Một hướng đi mới cho thiết chế văn hóa cơ sở

(VOH) - Trong các yếu tố để xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở có vai trò rất quan trọng. Vấn đề được đặt ra là làm sao nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế ấy trong cuộc sống. Bằng sự mạnh dạn, sáng tạo tìm ra hướng đi mới, một số nhà văn hóa phường, xã trên địa bàn TPHCM đã phần nào giải quyết được bài toán nan giải này.
Lớp thể dục nhịp điệu tại Trung tâm Văn hóa quận 12 thu hút đông đảo thiếu nhi tham gia. Ảnh: SGGP

Đến Nhà văn hóa thể thao Tân Thới Hiệp, quận 12 vào một buổi chiều đầu tuần, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Không phải là giờ cao điểm, thế nhưng nhiều người đã có mặt để tham gia các hoạt động yêu thích của mình như: đánh bóng bàn, tập thể dục thẩm mỹ, học đàn… Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm Nhà văn hóa thể thao Tân Thới Hiệp cho biết, từ lúc khánh thành từ năm 2004 đến năm 2008, nơi đây hầu như chỉ hoạt động cầm chừng, người dân chẳng mấy khi quan tâm đến, gây lãng phí cho ngân sách địa phương. Nguyên nhân là do: Ban Chủ nhiệm không có tư cách pháp nhân nên không thể giao dịch tổ chức các hoạt động, hợp tác theo chức năng, nhất là ở lĩnh vực khai thác xã hội hóa và làm dịch vụ; không thể tiếp nhận kinh phí hỗ trợ từ quận do không có cán bộ tài chính, phải phụ thuộc vào kế toán ngân sách của quận; bộ máy nhân sự vừa thiếu lại vừa yếu… Từ đó dẫn đến Nhà văn hóa thể thao phường thường xuyên phải đóng cửa, chỉ chủ yếu phục vụ hội họp của phường, hoặc nếu có hoạt động thì cũng chỉ cầm chừng, đơn điệu. Do vậy, UBND quận 12 đã chỉ đạo giao Nhà văn hóa thể thao phường Tân Thới Hiệp về trực thuộc sự quản lý của Trung tâm Văn hóa quận từ tháng 10/2008.

Sau 5 năm, từ hình ảnh đìu hiu, vắng vẻ ban đầu, giờ nơi đây đã trở thành địa chỉ sinh hoạt văn hóa, thể thao lý tưởng cho nhân dân của phường Tân Thới Hiệp cũng như những địa bàn gần đó. Cơ sở vật chất của Nhà văn hóa khá đầy đủ, khang trang với diện tích 1,1 hecta bao gồm: hội trường 250 chỗ ngồi, thư viện, các phòng sinh hoạt câu lạc bộ, lớp học ngoại ngữ, lớp năng khiếu, 2 sân bóng mini cỏ nhân tạo, phòng tập thể hình, Hội quán Mỹ thuật, khu trò chơi ngoài trời… Mở cửa phục vụ từ 5 giờ sáng đến 10 giờ tối, không có ngày nghỉ, mỗi ngày Nhà văn hóa thể thao Tân Thới Hiệp có thể đón khoảng 1.000 lượt người. Tính riêng trong năm 2012, nơi đây đã phục vụ trên 400.000 lượt người, trong đó có 50% là thiếu niên nhi đồng, thu về trên 500 triệu đồng . Đây quả là một con số đáng mơ ước đối với một nhà văn hóa cấp cơ sở. Ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm Nhà văn hóa thể thao Tân Thới Hiệp chia sẻ về sự lột xác này: "Khi chuyển về phường thì nhà văn hóa phường gần như chỉ hoạt động cầm chừng. Từ tháng 10/2008, khi chuyển về Trung tâm văn hóa và được quản lý theo chức năng của đơn vị sự nghiệp thì hoạt động được mở rộng rất nhiều, theo đúng mục tiêu là phục vụ nhân dân. Hoạt động văn hóa văn nghệ được đẩy mạnh, tạo ra sức hút với nhân dân, kéo theo các mô hình xã hội hóa nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn. Nhân sự cũng được tăng cường với những người có chuyên môn về văn hóa, văn nghệ".

