Trái cây, tin vui trước mắt

(VOH) - Thời điểm này, nếu chúng ta đến các cửa hàng, siêu thị tại TPHCM hoặc tấp vào các xe đẩy vỉa hè để mua trái vải tươi, giá thấp nhất cũng 50 ngàn đồng/kg loại 2.

Thực tế tin từ Lục Ngạn, Lục Nam tỉnh Bắc Giang cho biết, năm nay nông dân trồng vải trúng đậm, thậm chí bán được giá cao nhất trong vài năm trở lại đây. Trong khi đó, từ con số tăng trưởng âm trong quý 1, bước sang nửa cuối tháng 6/2019, xuất khẩu rau quả của Việt Nam nói chung và trái cây nói riêng đã tăng hơn 7%.

Ngành Công thương tỉnh Bắc Giang cho biết, hiện đã có hơn 110 ngàn tấn vải thiều toàn tỉnh được tiêu thụ. Về sản lượng vải, năm nay giảm hơn so với năm 2018 nhưng bà con lại rất phấn khởi do bán được giá cao kỷ lục.

xuất khẩu nông sản, xuất khẩu xoài, xuất khẩu vải, vải thiều Bắc Giang, vải thiều Lục Ngạn

Năm nay, vải thiều được bán với giá cao ngất (Ảnh: LH)

Vải loại 1, tiêu chuẩn trái lớn, trồng theo quy trình VietGAP hay GlobalGAP ngay tại vườn có giá từ 60 đến 70 ngàn đồng/1kg. Thời điểm này, tại các điểm thu mua và nhiều vùng trồng vải ở Bắc Giang không khí nhộn nhịp vui như Tết bởi không chỉ có thương lái Trung Quốc sang tận vườn thu mua, mà thương lái khắp các tỉnh thành phía Bắc, phía Nam cũng điều xe tải lớn về đây chở đi phân phối tiêu thụ nội địa.

Năm nay, dù Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính của trái vải nước ta (chiếm khoảng 90% sản lượng), tuy nhiên phần còn lại cũng được xuất đi 30 quốc gia khác trên thế giới, trong đó có cả những thị trường khó tính như EU, Mỹ, Canada, Nga, Nhật Bản...

Vụ mùa 2019 này, giá vải tươi tăng 5 đến 7 lần, thị trường xuất khẩu mở rộng, sức tiêu thụ trong nước lại tăng mạnh nên đã mang lại nguồn thu lớn cho tỉnh Bắc Giang khoảng 4.700 tỷ đồng. Chưa kể các nguồn thu phát sinh “ăn theo” mùa vải như vận tải, dịch vụ du lịch, lưu trú... chắc chắn sẽ giúp chỉ số kinh tế địa phương này thêm khởi sắc.

Ngoài trái vải tươi, thì gần đây tin vui còn đến với bà con trồng các loại cây ăn trái khác.

Tại vựa trái cây Đồng bằng sông Cửu Long, bà con trồng xoài tỉnh An Giang rất vui với triển vọng đầu ra từ thị trường Mỹ. Giữa tháng 5/2019, lô xoài cát Hòa Lộc hơn 1 tấn của Hợp tác xã Bà Chi thuộc huyện Tri Tôn lần đầu được xuất sang Mỹ.

xuất khẩu nông sản, xuất khẩu xoài, xuất khẩu vải, vải thiều Bắc Giang, vải thiều Lục Ngạn

Xoài An Giang đã được xuất khẩu sang Mỹ (Ảnh: LH)

Đến nay, tỉnh An Giang đã xuất sang “xứ cờ hoa” gần 15 tấn xoài theo tiêu chuẩn VietGAP. Đáng mừng là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nước ta cùng Cơ quan Kiểm dịch Thực vật Hoa Kỳ đã cấp cả mã số quản lý, truy xuất nguồn gốc, từ đó tạo tiền đề thuận lợi cho những đợt xuất khẩu tới đây.  

