Đăng nhập

Cần quyết liệt với vấn nạn tranh giả

(VOH) - Những ngày qua, giới mỹ thuật và công chúng VN bức xúc trước vụ việc 17 bức tranh trong triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” được Hội đồng thẩm định kết luận là tranh giả, tranh mạo danh.

Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM cũng đã gửi lời xin lỗi đến công chúng vì đã chấp thuận để triển lãm diễn ra tại bảo tàng khi các thông tin chưa đủ tính xác thực. Cho đến nay, dư âm từ cuộc triển lãm tranh giả này vẫn đang rất nóng. Nhiều nhà chuyên môn, giới họa sĩ đã lên tiếng xung quanh trách nhiệm, các vấn đề pháp lý cũng như trông đợi một động thái xử lý kiên quyết vấn nạn tranh giả tràn lan.

Hồi chuông báo động

Tranh giả là vấn nạn chung của đời sống mỹ thuật trong và ngoài nước từ nhiều năm qua nhưng có lẽ vụ việc 17 bức tranh giả, tranh mạo danh trong triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” tại TPHCM vừa qua là “giọt nước làm tràn ly”, là hồi chuông báo động buộc chúng ta phải thẳng thắn đối mặt với độ phức tạp và những biến tướng của thị trường mỹ thuật Việt Nam hiện nay.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn – Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN bày tỏ quan điểm: "Chúng ta phải quyết liệt giải quyết đến cùng bởi vì đây là câu chuyện buồn của nền mỹ thuật đương đại VN. Chúng ta đã để tồn tại quá lâu một thị trường tranh giả, nó đã làm hỏng bộ mặt đẹp đẽ của mỹ thuật đổi mới những năm 80, 90 của thế kỷ trước và cho đến bây giờ thì thị trường tranh giả VN vẫn ngoài tầm kiểm soát của Nhà nước”.

img thumbXem toàn màn hình

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn xem các bức tranh tại  triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu".  Ảnh: VNN

Triển lãm tranh giả vừa qua cũng là bài học kinh nghiệm cho sự thiếu cẩn trọng khi thẩm định, cấp phép triển lãm tác phẩm và đặc biệt là sự chậm trễ giải quyết của các cơ quan chức năng khi vụ việc xảy ra, gây hoang mang cho dư luận.

Họa sĩ Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT&DL) nhận định: “Đây là lần đầu tiên chúng ta sờ tận tay, nhìn tận mắt 17 bức tranh giả dối một cách trực diện. Sự kiện này làm cho thức tỉnh rất nhiều vấn đề từ nhận thức, suy nghĩ đến hành động của các cơ quan quản lý, những người hoạt động trong giới mỹ thuật, những nhà sưu tập, các họa sĩ, nhà điêu khắc phải suy nghĩ và xem xét lại rất nhiều vấn đề trong hoạt động của thị trường mỹ thuật hiện nay”.

Ảnh hưởng uy tín

Việc làm giả để mua bán, kiếm lợi nhuận từ tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng đã khá phổ biến tại nhiều quốc gia. Ở Việt Nam, dù đã có những văn bản pháp lý ràng buộc như: Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thương mại, Nghị định 113 của Chính Phủ về hoạt động mỹ thuật,… nhưng tính hiệu quả và tính khả thi chưa cao. Thực trạng tranh giả, tranh chép vẫn tràn lan, mất kiểm soát, ảnh hưởng không nhỏ đến không gian sáng tạo của người nghệ sĩ chân chính và uy tín của mỹ thuật nước nhà.

Nhà điêu khắc Phan Gia Hương – Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN nêu lên một thực tế:“Vì làm giả, làm nhái quá nhiều nên những người mua, những nhà sưu tập tranh VN cũng dè dặt và sợ bị hớ giá, thành ra tất cả tranh VN đều bị ém giá, giá không cao bằng tranh của các nước khác. Cũng có nhiều lý do như do tác giả tự vẽ lại 2-3 bức mà không đánh số theo qui định hoặc do những nhà buôn bán tranh họ thấy tranh nào kiếm lời được thì cho thợ sao chép. Dần dần tự mình làm giảm uy tín tranh VN mình…”

img thumb

Họa sĩ, nhà phê bình Nguyễn Quân. Ảnh: VNN

Từ vụ triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” vừa qua, chúng ta thấy đó không chỉ là một vụ việc về nạn tranh giả, tranh mạo danh đơn thuần mà đã trở thành một vụ án kinh tế lớn, mang tầm quốc tế. Vì vậy, để giải quyết tận gốc, dọn sạch thị trường tranh giả tại VN không phải là điều dễ dàng.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhìn nhận: “Gần đây, nhiều nhà đấu giả nổi tiếng ở nước ngoài đã đấu giá thành công nhiều tranh giả VN. Đấy là điều đau buồn. Qua vụ việc lần này đã làm xuất hiện rất nhiều câu hỏi về đường dây tranh giả an toàn từ trong nước ra châu Âu không và từ châu Âu lại có những người bảo kê cho hàng giả này quay trở lại VN để công bố và hợp pháp hóa hàng giả. Đấy là vấn đề phức tạp đòi hỏi chúng ta phải vào cuộc trong thời điểm này”.

Cơ quan pháp luật phải vào cuộc

“Tranh giả, tranh nhái đầy rẫy từ nhiều năm nay rồi. Chúng ta phải coi tranh giả, tranh nhái là vụ án kinh tế chứ không thể coi là vấn đề bản quyền đơn thuần được và các cơ quan pháp luật phải tham gia vào nếu không thì sẽ lũng đoạn thị trường, làm hỏng thị trường chung.” - Nhà lý luận phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân nói.

17 bức tranh giả, tranh mạo danh tại triển lãm vừa qua dù để lại nhiều nỗi buồn cho những người làm nghề nhưng có thể nói đây cũng là dịp để mỹ thuật VN vượt qua thử thách, để có thể đối mặt và đi đến tận cùng của cuộc chiến chống và loại trừ tranh giả.

Bên cạnh sự chủ động của các họa sĩ trong việc đăng ký bản quyền tác giả, tác phẩm để tự bảo vệ mình thì nhiều giải pháp chuyên môn đã được đưa ra như cần thành lập ngay các Trung tâm giám định và đấu giá tác phẩm mỹ thuật; cần phải có sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, thanh tra tất cả các cửa hàng sao chép, mua bán tác phẩm mỹ thuật ở hai trung tâm lớn là Hà Nội và TPHCM.

Họa sĩ Vi Kiến Thành kiến nghị: “Cần phải có các quy định và chính sách cụ thể đối với các hoạt động giao dịch, mua bán tác phẩm mỹ thuật. Hiện nay có rất nhiều hoạt động giao dịch, mua bán trực tiếp mà không có hóa đơn đỏ. Hóa đơn đỏ ở đây không chỉ là cơ sở nộp thuế mà còn là sự minh bạch, công khai cho giao dịch đã được diễn ra giữa người bán và người mua và cũng là bằng chứng về mặt pháp lý để sau này chúng ta có truy tìm nguồn gốc các giao dịch mua bán đã diễn ra…”

img thumb

Bức sơn mài "Ba cô gái" được trưng bày tại triển lãm "Những bức tranh từ châu Âu trở về" đã được giới chuyên môn kết luận không phải tranh của danh họa Dương Bích Liên. Ảnh: VNE

“Ngoài việc các nghệ sĩ tự bảo vệ thì cần có sự hỗ trợ của luật pháp VN, của Trung tâm Giám định các tác phẩm mỹ thuật và sàn đấu giá VN, bảo hộ quyền tác giả từ phía Nhà nước và cả sự phối hợp của các hội nghề nghiệp như Hội Mỹ thuật VN. Chúng ta cần có sự đồng bộ có hiệu quả, có tính khả thi của tất cả các cơ quan liên quan đến hoạt động mỹ thuật” – Họa sĩ Lương Xuân Đoàn nêu ý kiến.

Sự việc này sẽ là bài học để các cơ quan chức năng, những nhà quản lý, các nghệ sĩ mỹ thuật sẽ quyết liệt đến cùng để câu chuyện tranh giả, tranh mạo danh không còn tiếp tục chìm vào quên lãng. Và sau những ồn ào thì các giải pháp căn cơ sẽ sớm được hiện thực hóa để từng bước đẩy lùi vấn nạn tranh giả, cùng vẽ nên những gam màu tươi sáng cho bức tranh mỹ thuật VN.

Bình luận