Xây dựng thành phố thông minh: Không phải chuyện đơn giản

(VOH) - Thực hiện chỉ đạo từ Trung ương và xuất phát từ nhu cầu thực tế của địa phương, nhiều tỉnh, thành đã tiên phong đi đầu để lên lộ trình xây dựng thành phố thông minh, tiêu biểu như TPHCM, Đà Nẵng…

Đây trở thành một trong những mục tiêu chiến lược quan trọng mà các địa phương hướng đến. Việc xây dựng đô thị thông minh cũng sẽ tăng cường hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, tạo mội trường đầu tư thuận lợi, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh và quốc gia. 

Thành phố thông minh - mọi hoạt động đều phải thông minh (Ảnh: PC World)

Xây dựng thành phố thông minh: Xu thế tất yếu

Có thể nói xây dựng thành phố thông minh - đó là xu thế tất yếu của thời đại. Tuy nhiên, để hướng đến việc xây dựng thành phố thông minh nhiều địa phương phải từng bước thực hiện và học hỏi kinh nghiệm, bởi điều này còn khá mới mẽ ở nước ta.

Đô thị thông minh có các đặc điểm chính là thành phố hiện đại, nền kinh tế, môi trường, quản trị, giao thông, năng lượng, y tế, giáo dục, lối sống, cộng đồng… đều thông minh, ứng dụng những giải pháp công nghệ thông tin tiên tiến nhất.

Các thành phố lớn với sự phát triển nhanh về dân số phải đối mặt với nhiều thách thức về giao thông, đô thị, cơ sở hạ tầng thì hướng đến xây dựng thành phố thông minh càng là vấn đề bức thiết cần thực hiện.

TPHCM là một trong những thành phố lớn nhất cả nước đã nhận thức được vấn đề này và việc triển khai xây dựng đề án TP thông minh được thực hiện trong năm 2016.

Hiện nay, Thành phố đã thành lập ban điều hành, tổ giúp việc, hội đồng đề án, ký hợp đồng với VNPT để tư vấn khung công nghệ thông tin và truyền thông. Trong đó, Thành phố tập trung vào 7 chương trình đột phá và các vấn đề bức xúc của nhân dân liên quan đến ngập nước, ùn tắc giao thông, giáo dục, y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bà Nguyễn Thị Thu-Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, hiện nay TP đã triển khai đề án với mục tiêu phát triển công nghệ thông tin trở thành nền tảng của TP, trên cơ sở kết nối hiệu quả với chính quyền điện tử với công dân điện tử, và tổ chức doanh nghiệp điện tử làm cơ sở phát triển kinh tế tri thức trong những năm tiếp theo.

Thành phố cũng đẩy mạnh vai trò làm chủ của người dân thông qua việc kết nối số phù hợp với từng đối tượng người dân và doanh nghiệp. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân và doanh nghiệp có thể tham gia xây dựng, góp ý, đối thoại với chính quyền, bảo đảm các chính sách, các dịch vụ, các giải pháp đưa ra chính xác nhất và đầy đủ nhất nhu cầu của người dân và doanh nghiệp đang hoạt động tại Thành phố.

Yêu cầu đặt người dân vào vị trí trung tâm khi xây dựng đề án TP thông minh, lãnh đạo TPHCM nhận định việc người dân tham gia có sự tác động tích cực thì mới đạt hiệu quả như mong muốn. Công nghệ là công cụ, phương tiện kết nối tương tác giữa người dân và chính quyền, hướng đến phục vụ người dân và doanh nghiệp, góp phần xây dựng Thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Bên cạnh TPHCM, thì Đà Nẵng là một trong những địa phương sớm có lộ trình thực hiện đề án xây dựng thành phố thông minh.

Ông Đặng Việt Dũng –Trưởng ban Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng cho biết, từ năm 2014, Đà Nẵng chính thức đưa vào sử dụng chính quyền điện tử, như trung tâm dữ liệu, cổng wifi miễn phí, cổng góp ý và tổng đài dịch vụ, hệ thống quản lý cán bộ công nhân viên chức, với trên 500 dịch vụ công trực tuyến, giúp việc quản lý hành chính đạt hiệu quả hơn.

