Người nuôi heo nước ta vừa đón nhận thông tin vui từ ngành nông nghiệp. Đó là Học viện Nông nghiệp Việt Nam vừa thông báo kết quả bước đầu thử nghiệm có khả quan của vaccin vô hoạt phòng bệnh dịch tả heo châu Phi. Đây có lẽ cũng là tin vui cho cả ngành chăn nuôi heo thế giới nếu các nhà khoa học Việt Nam thành công.
Bệnh dịch tả heo châu Phi đã hoành hành trên thế giới khoảng 100 năm nay. Bệnh đã lây lan ra khoảng 60 quốc gia nhưng vẫn chưa có gì ngăn chặn được, với thiệt hại hàng chục triệu con heo phải tiêu hủy, giá trị vài chục tỷ đô la Mỹ, vì chưa có vaccin phòng và không có thuốc điều trị. Các nhà khoa học trên thế giới đã dày công nghiên cứu nhưng vẫn chưa tìm được loại vaccin có hiệu quả để phòng bệnh dịch này.
Mới đây, theo báo cáo của Học Viện Nông nghiệp Việt Nam, một vaccin vô hoạt do đơn vị nghiên cứu đã thử nghiệm trên 3 đàn heo của 3 hộ gia đình khác nhau ở Hưng Yên, Hà Nam và Thái Bình. Kết quả sau hơn 2 tháng cho thấy, toàn bộ 16 trên 18 heo nái và 15 heo thịt thử nghiệm vaccin đều khoẻ mạnh, một số nái đã đẻ và heo con khoẻ mạnh. Trong khi những con heo không được tiêm vaccine đều chết do bênh dịch tả heo châu Phi.
Lực lượng chức năng ở Hà Nội diễn tập ứng phó với dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: VNE
Tin vui là vậy. Người nuôi heo Việt Nam đón nhận tin vui này với hy vọng sẽ tiếp tục được theo đuổi với nghề. Thế nhưng người nuôi heo Việt Nam cũng như trên thế giới, hiện nay vẫn chưa thể tái đàn, vẫn cần thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, sử dụng các biện pháp vệ sinh, tiêu độc, khử trùng để ngăn chặn virus dịch tả heo châu Phi xâm nhập vào trại heo... Bởi vì, Bộ trưởng ngành nông nghiệp vẫn xác định bước đường đến thành công, ra vaccin thương mại sẽ còn dài. Bởi cần phải qua quá trình thử khảo nghiệm trên diện rộng, xác định dòng virus độc lực hiện trường và khả năng sinh kháng thể miễn dịch kéo dài.
Mới đây nhất là Bến Tre, địa phương thứ 61 trong 63 tỉnh TP có bệnh dịch tả heo châu Phi. Đến nay, số heo phải tiêu hủy gần 3 triệu con, chiếm hơn 10% đàn heo cả nước, thiệt hại cho xã hội hàng ngàn tỷ đồng. Ngành nông nghiệp khẳng định nguy cơ dịch tiếp tục bùng phát trong thời gian tới vẫn rất cao, đe doạ tới ngành chăn nuôi. Do vậy, người nuôi theo cần thực hiện theo hướng khuyến khích chuyển đổi mô hình chăn nuôi từ heo sang chăn nuôi bò, gà, gia cầm và thủy sản của ngành nông nghiệp, theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ.
Nghị quyết số 42 của Chính phủ mới ban hành về việc triển khai một số giải pháp cấp bách trong phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi. Nghị quyết 42 này có quyết định về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch tổng thể và kịch bản phòng, chống bệnh dịch với nhiều tình huống khác nhau, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương về công tác phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương đẩy mạnh cấu trúc lại ngành chăn nuôi, đa dạng hóa vật nuôi, trước mắt tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, thủy sản,... để bù đắp thiếu hụt sản phẩm thịt heo nhằm phục vụ tốt đời sống người dân.