Đó là cuộc chiến xung quanh nguồn cung vắc-xin ngừa Covid-19, mối quan hệ căng thẳng của phương Tây với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và tương lai quan hệ đồng minh với Mỹ. Đáng chú ý, việc Tổng thống Mỹ Joe Biden lần đầu tiên tham dự hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu báo hiệu sự ấm lên trong quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây dương.
Trong bức thư mời dự họp Thượng đỉnh gửi đến các nguyên thủ châu Âu ngày 24/03, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhấn mạnh, ưu tiên lớn nhất của châu Âu vào thời điểm này là đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho người dân và hội nghị Thượng đỉnh lần này sẽ dành phần lớn thời gian để bàn về các nỗ lực thực hiện ưu tiên này.
Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) đã tiến thêm một bước trong ý định cấm xuất khẩu vắc-xin AstraZeneca được sản xuất tại các nước Liên minh châu Âu khi thông báo cơ chế mới siết chặt các biện pháp xuất khẩu mặt hàng này. Theo cơ chế mới, các nước có tỷ lệ tiêm vắc-xin Covid-19 trong dân chúng cao hoặc có các chính sách hạn chế xuất khẩu vắc-xin Covid-19 thông qua luật hoặc qua hợp đồng với các hãng cung cấp, sẽ bị cấm nhập khẩu vắc-xin ngừa Covid-19 sản xuất tại châu Âu. Đây là biện pháp nhằm trực tiếp vào Anh, buộc Thủ tướng Anh Boris Johnson phải lên tiếng cảnh báo rằng châu Âu sẽ là bên chịu thiệt nếu cấm xuất khẩu vắc-xin AstraZeneca sang Anh.
Bên cạnh vấn đề vắc-xin Covid-19, hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu lần này cũng sẽ tập trung bàn thảo về các căng thẳng địa chính trị hiện nay giữa châu Âu với nhiều đối tác lớn, trong đó có Mỹ. Và đây là lý do hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu lần này đã mời Tổng thống Mỹ Joe Biden tham dự.
Đối với Liên minh châu Âu, việc tái thiết quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương với Mỹ đã trở thành ưu tiên hàng đầu sau khi đảng Dân chủ của ông Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ hồi năm ngoái. Do đó, việc mời Tổng thống Biden tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu là cơ hội để khôi phục mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, đồng thời tiếp tục phát triển quyền tự chủ chiến lược của mối quan hệ này trong một liên kết bình đẳng giữa hai bên.
Dự kiến, Tổng thống Biden có bài phát biểu với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu về hợp tác chống đại dịch COVID-19, giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu và làm sâu sắc hơn mối quan hệ thương mại và đầu tư quan trọng nhất trên thế giới.
Việc Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trước các nhà lãnh đạo châu Âu đánh dấu sự “ấm nồng” trở lại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu. Bởi lần gần đây nhất một Tổng thống Mỹ phát biểu trước các nguyên thủ quốc gia và chính phủ của Liên minh châu Âu là tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu -Mỹ vào ngày 5/4/2009 tại Praha (CH Séc). Hơn nữa, việc ông Biden tuyên bố tham gia cuộc họp của các nhà lãnh đạo châu Âu được đưa ra khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang có chuyến công du ở Brussels tham dự Hội nghị Ngoại trưởng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thể hiện một cam kết mạnh mẽ mang tính toàn diện giữa hai đồng minh truyền thống.
Ngoại trưởng Bỉ Sophie Wilmès nhận định: đây là "một tín hiệu về cam kết mới của Mỹ trong NATO, được Bỉ và châu Âu hoan nghênh".
Dưới góc nhìn phân tích, sự nồng ấm trong mối quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương có thể đem lại một tầm nhìn chung đối với cả Mỹ và Liên minh châu Âu, khi cả hai đang phải đối mặt đồng thời với những thách thức lớn từ Nga và Trung Quốc. Điều này đã được chứng minh với những cam kết “cùng nhìn về một hướng” giữa Ngoại trưởng Mỹ Bliken và các Ngoại trưởng Liên minh châu Âu.
Phát biểu sau cuộc gặp với các Ngoại trưởng NATO ở Bỉ hôm thứ 3 đầu tuần, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết ông muốn phối hợp với các đối tác Liên minh châu Âu nhằm thúc đẩy các lợi ích kinh tế chung và ứng phó với một số hoạt động gây hấn và cưỡng ép của Trung Quốc nhằm buộc nước này tuân thủ các cam kết quốc tế của mình.
Theo Ngoại trưởng Blinken, Mỹ chiếm tới 25% GDP toàn cầu và cùng với các đồng minh ở châu Âu và châu Á chiếm tới 60% GDP toàn cầu và điều này khiến Trung Quốc không thể phớt lờ.
Về phần mình, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng liên minh quân sự này không coi Trung Quốc là một đối thủ mặc dù sự trỗi dậy của nước này có những hậu quả trực tiếp đối với an ninh của NATO. Theo ông Stoltenberg, Trung Quốc đang đầu tư nhiều cho thiết bị quân sự bao gồm tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.
Trước đó, Mỹ, Liên minh châu Âu, Anh và Canada hồi đầu tuần đã áp đặt trừng phạt phong tỏa tài sản và cấm đi lại đối với một số quan chức Trung Quốc liên quan tới vấn đề nhân quyền ở Tân Cương. Trung Quốc sau đó đã đáp trở với việc trừng phạt 10 quan chức châu Âu với cáo buộc đã làm phương hại tới các lợi ích của nước này và phát tán thông tin sai, khiến quan hệ Liên minh châu Âu -Trung Quốc trở nên căng thẳng chưa từng có.
Trong mối quan hệ với Nga, cả Liên minh châu Âu và Mỹ đều có những “khúc mắc” riêng. Trong hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu lần này, các lãnh đạo Liên minh châu Âu sẽ dành riêng một phiên thảo luận về quan hệ căng thẳng với Nga, trong đó có nghe báo cáo của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel về kết quả của các cuộc tiếp xúc mới nhất với Tổng thống Nga, Vladimir Putin.
Trước dó, Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu, ông Josep Borrell cho biết Liên minh châu Âu và Mỹ khẳng định thúc đẩy hợp tác trong chiến lược tiếp cận với Trung Quốc và thay đổi thái độ đối đầu của Nga hiện nay.
Như vậy, với sự có mặt của Mỹ trong những hồ sơ quan trọng, Liên minh châu Âu sẽ vững tin hơn khi đương đầu với các đối trọng lớn như Nga và Trung Quốc. Dư luận trông đợi hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu lần này, với sự có mặt đầu tiên của nhà lãnh đạo Mỹ, sẽ ghi một dấu mốc mới xóa đi những ký ức không vui dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.