Tiêu điểm: Nhân Humanity

Mỹ-Triều có thực sự tìm lại được lòng tin?

(VOH) - Cuộc gặp bất ngờ giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cuối tuần qua tiếp tục là tâm điểm thu hút sự chú ý của dư luận.

Đây là cuộc gặp trực tiếp thứ ba giữa ông Donald Trump và ông Kim Châng-Ưn trong vòng 1 năm qua, song là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên, gặp gỡ tại làng Bàn Môn Điếm kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc.Tuy chỉ diễn ra chưa đầy 1 giờ đồng hồ, song cuộc gặp, với sự kiện Tổng thống Mỹ bước qua đường ranh giới phân chia hai miền Triều Tiên và cùng nhà lãnh đạo Kim Jong-un đi trên đất Triều Tiên, được đánh giá có ý nghĩa hết sức đặc biệt và mang tính biểu tượng đối với dư luận quốc tế.

Có lẽ chưa có vị Tổng thống Mỹ nào làm dư luận phải đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác như ông Donald Trump. Ngay trước khi sự kiện lịch sử lần này diễn ra, dư luận đã rất tò mò về dòng tweet của Tổng thống Mỹ rằng sẽ gặp Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngay trong chuyến thăm Hàn Quốc và ngay tại khu phi quân sự DMZ. Dù quan tâm nhưng đa phần ý kiến đánh giá khả năng diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 3 ngay tại khu phi quân sự DMZ là rất khó khả thi vì hàng loạt lý do. Mà yếu tố an ninh, việc hai bên chưa chuẩn bị kỹ càng hay một cuộc gặp vội vàng sẽ không mang lại lợi ích gì. Cho đến trước cuộc gặp ít phút, CNN còn tỏ ra nghi ngờ khi đặt câu hỏi: “Liệu ông Kim đang ở đâu?” bởi trong khi Tổng thống Trump dù đã có mặt tại khu phi quân sự DMZ cả giờ đồng hồ nhưng vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy sự xuất hiện của Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bước chân qua đường ranh giới phân chia hai miền Triều Tiên tại DMZ, sang phần lãnh thổ của Triều Tiên chiều 30/6/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bước chân qua đường ranh giới phân chia hai miền Triều Tiên tại DMZ, sang phần lãnh thổ của Triều Tiên chiều 30/6/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thế nhưng chỉ vài phút sau đó, trang nhất hầu hết các trang báo, hãng tin lớn đã tràn ngập hình ảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tươi cười rạng rỡ và trao nhau cái bắt tay lịch sử ngay tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Cuộc gặp lần thứ 3 giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên được dư luận ở cả hai miền Triều Tiên, Mỹ và nhiều nước đánh giá là một thời khắc lịch sử và là một bước tiến lớn trong mối quan hệ dường như bị lung lay sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai tại Hà Nội hồi tháng 2 năm nay không đạt được kết quả như kỳ vọng. Hai nhà lãnh đạo chào đón nhau một cách nồng ấm, thân thiện và bày tỏ thích thú với việc tiếp xúc với phái đoàn tùy tùng của nhau. Cuộc gặp trong gần một giờ đồng hồ giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều, sự kiện được tổ chức chỉ sau một ngày lên kế hoạch, đã đạt được những kết quả tốt đẹp. Hai bên nhất trí tái khởi động đàm phán hạt nhân, trước hết là đối thoại cấp chuyên viên trong 2-3 tuần tới.

Những gì diễn ra trong cuộc gặp có thể coi như một minh chứng cho việc hai nhà lãnh đạo vẫn có “mối quan hệ tốt” như nhiều lần ông Trump đã phát biểu với báo giới. Sau cuộc gặp, Tổng thống Trump đã gọi “đây là một ngày lịch sử trọng đại" còn nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã có những phát biểu ca ngợi Tổng thống Mỹ, cho rằng ông Trump đã thể hiện sự quyết định và sẵn sàng xóa bỏ những mâu thuẫn trong quá khứ và cùng ông mở ra một tương lai mới.

