Chờ...

Chính phủ Australia không 'nhượng bộ' trước các 'đại gia' công nghệ

(VOH) - Quốc hội Australia vừa thông qua luật buộc các “đại gia” công nghệ như Google và Facebook phải trả phí cho việc sử dụng nội dung tin tức lấy từ truyền thông địa phương

Tranh cãi giữa chính phủ Australia và Facebook tuy kết thúc bằng việc Facebook phải “nhượng bộ” chính phủ Australia nhưng nó cho thấy các đại gia công nghệ là thế lực mới rất dáng ghờm đe dọa chủ quyền và an ninh của mọi quốc gia. 

Đây là điều luật đầu tiên trên thế giới bắt Google và Facebook phải trả phí cho các hãng tin, tòa soạn báo, công ty truyền thông khi các đại gia công nghệ này khai thác sử dụng thông tin của họ. Theo Luật Thương lượng các nền tảng số và thông tin truyền thông vừa được thông qua, Google và Facebook cần phải đàm phán các thỏa thuận bản quyền với đơn vị cung cấp thông tin xuất hiện trên mạng xã hội của các ông lớn công nghệ này. 

Trước đó, chính phủ liên bang Australia đang rút tất cả các chiến dịch quảng cáo trên Facebook đồng thời ban hành lệnh cấm sử dụng Facebook. Động thái trên được đánh giá là một trong những biện pháp cứng rắn tiếp theo của Chính phủ Australia nhằm "đáp trả" việc Facebook ngày 17/2 ra quyết định hạn chế đọc và chia sẻ tin tức trên mạng xã hội này nhằm phản ứng lại nỗ lực của Chính phủ Australia buộc các công ty công nghệ trả phí cho việc sử dụng nội dung của các tổ chức báo chí nội địa.

Chính phủ Australia không “nhượng bộ” trước các “đại gia” công nghệ 1
Ảnh minh họa: Internet

Quyết định của “đại gia” công nghệ Mỹ đã khiến các tổ chức báo chí của Australia không thể đăng tin tức lên trang Facebook của mình, trong khi hơn 17 triệu người dùng Australia không thể đọc hay chia sẻ các trang tin này trên mạng xã hội lớn nhất thế giới. Trang Facebook của nhiều tổ chức xã hội, dịch vụ công và cơ quan chính quyền Australia cũng bị ảnh hưởng. Cũng như nhiều nơi khác, tại Australia, lướt Facebook là một cách phổ biến để tìm tin tức và truy cập nội dung tin tức, đặc biệt là đối với giới trẻ. Theo một báo cáo năm 2020, 49% người được hỏi sử dụng Facebook như một “nguồn tin tức” về đại dịch và nền tảng truyền thông xã hội vẫn là cách phổ biến nhất để người Australia truy cập tin tức trực tuyến (37%). 

Phản ứng với hành động của Facebook, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ, coi đây là hành động “ngạo mạn” và “đáng thất vọng” nhằm gây áp lực lên chính phủ Australia. Vì thế, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã quyết định đẩy nhanh tiến độ thông qua Luật Thương lượng các nền tảng số và thông tin truyền thông, yêu cầu Google và Facebook phải ký thỏa thuận thương mại về việc trả tiền cho nội dung tin tức với các tổ chức báo chí Australia trong một thời hạn nhất định, nếu không sẽ phải đối mặt với quy trình phân xử với mức tiền phạt lên tới 10% doanh thu. Thực tế là trong 2 thập niên qua, nhiều hãng tin toàn cầu luôn phàn nàn rằng các nền tảng công nghệ "đang lợi dụng họ để làm giàu", bán quảng cáo gắn với các bản tin của họ mà không chia sẻ doanh thu. Theo Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg, Google chiếm 53% doanh thu quảng cáo trực tuyến của Australia còn Facebook chiếm 23%.

Thực tế cho thấy 10 năm trở lại đây, với sự phát triển nhanh chóng của Internet, thói quen đọc của người dùng đã chuyển dần sang các nền tảng công nghệ và mạng xã hội, đặt ra thách thức lớn cho ngành báo chí thế giới. Các tờ báo truyền thống, với tư cách là nhà cung cấp nội dung chính của các phương tiện truyền thông mới, phàn nàn rằng Google và Facebook đã cắt đứt các nguồn tài chính của riêng họ. Theo thống kê mới nhất, năm 2020, thị phần của Google và Facebook trên nền tảng quảng cáo kỹ thuật số đã lên tới 78%, tăng từ mức 75% năm 2019 và tăng vọt so với mức 66% của 2 năm trước đó. Bên cạnh ưu thế công nghệ vượt trội, Google và Facebook còn thu hút được nhiều người sử dụng một phần là do các công ty này dùng nhiều tin tức của các tổ chức báo chí. 

Xung đột giữa Facebook và Chính phủ Australia đã cho thấy mâu thuẫn lớn hơn giữa các nền tảng mạng xã hội (big tech) và một bên là các quốc gia có chủ quyền. Các “big tech” - với quyền lực ngày càng lớn, một thứ quyền lực xuyên quốc gia và ko bị giới hạn về đường biên giới - đang muốn viết luật chơi theo ý mình, đôi khi lấn át cả luật pháp các nước. Tuy nhiên, luật của Facebook hay Twitter ko phải là “pháp luật”. Ngày càng có nhiều quốc gia nhận thấy rủi ro tiềm ẩn trong quan hệ với các nền tảng mạng. Đó là vấn đề an ninh quốc gia và chủ quyền và quyết định hành động mạnh mẽ. Đối đầu Facebook-Australia là ví dụ rõ ràng cho thực trạng ấy và đây là cuộc chiến không của chỉ của riêng một quốc gia nào.