Y tế cơ sở và sự thích ứng trong bối cảnh hiện nay

(VOH) - Nâng cao năng lực y tế cơ sở, năng lực các trạm y tế trên địa bàn TPHCM là chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tiễn tình hình hiện nay.

Bởi xét cho cùng, chính sự vững mạnh của y tế cơ sở mới là chân trụ vững chắc nhất để ngành y tế quản lý, kiểm soát tốt mô hình bệnh tật và ngày càng hoàn thiện công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, y tế cơ sở đặc biệt là hệ thống các trạm y tế càng phải chứng tỏ năng lực và bản lĩnh để thích ứng. Làm sao để các bác sĩ trẻ tăng cường về trạm gắn bó lâu dài, góp phần nâng chất cho hoạt động nơi “y tế gần dân nhất” rất cần quan tâm.

y-te-co-so-va-su-thich-ung-trong-boi-canh-hien-nay-voh.com.vn-anh1
Các bác sĩ đang khám, tư vấn cho người dân tại Trạm y tế phường Hiệp Thành, quận 12. (Ảnh: SGGP)

“Mỗi phường - xã là một pháo đài chống dịch”, quả thật không ai khác hơn, chính trạm y tế giữ vai trò nòng cốt, là tuyến đầu từ cơ sở để kiểm soát, chống dịch thành công. Từ các đợt dịch xảy ra tại TPHCM, đặc biệt là đỉnh dịch lần 4 đủ để nhìn nhận, đánh giá một cách đúng nhất về vai trò của y tế cơ sở. Từ đó phải kịp thời bổ sung, đầu tư và vực dậy y tế cơ sở để nó đủ sức hoàn thành vai trò đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Tuy nhiên, một nghịch lý đang tồn tại, trong khi số lượng bệnh viện, phòng khám tư tăng nhanh theo nhu cầu xã hội thì số lượng trạm y tế phường xã tại Thành phố không thay đổi, vẫn là 310 trạm y tế. Vì ở những phường xã dân nhập cư đông, địa bàn rộng, nên có trạm y tế phải đảm nhận  chăm sóc sức khỏe cho khoảng 100 ngàn dân trong khi nhân lực có hạn. Chưa kể trải qua mùa dịch với áp lực công việc quá cao, nhiều nhân viên y tế ở trạm xin thôi việc, số còn lại thì chia nhau gồng gánh một khối lượng công việc đồ sộ. Vô số công việc có thể kể đến từ phòng chống Covid-19, phòng chống các dịch bệnh thường quy, chương trình tiêm chủng mở rộng, các chương trình sức khỏe mục tiêu quốc gia như lao, HIV, rồi đến quản lý và chăm sóc sức khoẻ người dân mắc các bệnh mạn tính không lây tại địa bàn…

Áp lực và áp lực. Trong bối cảnh hiện nay, để trạm y tế có thể thích ứng thì không thể chỉ có sự nỗ lực cá nhân mà phải đến từ nhiều phía. Thứ nhất là bài toán nguồn nhân lực. Với cách làm sáng tạo, Sở Y tế TPHCM đã thí điểm chương trình đưa bác sĩ y khoa về y tế tuyến cơ sở nhằm bổ sung và phát triển lực lượng cho y tế cơ sở.

Vào giữa tháng 2 vừa qua, đã có gần 300 bác sĩ trẻ về nhận nhiệm vụ tăng cường. Đây là hoạt động đầu tiên trong đề án nâng cao năng lực y tế cơ sở trên địa bàn thành phố, và cũng là hoạt động nằm trong chương trình thí điểm đào tạo thực hành cho các bác sĩ mới tốt nghiệp theo hướng đào tạo bác sĩ thực hành tổng quát tại các bệnh viện gắn liền với trạm y tế.

Và về mặt chủ trương chính sách, lần đầu tiên, các chính sách đặc thù giúp củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố đã được đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố biểu quyết thông qua tại Kỳ họp lần thứ năm vừa qua. Ba nội dung lớn của chính sách đặc thù này dành cho trạm có thể kể đến bao gồm: thứ nhất là chính sách tăng cường nguồn nhân lực cho trạm y tế đối với bác sĩ đang trong thời gian tham gia chương trình thí điểm thực hành tại bệnh viện đa khoa gắn với trạm y tế, điều dưỡng, hộ sinh đang trong thời gian tham gia thực hành tại trạm y tế. Thứ hai là chính sách thu hút người lao động cao tuổi theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, có chuyên môn y tế trình độ từ cao đẳng trở lên hoặc trung cấp y sĩ tham gia công tác tại trạm y tế; và thứ ba là chính sách hỗ trợ kinh phí hợp đồng nhân viên vệ sinh, bảo vệ làm việc tại trạm y tế nhưng không thuộc đối tượng chi trả lương từ nguồn quỹ tiền lương của đơn vị.

Nhiệm vụ của các trạm y tế là làm sao quản lý, chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, thì cũng phải trong tư thế sẵn sàng là chốt chặn vững vàng khi có dịch xảy ra. Tuy nhiên, trước thực trạng phải gánh lấy một khối lượng công việc đồ sộ, cường độ làm việc cao mà nhân sự mỏng, thì trong tương lai, trạm y tế cũng rất cần sự quan tâm đầu tư mang tính chiến lược lâu dài.

Như đã chia sẻ, để trạm y tế là nơi được người dân gửi gắm niềm tin thì rất cần sự “thích ứng” trong bối cảnh mới.Trong đó, bài toán nguồn nhân lực, làm sao để tạo được cú hích cho nhân lực y tế chất lượng tay nghề cao về trạm. Cụ thể làm sao khi bác sĩ về đây, nhất là các bác sĩ chuyên ngành y học gia đình có thể gắn bó lâu dài thực sự là vấn đề. Bởi vì, dù có tay nghề chuyên môn nhưng tại trạm, từ những thiếu thốn cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh hay cơ số thuốc… sẽ làm cho các bác sĩ rất bó buộc khi làm nghề. Lâu dần dễ dẫn đến tâm lý nản lòng rời cơ sở, khi tại đây khó lòng phát triển tay nghề, không phát huy hết được trình độ chuyên môn. Và bên cạnh quan tâm nguồn nhân lực, làm sao để cán bộ y tế tại trạm có thể sống được với nghề bằng chế độ chính sách hỗ trợ lâu dài cũng là việc rất cần làm.