Tổng hợp Văn hoá văn nghệ

(VOH) - Trong những năm tháng chiến tranh, ngoài việc sáng tạo nên những tác phẩm phục vụ kịp thời cho công cuộc kháng chiến, nhiều văn nghệ sĩ còn cầm súng trực tiếp chiến đấu như một người lính thực sự.

Chân dung nhà thơ Lê Anh Xuân và
nhà văn Nguyễn Thi (ảnh Tư liệu)

Nhiều văn nghệ sĩ đã anh dũng hy sinh. Đánh giá đúng những đóng góp của các văn nghệ sĩ là thể hiện lòng tri ân của các thế hệ đời sau đối với sự hy sinh cho đất nước của các anh. Tuần qua, tại Tp.HCM đã diễn ra 2 cuộc Hội thảo văn học: "Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân: Cuộc đời và Sự nghiệp" và “Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi: Cuộc đời và sự nghiệp” về nhà thơ Lê Anh Xuân và nhà văn Nguyễn Thi, hai nhà văn, nhà thơ đã hy sinh trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1968 tại vùng ven Sài Gòn. Các tham luận tại Hội thảo thể hiện tình cảm trân trọng đối với cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Lê Anh Xuân, nhà văn Nguyễn Thi, đồng thuận đánh giá đây là những nhà văn tiêu biểu nhất thời chống Mỹ. Sau các hội thảo này, Hội nhà văn TP. Hồ Chí Minh, Ban thi đua khen thưởng TP. Hồ Chí Minh, Hội nhà văn Việt Nam sẽ đề nghị Nhà nước xem xét, truy tặng nhà thơ Lê Anh Xuân và nhà văn Nguyễn Thi danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Tuần qua, Liên hoan sân khấu các vở diễn lịch sử mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã chính thức khai mạc với vở “Dời đô” - vở cải lương của tác giả Lê Duy Hạnh (Đoàn cải lương Đồng Nai) tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Liên hoan sân khấu lần này thu hút sự tham gia của các đoàn nghệ thuật ở cả 3 miền đất nước, biểu diễn 14 vở diễn thuộc các loại hình như tuồng, chèo, kịch nói, cải lương, ca kịch lịch sử gắn với mảnh đất Thăng Long- Hà Nội trong tiến trình lịch sử hàng ngàn năm. Các vở diễn tham dự Liên hoan được lựa chọn trong số rất nhiều vở diễn thành công của sân khấu Việt Nam từ nhiều năm qua nhằm ca ngợi các vị anh hùng dân tộc, các danh nhân văn hoá gắn với mảnh đất Thăng Long- Hà Nội. Qua đó thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ cha anh có công lao dựng nước, giữ nước. Liên hoan diễn ra đến hết 22/8 trên 15 địa điểm sân khấu của Hà Nội. Ngoài các nhà hát, trung tâm văn hoá ở cả nội, ngoại thành Hà Nội, các nghệ sỹ còn biểu diễn tại 4 trường đại học, học viện và 2 đơn vị bộ đội.

Cách đây 65 năm, Hồ Chủ Tịch đã ký sắc lệnh thành lập Nha Công an Trung ương, tiền thân của lực lượng Công an nhân dân ngày nay. 65 năm qua ngành Công an nhân dân đã không ngừng lớn mạnh và lập nhiều thành tích rất đáng tự hào. Tối 19/8, tại Khu di tích lịch sử Nha Công an Trung ương, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, Tổng cục xây dựng lực lượng- Bộ Công an phối hợp với Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Mình đã tổ chức Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Tham dự chương trình có gần 700 nghệ sĩ thuộc 12 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trong cả nước, dàn nhạc với 150 nghệ sĩ và dàn hợp xướng với 300 diễn viên. Đây là một trong những hoạt động có ý nghĩa to lớn kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống lực lượng CAND, 5 năm ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Với thời lượng 120 phút, Chương trình nghệ thuật “Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ” được dàn dựng công phu gồm 4 Phần “Giai điệu Tổ Quốc”, “Lời ca dâng Bác”, “Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ” và “Tân trào vang mãi lời ca”. Ngoài những ca khúc trữ tình, ngọt ngào, sâu lắng viết về Tổ quốc Việt Nam thân yêu, chương trình còn có những ca khúc đi cùng năm tháng, ca ngợi những chiến công thầm lặng của người chiến sĩ CAND trên mặt trận bảo vệ an ninh, Tổ Quốc, do chính các tác giả trong lực lượng Công an sáng tác đã góp phần tạo nên âm hưởng riêng, độc đáo cho đêm nhạc hội tôn vinh những người chiến sỹ Công an. Chương trình nghệ thuật "Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ" đã bày tỏ được lòng biết ơn sâu sắc của thế hệ trẻ hôm nay với những chiến công và hi sinh thầm lặng của các chiến sỹ Công an nhân dân trong thời kỳ kháng chiến. Mời quý thính giả cùng nghe trích một tác phẩm biểu diễn trong chương trình này:

Trong tuần tới cả nước sẽ bước vào những ngày hội kỷ niệm 65 CMT8 thành công và quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam. Nhiều chương trình nghệ thuật lớn sẽ được tổ chức ở khắp mọi miền đất nước. Đặc biệt, tuần phim kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 sẽ diễn ra từ 31-8 đến 6-9-2010 tại các địa phương trên cả nước gồm cả phim truyện nhựa và phim tài liệu. Những phim truyện nhựa được lựa chọn chiếu trong tuần phim này là: Ðừng đốt, Nhìn ra biển cả, Ðược sống, