Khách mời là ông Lê Hồng Liêm – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia; Thạc sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên – Nguyên Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Nguyên Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TPHCM, Nguyên Ủy viên Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; Nhạc sĩ Võ Đăng Tín – Nguyên Giám đốc Nhà hát nhạc vũ kịch thành phố; Đại tá, nhạc sĩ Võ Công Phước – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thuộc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP chia sẻ những đóng góp thầm lặng của họ trên mặt trận văn hóa để gắn kết thêm tình hữu nghị 2 nước Việt Nam - Campuchia.
VOH: Những khó khăn trong chiến đấu là vậy và ở trong nước, dù là những người không trực tiếp cầm súng chiến đấu nhưng là những người ở lại xây dựng đất nước, làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến thì có những khó khăn nào không và đóng góp như thế nào để giúp nước bạn hồi sinh đất nước sau họa diệt chủng?
Ông Lê Hồng Liêm: Ngay từ những thời kỳ đen tối, chiến đấu như thế mà đảng ta, đoàn thanh niên có tầm nhìn xa, phải suy nghĩ góp phần giúp bạn không chỉ có chiến thắng mà còn hồi sinh, xây dựng đất nước và phát triển cho nên quan tâm đến đào tạo đội ngũ, cán bộ thanh niên, đoàn thanh niên của bạn. Đã có chủ trương mở các lớp để huấn luyện cho bạn. Ngày đó thì chúng ta khó khăn lắm. Chúng tôi tổ chức cho các lớp đoàn thanh niên của Việt Nam, ăn bo bo, nhưng với bạn phải là tiêu chuẩn quốc tế. Dành hết ưu tiên chăm sóc cho đội ngũ này. Đặc biệt khó nữa là làm sao có phiên dịch. Bởi vì số phiên dịch rành rẽ là ra chiến trường, phục vụ chiến đấu.
Chúng tôi đi xuống Trà Vinh, Sóc Trăng, đi vô quận 8, những khu có Việt Kiều mà tâm lý bà con là không muốn đi xa. Cuối cùng thuyết phục được 1, 2 anh bạn trẻ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để làm phiên dịch. Các em đó đã được huấn luyện, được bồi dưỡng công tác thanh niên, thì điều đáng mừng là từ những năm 1978, 1979 thì bây giờ tôi về công tác tại Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia, góp phần vun đắp cho tình hữu nghị đặc biệt giữa nhân dân 2 nước thì gặp lại các em bây giờ ở những cương vị trọng trách hay ở các địa phương. Tình nghĩa các em vẫn còn nhớ, vẫn xúc động và chăm nom cho những người thầy đã vun đắp cho mình. Mỗi người ở góc độ khác nhau góp phần thầm lặng vào cuộc chiến tranh bắt buộc này, hồi sinh đất nước. Mà điều này phải tiếp tục khơi dậy, là mạch nguồn rất lớn, là động lực rất lớn.
Ông Võ Đăng Tín: Tôi là một trong những người phối hợp với các chuyên gia Liên Xô hồi đó, phục hồi lại Trường Nghệ thuật Hoàng gia Campuchia. Tức là hồi đó mình qua Phnom Penh thì chưa có điện, điện chỉ có tới 9g tối thôi. Súng còn bắn. Rất vui là lớp đào tạo đầu tiên của mình sau này sang thì thấy họ giữ những cương vị tốt, cương vị chủ chốt trong Bộ Văn hóa của Campuchia.
Trưa 7/1/1979, các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia cùng Quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng Thủ đô Phnom Penh. Ảnh: TTXVN
VOH: Với nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên thì ông nguyên là UV TW Hội Thanh niên Việt Nam ông có khá nhiều tác phẩm viết cho thời kỳ này, thì không biết nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên có thể nói thêm cho thính giả đang nghe Đài được biết là trong giai đoạn này thì thành đoàn thành phố đã tổ chức những chuyến công tác giúp đỡ nước bạn cũng như những sáng tác của ông trong giai đoạn đó để phục vụ như thế nào không ạ?
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên: Đất nước của chúng ta vừa hòa bình thống nhất lại bước vào cuộc chiến tranh khốc liệt ở tại biên giới tây nam. Điều này đánh động không chỉ các nhạc sĩ ở TPHCM mà còn là các nhạc sĩ ở các tỉnh thành trên cả nước. Chính vì thế mà trong giai đoạn đó có hàng trăm tác phẩm ra đời và được phát trên các làn sóng phát thanh truyền hình các tỉnh thành. Điều đó để nói lên cuộc chiến tạo nên bức xúc cho các nhạc sĩ. Mọi người đều có tâm huyết viết như thế nào để khơi gợi những tình cảm của mình và những người khác để lên đường bảo vệ tổ quốc.
Trong những năm tháng sau chiến thắng đó, không chỉ về giới nhạc sĩ mà có thể nói là thành đoàn TPHCM là đi đầu trong việc hàn gắn tình cảm của cả 2 nước. Hàng năm, thành đoàn TPHCM đều tổ chức Kỳ nghỉ hồng để đi qua giúp đỡ các nước bạn. Tôi tình cờ cũng có đi chuyến 2010 đi qua cùng các y bác sĩ của thành phố và những người ở các lĩnh vực khác qua giúp những điều gì mà tỉnh bạn còn khó khăn. Nhất là vấn đề về y tế thuốc men, cho bà con ở các tỉnh sát biên giới Việt Nam – Campuchia. Trong cuộc chiến và sau cuộc chiến thì tình cảm của cả hai nước rất thắm thiết. Khi đã có hòa bình, thì vẫn đặt vấn đề về tình bạn, và luôn luôn có những đoàn đến để giúp đỡ trong giai đoạn đất nước của bạn còn nhiều khó khăn trên nhiều lĩnh vực. Thành đoàn chú tâm như thế để khơi dậy trong lớp trẻ tình yêu nước không chỉ của mình mà mình con có nghĩa vụ quốc tế.
