Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tái hiện Tết xưa ở Phố ông đồ

(VOH) - So với trước đây, phong tục đón tết hiện nay ở nước ta đã có nhiều thay đổi do tác động của nhịp sống hiện đại. Đâu đó những nét cổ xưa của ngày tết dần bị mai một theo thời gian. Sự tái hiện những giá trị truyền thống quý báu thông qua Phố Ông Đồ ở 2 địa điểm: Cung văn hóa Lao động và Nhà văn hóa TP.HCM như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng đã thu hút được sự chú ý của nhiều người.
Hình ảnh ông đồ tại phố ông đồ - Nhà văn hóa Thanh niên (Ảnh: Lan Hương)

Chính thức khai mạc từ sáng 19/1, Phố Ông đồ ở Nhà văn hóa Thanh niên thực sự gây được ấn tượng mạnh mẽ trong ánh mắt người qua đường bởi sắc vàng rực rỡ của những cành hoa mai - loài hoa đặc trưng của vùng đất Phương Nam.

Dưới những sắc màu rạng rỡ ấy, 50 gian hàng của các “cụ đồ” thuộc nhiều lứa tuổi được bày ra gọn gàng, ngăn nắp, sẵn sàng bán chữ cho các khách du xuân. Trong bộ áo dài, quần the, khăn đóng, ông đồ Lê Văn Nam, 25 tuổi, thành viên CLB thư pháp ở Nhà Văn hóa Thanh niên miệt mài cọ mực, nắn nót từng nét bút lông để nhanh chóng hoàn thành tác phẩm thư pháp với bốn chứ “Mã đáo thành công” trên nền giấy lụa đỏ thắm để kịp trao cho khách.

Anh chia sẻ, ba năm tham gia phố ông đồ, điều vui mừng nhất đối với anh không phải là tiền bạc lợi nhuận mà vì một ý nghĩa quan trọng hơn: cả người bán chữ lẫn mua chữ đều đến đây với mục đích là góp phần trao - truyền và giữ gìn một phong tục vốn đã tồn tại từ hàng trăm năm qua của cha ông.


Khách du xuân đến với phố ông đồ ở Nhà văn hóa Thanh niên đa phần là các bạn trẻ. Họ đến đây với một điểm chung duy nhất là tìm lại những giá trị truyền thống của Tết xưa. Thi thoảng, vẫn có những cụ già theo chân con cháu trong gia đình muốn chứng kiến lại không khí của tết xưa. Ở đó mọi người thấy thấp thoáng bóng ông đồ bên những câu đối đỏ, là bút lông, nghiên mực… tất cả đều là chiều sâu văn hóa truyền thống của tết Việt có lúc tưởng như đã không còn.

Bà Đỗ Thị Kim Quyên, một người dân ở quận Bình Thạnh cho biết, mỗi dịp tết đến xuân về, dù có bận rộn đến mấy bà cũng thu xếp dành một buổi đến với phố ông đồ ở Nhà văn hóa Thanh niên. Bà cho biết lí do mình tìm đến với phố ông đồ:


Còn chị Lê Thị Minh Ngọc, sinh viên trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho biết, 2 năm qua, trước khi về tết chị đều ghé đến phố ông đồ mua 1-2 bức tranh thư pháp về treo trong gia đình. Chị cũng đắn đo và phân vân rất nhiều khi chọn thư pháp giữa các cụ đồ trẻ hay già:


Không chỉ có phố ông đồ ở Nhà văn hóa thanh niên, tết Giáp ngọ năm nay tại Cung văn hóa lao động TP.HCM cũng khá nhộn nhịp với hơn 40 chiếu ông đồ, đa số đều là những ông đồ lớn tuổi. Ngoài việc viết thư pháp tại chỗ, các ông đồ còn viết thư pháp theo yêu cầu của khách. Xen kẽ giữa những ông đồ già là sự góp mặt của những cây thư pháp trẻ. Đây chính là yếu tố làm cho phố ông đồ trở nên trẻ trung và sôi động hơn, tuy vậy không làm mất đi những giá trị xưa cũ của việc xin chữ đầu năm.

Ông Vũ Ngọc Nhân là cụ đồ lớn tuổi ở Cung văn hóa Lao động TP.HCM, cũng là người gắn bó lâu năm nhất với phố ông đồ ở đây kể từ khi thành lập. Ông cho biết, năm Giáp Ngọ nên những bức tranh thủy mặc hoặc thư pháp có liên quan đến linh vật này bán chạy hơn cả. Ngoài ra, cũng tùy thuộc vào nguyện vọng của người xin chữ. Trong năm mới, người ta cầu điều gì thì họ sẽ yêu cầu các cụ đồ cho cái chữ ấy để về treo trong nhà. Do vậy, người cầu tài lộc thì yêu cầu chữ Tài Lộc, người cầu con cái thì xin chữ Phúc, người cầu sức khỏe, sống lâu thì xin chữ Thọ…


Sự trở lại của thư pháp Việt trên phố ông đồ trong 6 năm qua là một dấu hiệu đáng mừng cho thấy ở đâu đó phong tục truyền thống của Tết Việt vẫn còn được nhiều người gìn giữ và phát huy. Không chỉ có bút lông, mực tàu được viết trên giấy điệp hay giấy dó, thư pháp ngày nay còn được viết bằng bút lửa trên những thớ gỗ mới tinh. Nhưng dù được viết trên chất liệu gì thì tất cả đều chuyển tải những thông điệp đong đầy tình cảm bằng con chữ để mọi người có thể trao tặng cho nhau như một món quà quý trong mỗi dịp tết đến xuân về.

Bình luận