Đăng nhập

Sôi động nhạc số

(VOH) - Cùng với sự phát triển chóng mặt của Internet, người ta dễ dàng kết bạn, tìm kiếm thông tin cần thiết, trao đổi kinh doanh…và cả giải trí nữa.

Bây giờ, người yêu âm nhạc không cần phải đến các nhà sách hay các tiệm băng đĩa để chọn cho mình một dĩa nhạc yêu thích mà chỉ một cú click chuột là đã có ngay danh mục hàng trăm ngàn bài hát được phân chia chi tiết đến từng thể loại, ca sỹ, nhạc sỹ, album...đáp ứng mọi nhu cầu, đối tượng thưởng thức. Sự đa dạng cho người nghe nhiều chọn lựa từ các trang web nghe nhạc trực tuyến dư luận không khỏi băn khoăn, thị hiếu thưởng thức âm nhạc có đang bị kéo xuống khi trên các trang này cho đăng tải một cách vô tội vạ các bài hát cả mới lẫn cũ với chất lượng tầm tầm?

Sử dụng thanh công cụ tìm kiếm google với từ khóa nhạc online, kết quả lên đến mười triệu bảy trăm ngàn trang có liên quan đến lĩnh vực này. Đứng đầu danh sách vẫn là những trang như: zing, nhạc của tui, nhạc số, nghe nhạc, …mỗi trang thu hút có một lượng fan truy cập khá lớn, có khi một fan đăng ký là thành viên của rất nhiều trang nhạc mạng. “ Chỉ đơn giản là khi trang web này chưa kịp cập nhật bài hát mà mình thích thì sang trang khác”- Lê Thanh An, một du học sinh ở Đức cho biết như vậy. An nhận xét thêm, đa số các trang web hiện nay cập nhật khá nhanh và chất lượng âm thanh tương đối ổn. Dù ở Đức mấy năm nhưng kiến thức, thông tin về âm nhạc trong nước của An chẳng lạc hậu chút nào, bởi chỉ cần lên mạng một lát là biết bài nào đang thịnh hành, ca sĩ nào đang được yêu thích, thậm chí An còn thuộc lời của một số bài hát rất mới hiện nay. Chia sẻ quan điểm về nhạc online hiện nay, An nói:

Không ít các ca sĩ đang được giới trẻ biết đến hiện nay đã chọn con đường ca hát của mình từ thế giới ảo. Có thể kể đến như Bảo Thy, Đông Nhi, Noo Phước Thịnh... cùng rất rất nhiều tên tuổi khác vẫn còn đang tiếp tục chọn con đường này để quảng bá tên tuổi, giọng hát của mình. Giải thích cho sự chọn lựa này, nhiều ca sỹ thẳng thắn thừa nhận: Quản lý nhạc online của cơ quan chức năng trong thời điểm hiện nay còn thoáng, ngoài ra, chi phí để phát hành được một đĩa nhạc theo con đường chính thống phải qua khá nhiều khâu từ việc ca sĩ chọn mua tác phẩm, hòa âm, thu, xin phép phát hành, in bìa, in đĩa... khó khăn nhất có lẽ là khâu xin phép. Còn phát hành nhạc online thì chỉ cần thu bài hát rồi đưa lên website cá nhân, hoặc gửi cho người quản trị các trang web là xong, nhanh rẻ và hiệu quả. Nhưng cũng chính vì vậy, các bài hát có ca từ dễ dãi, thậm chí là ngớ ngẩn, sống sượng, ví dụ “tình mình như cái ly bể, biết làm sao biết làm sao chỉ biết cắn răng mà thôi, kể từ đây bể cái ly vỡ một tình yêu anh và em” hay “và anh sẽ không bao giờ, không bao giờ anh bỏ em, và anh sẽ không bao giờ không bao giờ anh bó tay” hoặc “có những khi buồn quá, ngồi quán uống ly trà đá”….cũng đang được tự do, mặc sức tung hoành trên các trang nhạc online mà không được sự kiểm duyệt từ cơ quan chức năng.

Một số nhạc sĩ nhận xét rằng, không thể phủ nhận thị trường âm nhạc hiện nay rất mới mẻ nhiều bạn trẻ dù không được đào tạo chuyên nghiệp nhưng vẫn sáng tác được nhiều bài hay, thậm chí là viết lời cho nhạc ngoại rất có hồn. Tuy vậy nếu không chăm chút ca từ, cân nhắc tìm kiếm cái mới mà dễ dãi thì sớm muộn cũng bị đào thải. Ngoài ra, với một rừng những bài hát giông giống nhau thì thị hiếu thưởng thức âm nhạc của thính giả có bị kéo tuột theo tính thương mại và sự dễ dãi của âm nhạc hay không?
Không chỉ vậy, thực tế không ít tín đồ nhạc số phàn nàn rằng vì đưa nhạc lên mạng đơn giản như treo một món đồ lên móc nên cũng không hiếm những hạt sạn, đặc biệt là về chất lượng âm thanh. Để tăng tốc độ tải cũng như tiết kiệm không gian máy chủ, các website chọn cách nén dung lượng nhạc nhỏ lại, bởi vậy nhiều bài chỉ thỏa mãn đúng một tiêu chí là nghe được chứ không ra hồn của tác phẩm, một số khác thì đầy lỗi do thu vội vàng, đôi đoạn còn xen lẫn tiếng nói cười lao xao. Một vấn đề khác cũng cần phải đề cập đến đó là trên các mục diễn đàn, rất nhiều bình luận vô bổ, thậm chí vô văn hóa xuất hiện nhan nhản sau mỗi bài hát, Nguyễn Nhật Anh, sinh viên của trường ĐH Công nghệ thông tin nhận xét: Có những bình luận rất phản cảm kiểu như: "mày biết gì mà nói, hát dở ẹc mà cũng khen", nặng hơn vì văng tục, chửi thề,...thậm chí có fan còn lợi dụng dùng để rao vặt. Nhật Anh nói:

Theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên, phó chủ tịch hội Âm nhạc TPHCM, nhạc số thật sự là một môi trường tốt cho nhiều giọng ca trẻ tiếp cận với công chúng, kể cả những nhạc sĩ mới toanh muốn đưa sản phẩm của mình đến công chúng một cách nhanh nhất và ít tốn công sức nhất. Phải thừa nhận, có mạng Internet đời sống âm nhạc trở nên phong phú, đa dạng hơn do dễ dàng tiếp cận và đáp ứng đúng thị hiếu nghe nhạc của nhiều đối tượng khác nhau. Thực tế cho thấy, một số tài năng âm nhạc thật sự nhờ vào thế giới ảo mà trở nên nổi tiếng trong đời sống thực sau này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên cho biết thêm:
Cũng theo ông Hiên một số website vẫn tiến hành trả tiền tác quyền thông qua trung tâm bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt nam nhưng số này có lẽ không nhiều. Từ những vấn đề vừa nêu trên, cộng với số lượng người thưởng thức âm nhạc chọn không gian số làm phương tiện tiếp cận chính yếu ngày một tăng, thì việc tìm ra một giải pháp để quản lý danh mục, nội dung bài hát lẫn chất lượng nhạc tại các trang web nghe nhạc trực tuyến là cần thiết. Theo đó, có thể định hướng và nâng cao thị hiếu âm nhạc trong công chúng lên một tầm cao hơn./.
Bình luận