Thật ra với sản lượng xoài các loại đạt gần 150 ngàn tấn/năm, việc xuất sang Mỹ chưa đầy 15 tấn xoài chẳng khác nào như “muối bỏ biển” với tỉnh An Giang. Nhưng nếu nhìn lại suốt 10 năm đàm phán vất vả, vượt qua biết bao trở ngại, khác biệt về các quy định, hàng rào kỹ thuật của nhiều Bộ - ngành chức năng cả Mỹ và Việt Nam thì đây lại là tín hiệu lạc quan cho sự khởi đầu đầy tiềm năng và hứa hẹn.

Còn nhớ vào cuối tháng 4/2019 này, lô xoài đầu tiên của Việt Nam được xuất sang Mỹ là thành quả nông sản của bà con tỉnh Đồng Tháp. Khi đó, 8 tấn xoài các loại gồm xoài cát Chu, Hòa Lộc, Đài Loan... chỉ là con số “nhỏ giọt” so với tổng sản lượng xoài rất lớn của Đồng Tháp.

Thế nhưng, xoài là trái cây tươi thứ 6 sau trái vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, vú sữa được Mỹ chấp thuận cho thâm nhập vào thị trường gần 330 triệu dân, chiếm 4,34% dân số thế giới thì kỳ vọng vào tương lai cho trái cây Việt đáng được chờ đợi hơn những con số xuất khẩu khiêm tốn vừa nêu.

Trong khi đó, cũng trong tháng 4 vừa qua, Việt Nam và Trung Quốc đã ký 3 văn kiện quan trọng về hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp. Trong số đó, có Nghị định thư về kiểm dịch thực vật với trái măng cụt đã mở ra cơ hội xuất khẩu đầy tiềm năng từ đường chính ngạch cho loại trái cây này của nước ta. 

Mới đây, tại buổi gặp mặt các Cơ quan thông tấn báo đài nhân kỉ niệm 94 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức song 6 tháng đầu năm nay, giá trị sản xuất toàn ngành nông-lâm-ngư nghiệp đã tăng từ 2,7 đến 2,9%.

Còn theo Bộ Công Thương, xuất khẩu rau quả 4 tháng đầu năm 2019 cũng đáng khích lệ khi đạt gần 1 tỷ 410 triệu đô la, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm 2018.

Nhìn chung, trong bối cảnh thị trường thế giới mở cửa giao thương, hàng hóa - nông sản nhiều nước xuất khẩu chéo, thâm nhập sâu vào nhau nhưng với tiềm năng và lợi thế riêng, trái cây Việt vẫn có tương lai lạc quan với dư địa xuất khẩu rộng. Dù các điều kiện và hàng rào kiểm tra kỹ thuật ở nhiều nước ngày càng khắt khe hơn nhưng mục tiêu xuất khẩu rau quả nói chung vượt qua con số 4 tỷ đô la trong năm 2019 vẫn có thể đạt được.

Khi thị trường nông sản có sự cạnh tranh gay gắt như hiện nay thì xuất khẩu rau quả nói chung, trái cây nói riêng luôn đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, bên cạnh những rào cản, khó khăn đó, thị trường xuất khẩu nông sản cũng luôn xuất hiện nhiều cơ hội nếu chúng ta biết cách làm ăn tử tế.

Với những kết quả đạt được từ đầu năm đến nay, cho thấy trái cây Việt đang mang đến nhiều tin vui trước mắt. Điều đó sẽ góp phần tạo nên uy tín cho nông sản chúng ta trên thương trường thế giới.

Giá heo hơi hôm nay 24/6/2019: Miền Bắc cao nhất, miền Nam thấp nhất - Giá heo hơi tại thị trường miền Bắc hiện cao nhất nước, trong khi tại miền Nam, giá thu mua heo xuất chuồng hiện đang thấp nhất.

Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 24/6/2019: USD giảm nhiệt - Trong khi vàng đang "sốt" khi liên tục tăng tốc, USD khá "yên tĩnh" giữa lúc bối cảnh chính trị căng thẳng.

Bình luận