHO, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), hoặc Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tỵ nạn (UNHCR),.. Tuy nhiên, việc Chính quyền  Mỹquyết định rút khỏi, hoặc giảm cam kết đóng góp cho các tổ chức quốc tế như WHO, nhất là trong bối cảnh tổ chức này đang dẫn dắt thế giới đương đầu với cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng nhất từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai, sẽ càng khiến “chỉ số tín nhiệm” của Mỹ trên trường quốc tế sụt giảm hơn nữa. Điều này hoàn toàn bất lợi đối với nước Mỹ trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng và Mỹ vẫn tiếp tục chiến lược khuyếch trưởng ảnh hưởng trên toàn cầu.