Chờ...

Chuyến thăm châu Á của Chủ tịch Hạ viện Mỹ “thổi bùng” căng thẳng Mỹ-Trung

(VOH) - Trong tuần chuyến thăm vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) của Chủ tịch Hạ viện Mỹ bà Pelosi khiến dư luận thế giới đặc biệt quan tâm.

Phía Trung Quốc cho rằng, chuyến thăm của bà Pelosi đã vi phạm nguyên tắc “một Trung Quốc”, vi phạm công việc nội bộ của quốc gia này. Ở một góc nhìn khác, chuyến thăm này cũng đã khiến quan hệ Trung-Mỹ có nguy cơ trở lại “vạch xuất phát” mâu thuẫn và căng thẳng.

Tối 2/8, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong đã triệu Đại sứ Mỹ tại nước này, ông Nicholas Burns đến để bày tỏ phản đối chuyến thăm của Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi đến vùng lãnh thổ Đài Loan. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cho rằng chuyến thăm của bà Pelosi đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc "Một Trung Quốc" và 3 thông cáo chung của hai nước; cho rằng chuyến thăm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền tảng chính trị trong quan hệ Trung Quốc- Mỹ, làm suy yếu hòa bình và ổn định trên toàn Eo biển Đài Loan. 

pelosi
Ảnh minh họa.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Mỹ thực hiện các hành động cụ thể tuân thủ nguyên tắc "Một Trung Quốc" và các điều khoản trong 3 thông cáo chung giữa 2 quốc gia. Về phần mình, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, hiện đang ở Campuchia tham dự một số hội nghị của ASEAN, cũng đã bày tỏ phản đối chuyến thăm của bà Pelosi tới vùng lãnh thổ Đài Loan, gọi đây là động thái làm gia tăng căng thẳng chính trị. 

Trước đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tối muộn ngày 02/08 đã tới vùng lãnh thổ Đài Loan để bắt đầu chuyến thăm mà theo văn phòng của bà Pelosi thì đây là chuyến thăm chính thức Đài Loan đầu tiên của một Chủ tịch Hạ viện Mỹ trong vòng 25 năm. 

Ngay khi tới Đài Loan, văn phòng của bà Pelosi đã ra thông cáo báo chí và bản thân bà Pelosi cũng đã có bài viết trên tờ Bưu điện Washington về mục đích chuyến đi của mình. Bà Pelosi cho biết chuyến thăm của đoàn nghị sỹ Mỹ tôn trọng cam kết không đổi của Mỹ trong việc ủng hộ nền dân chủ của Đài Loan và đây là một phần của chuyến công du Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bao gồm Singapore, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản, tập trung vào các lĩnh vực an ninh tương hỗ, đối tác kinh tế và quản trị dân chủ. 

Nội dung thảo luận giữa đoàn nghị sỹ Mỹ với giới chức Đài Loan tập trung tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với đối tác Đài Loan và thúc đẩy các lợi ích chung bao gồm thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Bà Pelosi cũng nhấn mạnh rằng đây là một trong nhiều chuyến thăm của các nghị sỹ Mỹ tới Đài Loan và không đi ngược lại chính sách lâu dài của Mỹ được chỉ dẫn bởi Đạo luật quan hệ Đài Loan năm 1979, Các thông cáo chung Mỹ-Trung và 6 Đảm bảo. 

Trong khi đó, Nhà Trắng cho biết chuyến thăm của bà Pelosi phù hợp với chính sách của Mỹ đối với Đài Loan và Mỹ sẽ giám sát chặt chẽ các hành động của Trung Quốc sau khi bà Pelosi rời Đài Loan. Phát ngôn viên Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ John Kirby cũng khẳng định cam kết của Mỹ theo Đạo luật quan hệ Đài Loan đồng thời cho rằng không có lý do gì để chuyến thăm của bà Pelosi khiến Mỹ và Trung Quốc rơi vào xung đột.

Trong bối cảnh cả Mỹ và Trung Quốc đều sắp tổ chức các sự kiện chính trị lớn thì lãnh đạo hai nước đều không muốn để căng thẳng có thể biến thành xung đột vũ trang. Về phía Trung Quốc, nếu không có các hành động cứng rắn đáp trả chuyến thăm của bà Pelosi thì uy tín của Chủ tịch Tập Cận Bình trước thềm Đại hội đảng lần thứ 20 không thể không giảm sút. Ngoài ra, chuyến thăm này cũng tạo tiền lệ cho các giới chức Mỹ cũng như các nước khác, ví dụ như các nghị sỹ Anh, đi thăm Đài Loan trong thời gian sắp tới. Điều này sẽ đặt Trung Quốc vào thế khó trong việc hoạch định chính sách đối với Đài Loan thời gian tới. Về phía Mỹ, mặc dù Chính quyền Tổng thống Biden ban đầu phản đối nhưng rõ ràng chuyến thăm của bà Pelosi đến Đài Loan cũng mang lại lợi ích không ít cho phe Dân chủ trước cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ sắp tới. Đối mặt với các khó khăn, thách thức trong nước, phe Dân chủ trước đây đã từng đẩy mạnh thực hiện chính sách đối ngoại để tạo đà, tăng uy tín trong cử tri. Mà chuyến thăm vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) của bà Pelosi là một trong những ví dụ.

Ngay khi máy bay chở Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hạ cánh xuống sân bay Tùng Sơn ở Đài Bắc, Tân Hoa Xã đã đăng tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bày tỏ sự kiên quyết phản đối và lên án mạnh mẽ hành động của bà Pelosi. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh “chỉ có một Trung Quốc trên thế giới và Đài Loan là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc”, đồng thời chỉ trích chuyến thăm “đã tác động nghiêm trọng nền tảng chính trị của quan hệ Trung-Mỹ, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, phá hoại nghiêm trọng hòa bình ổn định ở eo biển Đài Loan và gửi đi tín hiệu sai lệch nghiêm trọng cho lực lượng ly khai đòi ‘Đài Loan độc lập’.”

Trong đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định “Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đang ở trong tình trạng cảnh giới cao độ và sẽ tiến hành một loạt các hành động quân sự đáp trả có mục tiêu.” Ngay khi máy bay của bà Pelosi hạ cánh, quân đội Trung Quốc đã tuyên bố sẽ tiến hành các cuộc tập trận và huấn luyện, bao gồm nội dung bắn đạn thật tại 6 khu vực quanh Đài Loan từ ngày 4/8-7/8, đồng thời cấm tất cả tàu thuyền và máy bay đi vào các khu vực này. Chiến khu miền Đông - phụ trách 6 tỉnh, trong đó có Phúc Kiến, nhìn thẳng sang vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) cho biết sẽ tiến hành các cuộc diễn tập phối hợp trên không và trên biển ở phía Bắc, Tây Nam và Đông Nam đảo Đài Loan từ tối ngày 2/8 và sẽ phóng thử tên lửa ở vùng biển phía Đông đảo Đài Loan.

Giới phân tích nhận định, các động thái này sẽ tiếp tục làm căng thẳng Mỹ-Trung leo thang. Dư luận quốc tế kêu gọi hai bên kiềm chế và đối thoại làm giảm thiểu xung đột và ổn định tình hình khu vực./.