VOH: Thưa ông Lê Hồng Liêm, vừa qua Đài TNND TPHCM có tổ chức cuộc đua xe đạp quanh 3 nước Đông Dương. Có thể nói đây cũng là sự kiện rất ý nghĩa nhân kỉ niệm 40 năm chiến thắng chế độ Pol Pot và nó càng gắn kết thêm tình hữu nghị giữa 3 nước Đông Dương. Là Phó chủ tịch thường trực Hội Hữu nghị Việt Nam Campuchia thì ông có đánh giá như thế nào về cuộc đua này?
Ông Lê Hồng Liêm: Cuộc đua này nó rất có ý nghĩa vì trong thời điểm chúng ta kỉ niệm 40 năm ngày chiến thắng chiến tranh biên giới Tây nam. Lãnh đạo Đài cùng cán bộ nhân viên nắm sát tình hình, dự đoán được sẽ có sự ủng hộ to lớn. Chứ thường thể thao không biên giới người ta lo lắm, quá cảnh thế nào, đi qua biên giới thì xe đạp có qua luôn được không hay phải dừng lại. Phải có lòng tin tình hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam – Campuchia – Lào, cái tính chiến đấu, lòng tin vào tình hữu nghị đặc biệt 3 nước giữa lãnh đạo Đài, cán bộ nhân viên và cả đoàn xe là rất cao khi tổ chức chuyến đua xuyên 3 nước như thế. Thực tế đã trả lời điều đó là hoàn toàn chính xác. Thể hiện ở chỗ là đến đâu đoàn cũng được nhân dân các nước hưởng ứng rất nhiệt liệt. Tôi thấy đây là cách thẩm định, kiểm định tình hữu nghị, mồ hôi và nước mắt nhân dân chúng ta.
VOH: Vừa qua Hội Hữu nghị VN – Campuchia cùng với Hội Cựu chiến binh thuộc LH các hội VHNT TP tổ chức chuyến thực tế sáng tác Về miền biên giới tây Nam. Qua chuyến đi này, thì nhạc sĩ gửi vào tác phẩm tình cảm như thế nào với vùng đất này ?
Ông Võ Đăng Tín: Tôi xin phép thay mặt anh em văn nghệ sĩ tham gia chuyến đi, cám ơn anh em trong ngành và ngoài ngành ở tỉnh Đồng Tháp, ở An Giang, Hà Tiên đã hết sức giúp đỡ, rất chân tình và nhiệt tình. Chính điều đó mà chúng tôi đi về có nói với nhau là chúng ta mắc nợ nữa. Nợ đậy là nợ tình. Cuộc đời đối với văn nghệ sĩ thì luôn luôn mắc nợ tình, mắc nợ đời. Và chúng tôi nghĩ rằng sẽ tiếp tục suy nghĩ và viết những tác phẩm cho cuộc đời. Cái đó không phải nói cho hay mà đi rồi mới biết mình nợ nần dữ lắm. Anh em người ta tiếp xúc và chân tình với mình.
VOH: Là một người nhạc sĩ, thì những cảm xúc đó, mạch nguồn đó vẫn sẽ tiếp tục chảy trong những sáng tác của mình, đúng không nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên?
Ông Nguyễn Văn Hiên: Tôi nhớ sau chuyến đi đó thì tôi và anh Võ Đăng Tín có trở lại Tri Tôn nơi có nhiều kỉ niệm. Tôi với anh Tín có đến một nơi Ô Tà Sóc – nơi mà tạo ra cho chúng tôi, anh Phước có nhiều xúc cảm, ngay tại cái hang, giờ còn làm cái bia để kỷ niệm. Anh em chúng tôi mà mỗi lần đi trở lại biên giới tây nam như thế thì luôn luôn có cảm xúc và vẫn còn tiếp tục viết ra
VOH: Dạ, sắp tới đây thì Hội Cựu chiến binh thuộc Liên hiệp các hội VHNT TPHCM vẫn tiếp tục có những chuyến sáng tác về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng về đề tài biên giới tây nam 1979 đúng không ạ? Xin mời đại tá nhạc sĩ Võ Công Phước?
Ông Võ Công Phước: Trong những chức năng của Hội chúng tôi đó là luôn tạo điều kiện cho anh chị em phát huy năng lực sáng tạo của mình để có nhiều tác phẩm cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. tới đây chúng tôi vẫn theo chức năng nhiệm vụ của mình tổ chức cho anh chị em có những dịp để có nhiều sáng tác hơn nữa. Qua hoạt động vừa rồi có sự phối hợp rất chân tình và hiệu quả của Hội Hữu nghị Việt Nam Campuchia thì tạo thêm điều kiện cho chúng tôi, và đồng thời thêm động lực cho chúng tôi tăng cường phát huy năng lực sáng tạo của mình, có nhiều thành tựu tốt hơn nữa.
Cảm ơn các vị khách mời! Chúc các vị có nhiều sức khỏe!
Ngọc Bích