Đăng nhập

Biến lịch sử, văn học trở nên sinh động

(VOH)- Đã có nhiều loại hình "lồng ghép" lịch sử, văn hóa để thổi vào đó một luồng sinh khí và cách thể hiện mới.

Kịch văn học, lịch sử

TPHCM hiện có không ít sân khấu kịch lớn đem những nhân vật lịch sử, văn học lên sân khấu. Điển hình, sân khấu kịch Edicaf rất thành công khi đưa nhân vật Nguyễn Trãi bước ra đời thực trong tác phẩm “Bí mật vườn Lệ Chi” hay vua Lê Thánh Tông trong tác phẩm “Vua Thánh Triều Lê”…

Ở mảng văn học, sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh xuất sắc khi chuyển thể tác phẩm văn học của Nguyễn Ngọc Tư thành kịch, lấy đi nước mắt của không ít khán giả như “Nửa đời ngơ ngác” chuyển thể từ tác phẩm “Chiều vắng”, “Bao giờ sông cạn” chuyển thể từ tác phẩm “Dòng nhớ”…

Các tác phẩm được đưa lên sân khấu sinh động. Chính vì thế, một số trường như THPT Nguyễn Thị Minh Khai, THPT Nguyễn Thượng Hiền… thường tổ chức ngoại khóa liên kết với sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, tạo nên các suất diễn mang hơi thở lịch sử, văn học.

img thumbXem toàn màn hình

Suất diễn “Bao giờ sông cạn” dành cho học sinh THPT Nguyễn Thượng Hiền ngày 24/4/2016

Nghệ sĩ Ái Như, Phó giám đốc sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh : “Khi xem một tác phẩm được chuyển thể từ kịch, các em theo dõi trực quan, sinh động hơn.

Nhưng, không có nghĩa cứ chuyển thể kịch sẽ hay. Nếu đạo diễn dàn dựng không vững, diễn viên diễn không ra thì ba tiếng ngồi xem gây nhàm chán giống như ngồi học lý thuyết ở trên lớp khi một giảng viên giảng bài không hay, không hấp dẫn”.

Một suất diễn mở ra, sự tập trung chú ý minh chứng rất rõ sự sinh động của tác phẩm. Mỗi một nhân vật bước ra sân khấu đều tạo sự tò mò thích thú. Ngô Phương Trang trường Nguyễn Thượng Hiền cho biết, thích xem các nhân vật mà trước đó chỉ được đọc truyện. "Em cảm thấy rất hay và không thể rời mắt khỏi sân khấu”, Trang nói. 

Khi phim ảnh tham gia dạy sử, kích thích yêu văn học

Từ rất lâu, các nước sử dụng phim ảnh khơi gợi thú vị cho lịch sử và văn học nước họ. Ở Việt Nam thì việc này vẫn khá mới mẻ.  

Hàng năm, các phim đề tài lịch sử, văn học vẫn có nhưng ít. Tuy vậy, cũng có những bộ phim văn học thành công như phim “Cách đồng bất tận” được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư, phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” và phim truyền hình “Kính vạn hoa” được chuyển thể từ tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh.

Huỳnh Tuấn Kiệt, sinh viên trường Đại học Văn Lang: “Chưa bao giờ đọc truyện của Nguyễn Nhật Ánh nhưng sau khi xem Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, em quyết định sẽ tìm đọc tác phẩm này” .

Dù còn khó khăn nhưng một vài tác phẩm mang dấu án lịch sử cũng gây được sự chú ý như phim Tây Sơn hào kiệt (2010), Huyền sử thiên đô (2011), Đinh Tiên hoàng đế (2013)...

Đây là con đường chuyển tải lịch sử hiệu quả nhưng đòi hỏi sự lâu dài và nghiêm túc. Những trang sử hào hùng khi lên phim cần đầu tư và chăm chút nội dung đúng nguyên tác lịch sử.

img thumb

Phim Khát Vọng Thăng Long. 

Xét về khía cạnh nội dung thì rõ ràng lịch sử cũng như văn học Việt Nam là một nguồn "nguyên liệu" dồi dào. Nhưng hình như chưa có nhiều kế hoạch, nhiều sản phẩm để khai thác nguồn nguyên liệu dồi dào ấy.

Phó đạo diễn Thái Minh Nhiên:”Lịch sử Việt Nam có nhiều câu chuyện rất hay có thể dựng phim nhưng để làm được một bộ phim lịch sử cổ trang hay có rất nhều khó khăn và khó khăn lớn nhất vẫn là kinh phí. 

Chưa có nhiều nhà làm phim về thể loại lịch sử cổ trang vì để thực hiện một bộ phim tốt thì các khâu chuẩn bị phải thực hiện cả năm như phục trang đạo cụ, ngay cả những chi tiết nhỏ như phục trang của hội quần chúng. 

Hiện tại nước ta vẫn còn thiếu các nhà nghiên cứu các vật dụng chi tiết nhỏ trong các thời kì lịch sử Việt Nam để phục hiện lại trong ngành điện ảnh.”

Bình luận