Là một người dân sinh hoạt thường xuyên tại đây, ông Nguyễn Hữu Phấn - cựu chiến binh phường Tân Thới Hiệp rất phấn khởi khi nhìn thấy sự tiến bộ từng ngày của nhà văn hóa thể thao phường mình: "Khi có nhà văn hóa này đã tạo ra sân chơi cho các cháu học hành, múa hát lúc rảnh rỗi, là nơi cho người già tập luyện thể dục thể thao thực sự thoải mái. Nói chung là sân chơi cho mọi tầng lớp, lứa tuổi từ già đến trẻ. Mong là sẽ có nhiều sân chơi như thế này để cho người dân khắp nơi, chứ không chỉ người dân Tân Thới Hiệp hay quận 12 được xả stress, và con cháu mình có khu vui chơi lành mạnh, an toàn".

Để đạt được thành công như ngày hôm nay, phải kể đến sự đột phá, sáng tạo trong tư duy, cách làm của đơn vị trực tiếp quản lý Nhà văn hóa thể thao Tân Thới Hiệp, đó là Trung tâm Văn hóa quận 12. Ông Lý Thái Hùng - Giám đốc Trung tâm văn hóa quận chia sẻ: Dưới sự quản lý của Trung tâm văn hóa quận, công tác xã hội hóa các hoạt động của Nhà văn hóa phường đã được vận dụng đúng lúc, đúng chỗ, phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân, do đó thu hút được trên 4 tỷ đồng vốn đầu tư. Với kết quả đã đạt được, mô hình quản lý Nhà văn hóa thể thao Tân Thới Hiệp đã được chọn để giới thiệu tại Hội nghị “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thiết chế văn hóa cơ sở” do Bộ VH-TT-DL tổ chức năm 2011 tại TP Vinh - Nghệ An. Đánh giá về bài học kinh nghiệm của quận 12 trong công tác xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở, ông Lý Thái Hùng cho biết thêm: "Để khai thác hiệu quả nhà văn hóa này, chúng tôi đã có sự đầu tư mang tính tổng thể, đồng bộ, từ việc khai thác mọi nguồn lực, đặc biệt là kêu gọi xã hội hóa. Song song đó phải tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật để thu hút người dân; xây dựng các câu lạc bộ, đội nhóm ở khối văn hóa quần chúng, khối thể thao; duy trì, mở rộng hoạt động của thư viện… Từ những hoạt động đồng bộ, hiệu quả này đã tác động vào nhu cầu của nhân dân và người dân đến rất đông. Đặc biệt nhà văn hóa thể thao Tân Thới Hiệp cũng đã phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương rất tốt".

Thực tế cho thấy, hoạt động nhà văn hóa phong phú, lành mạnh đã góp phần đẩy lùi các các tệ nạn xã hội ở địa phương, khơi dậy và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân. Ngoài ra, thông qua các hoạt động văn hoá cũng làm tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong cộng đồng dân cư và xã hội. Xây nên công trình khang trang, mua sắm các trang thiết bị cho hệ thống thiết chế văn hóa đã tốn kém, khó khăn, nhưng để tổ chức và duy trì các hoạt động như thế nào cho hiệu quả đang là bài toán nan giải với các cấp quản lý văn hóa. Qua thành công từ hoạt động của Nhà văn hóa thể thao Tân Thới Hiệp - quận 12, hiện một số quận, huyện trên địa bàn thành phố và các tỉnh đã từng bước học tập, áp dụng mô hình này. Hy vọng rằng sắp tới, với sự sáng tạo, mạnh dạn thay đổi, thiết chế văn hóa cơ sở của TPHCM sẽ tiếp tục phát huy được vai trò của mình, qua đó góp phần cải thiện và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”./.

Bình luận