Với nỗ lực này, 7 năm qua Đà Nẵng luôn đứng đầu về chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin cấp tỉnh. Từ kết quả này, Đà Nẵng tiếp tục hoàn thiện vận hành hệ thống chính quyền điện tử, để tiến tới xây dựng TP thông minh:

Ông Dũng chia sẻ, việc xây dựng Thành phố thông minh chưa có mô hình thống nhất cả nước, nên chúng tôi cũng đi từng bước. Trên nền tảng xây dựng chính quyền điện tử Đà Nẵng đã xây dựng đề án xây dựng TP thông minh ưu tiên 5 lĩnh vực là: giao thông, cấp nước, thoát nước, kiểm soát an toàn thực phẩm và hướng đến tp kết nối.

Hiện tại Đà Nẵng cũng đã triển khai một số ứng dụng giao thông thông minh như: giám sát hành trình xe buýt, camera giám sát giao thông, hệ thống điều khiển tín hiệu giao thông, thành lập trung tâm điều hành giao thông tập trung.

Đồng thời, triển khai giám sát nguồn nước tự động như về tiêu chuẩn nước uống để báo cáo về trung tâm xử lý khi cần thiết, giám sát hệ thống nguồn nước thải cảnh báo sớm chỉ số gây ô nhiễm để xử lý khi cần thiết. Bên cạnh đó là, triển khai cơ sở dữ liệu và hỗ trợ người dân tra cứu các cơ quan đạt chuẩn về an toàn thực phẩm và đang triển khai phần mềm quản lý an toàn thực phẩm, sắp tới tổ chức dán tem an toàn thực phẩm cho sản phẩm không bao gói.

Trong lĩnh vực giáo dục, Đà Nẵng đã phê duyệt khung kiến trúc để xây dựng TP thông minh cho ngành giáo dục và triển khai phần mềm quản lý ID cho bệnh nhân.

Xây dựng thành phố thông minh: còn nhiều điều phải học

Ông Võ Thành Thống- Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, đã xác định 10 điểm mấu chốt để TP Cần Thơ sớm xây dựng thành công thành phố thông minh.

Đó là xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung của thành phố; Quy hoạch thông minh; Quản lý giao thông thông minh; Quản lý môi trường thông minh; Chính quyền thông minh - doanh nghiệp thông minh; Chính quyền thông minh - công dân thông minh; Công dân thông minh - dịch vụ thông minh; Nông nghiệp thông minh; Quản lý trật tự - trị an thông minh. Trong đó, Cần Thơ xác định chính quyền điện tử và giao thông thông minh là 2 vấn đề ưu tiên hàng đầu để thực hiện trước.

Ông Võ Thành Thống cho rằng: “Về vấn đề này kinh nghiệm chưa nhiều, mô hình thành công của các TP ở Việt Nam chưa có, nên còn mới mẽ đối với Cần Thơ, nên chúng tôi rất mong các thành viên có sự hỗ trợ Cần Thơ để phấn đấu đạt kết quả này trong tương lai:.

Đồng tình với quan điểm của thành phố Cần Thơ, ông Nguyễn Văn Tùng-Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho rằng,việc xây dựng thành phố thông minh còn quá mới mẽ và Hải Phòng sẽ nỗ lực cùng các thành phố khác thực hiện theo từng bước. Trước mắt trong năm 2017 triển khai dự án về giao thông thông minh đang lập dự án và sẽ triển khai vào cuối năm 2017.

Để xây dựng thành phố thông minh thì phải xác định rõ vai trò của người dân và chính quyền. Theo ông Nguyễn Thiện Nhân-Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thì cần lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo của đô thị thông minh, đây là đối tượng đánh giá và sáng kiến quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh đó thì chính quyền cũng đóng vai trò rất quan trọng, cần quan tâm đến chiến lược phát triển của thành phố.

Xây dựng thành phố thông minh là xu thế tất yếu và cần thiết đối với các thành phố lớn. Việc này không còn xa lạ và mới mẽ ở những thành phố lớn của các nước. Tuy nhiên, để học tập kinh nghiệm và triển khai áp dụng vào các thành phố lớn của nước ta thì vẫn cần sự tương thích và có lộ trình thực hiện từng bước cụ thể để mang lại hiệu quả thiết thực như chính quyền và người dân mong đợi, vì mục tiêu chung là xây dựng thành phố phát triển bền vững và đáng sống.