Giới phân tích tỏ ra lạc quan khi đánh giá kết quả cuộc gặp, nhất là trong bối cảnh tiến trình đàm phán hạt nhân giữa hai bên đang đình trệ với việc Mỹ-Triều liên tục gây sức ép nhau, trong đó các vụ Triều Tiên thử vũ khí chiến thuật tầm ngắn mà Mỹ tuyên bố là phóng tên lửa đạn đạo, hay việc Mỹ tiếp tục các biện pháp trừng phạt Triều Tiên. Việc tổ chức cuộc gặp bất ngờ này nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới Hàn Quốc phần nào cho thấy thiện chí, nỗ lực và quyết tâm của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên giải quyết vấn đề hạt nhân bằng cách thức đối thoại. Cuộc gặp dù là “chớp nhoáng” song chí ít cũng có thể giúp nối lại các mối quan hệ cũng như các cuộc đàm phán trong tương lai, đặc biệt là khi quan hệ Mỹ-Triều đã không còn quá căng thẳng như thời điểm cách đây gần 2 năm.

Với việc hai nhà lãnh đạo nhất trí nối lại đối thoại, tiến trình đàm phán hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên có vẻ như đã được đưa trở lại đúng hướng. Trong 4 tháng qua kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai ở Hà Nội, căng thẳng giữa hai quốc gia luôn trong trạng thái bùng nổ trở lại sau khi hai bên không thể đạt được nhất trí về lộ trình phi hạt nhân hóa. Vì thế, cuộc gặp có thể tạo ra một lực đẩy mới cho tiến trình đàm phán đang sa lầy vì căng thẳng và hoài nghi giữa Mỹ và Triều Tiên. Đối với cá nhân Tổng thống Trump vừa tuyên bố tái tranh cử nhiệm kỳ hai vào năm 2020 và cả nhà lãnh đạo Triều Tiên, một cam kết nối lại đàm phán hạt nhân vào lúc nào đều có thể coi như “bàn thắng”.

Về phần mình, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã hoan nghênh cuộc gặp Mỹ-Triều tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm và cho rằng cuộc gặp này sẽ có thể đưa tình hình bán đảo Triều Tiên đi theo chiều hướng tích cực, góp phần tái tạo niềm tin giữa hai bên.  Nhà lãnh đạo Hàn Quốc chỉ ra rằng đối thoại một cách liên tục là cách duy nhất, thiết thực nhất để đạt được hòa bình. Với vai trò như “cầu nối” đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên, cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại khu phi quân sự Triều Tiên đã góp phần gia tăng uy tín cá nhân của Tổng thống Hàn Quốc.

Đương nhiên cuộc gặp của lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm không phải là thước đo về khả năng đột phá trong tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Dù vậy, có thể coi đây như một “lời cam kết” của hai bên về thiện chí giải quyết bất đồng thông qua đối thoại. Bởi yếu tố chủ chốt nhất của các bên, là Mỹ và Triều Tiên cần thực sự tin tưởng lẫn nhau. Chỉ khi có được niềm tin, các bên mới có thể cùng nhau đối thoại. Thậm chí, ông Donald Trump còn gợi ý rằng hai bên có thể tiếp nối cuộc gặp này bằng một chuyến thăm của ông Kim Châng-Ưn tới Nhà Trắng. Và nếu điều này diễn ra, thì đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên trong lịch sử của một nhà lãnh đạo Triều Tiên tới Mỹ.

Nơi có thể tháo gỡ bất đồng? - Hôm nay (28/6), hội nghị Thượng đỉnh G20 chính thức khai mạc tại thành phố Osaka (Nhật Bản).
Trái cây, tin vui trước mắt - Thời điểm này, nếu chúng ta đến các cửa hàng, siêu thị tại TPHCM hoặc tấp vào các xe đẩy vỉa hè để mua trái vải tươi, giá thấp nhất cũng 50 ngàn đồng/kg loại 2.
Bình luận