Chờ...

Ngày Quốc tế Hạnh phúc, làm sao nhận diện Hạnh phúc trong cuộc sống !

(VOH) - Người ta tưởng khi đạt được nhiều mục tiêu hơn, kiếm được nhiều tiền hơn thì sẽ hạnh phúc...

Từng có câu nói: Hạnh phúc có gương mặt giống nhau nhưng bất hạnh muôn màu muôn vẻ.

Người ta vẽ nên những gương mặt rõ ràng của hạnh phúc: gương mặt thành đạt, gương mặt giàu có, gương mặt địa vị… Thật ra có khi đó chỉ là những gương mặt “trông giống hạnh phúc” !

Người ta cứ lầm tưởng rằng khi đạt được nhiều mục tiêu hơn, kiếm được nhiều tiền hơn thì sẽ hạnh phúc.

Thực chất, chính điều bên trong bản thân khiến chúng ta hạnh phúc mới là giá trị đích thực của hai từ tuyệt vời ấy.

Thực tế, hạnh phúc có khi bắt đầu từ bất hạnh, nảy nở từ trong bất hạnh. Không ít người chông chênh sau đổ vỡ hôn nhân và cho rằng mình là người bất hạnh nhưng khi tìm được bến đỗ bền vững mới, mới “thấm” rằng hạnh phúc đã nở hoa sau cánh cửa ta cho là đớn đau đó.

Người có hoàn cảnh sống éo le, vất vả nếu coi đó là bất hạnh, sẽ thấy mọi việc trong đời toàn những lận đận, long đong. Nhưng nếu xem sự khắc nghiệt số phận đó là động lực sống thì sẽ trở nên bản lĩnh hơn và trân trọng mọi thứ mình tự tay làm được.

Trên đời chẳng ai muốn mình bất hạnh nhưng có những khổ hạnh làm ta vững chãi, trưởng thành.

(gửi anh Bình) Ngày Quốc tế Hạnh phúc, nói chuyện nhận diện sướng khổ vui buồn 1
Hạnh phúc là khi được ở bên cạnh gia đình, có những chuyến đi thú vị và bình yên bên nhau. Ảnh minh họa: PN

Có khi hạnh phúc hay bất hạnh còn do chính suy nghĩ của mình. Đó là 1 lằn ranh rất mong manh.

Chúng ta thường không bao giờ thấy đủ với những gì trước mắt dù những điều chúng ta có lại là mong mỏi của bao người. Trong thế giới của mơ ước, so sánh, chúng ta mải lao theo những thứ ta cho là hạnh phúc thì đã vô tình bỏ qua cả hạnh phúc trong tầm tay là gia đình, niềm vui hay chính cả bản thân.

Càng đeo đuổi hạnh phúc mơ hồ, càng khiến ta trở nên bất hạnh thực sự.

Cuộc sống hiện đại còn sản sinh ra một khái niệm lạ lùng là “trầm cảm cười”. Nghe có vẻ vô lý cho đến khi ta đọc biểu hiện của hội chứng này, đó là “một yếu tố trạng thái không muốn làm gì, chán nản, mệt mỏi bên trong, tâm trạng cực kỳ tồi tệ nhưng có vẻ hoàn toàn hạnh phúc, hài lòng ở bên ngoài và kết thúc bằng việc mỉm cười”.

Khái niệm đủ để nhiều người giật mình nhận ra hình như từng có lúc ta như vậy.

Nhìn từ bên ngoài, một người bị “trầm cảm cười” có thể trông giống một cá nhân tích cực, hoạt động cao, có công việc ổn định, cuộc sống lành mạnh, có vẻ vui vẻ, lạc quan và hạnh phúc. Đó mới là điều đáng ngại của cái gọi là “tỏ ra hạnh phúc”.

Nhưng những rắc rối đó, luận kỹ không thể che đậy giá trị cốt lõi của hai từ “Hạnh phúc”.

Hạnh phúc theo người viết chỉ đơn giản chỉ là sự cân bằng và trân trọng tất cả những gì mình đang có. Có sự bình yên trong tâm hồn, đó là hạnh phúc. 

Hạnh phúc hay không chẳng phải là số phận rủi may mà bắt đầu từ lựa chọn của chính mình!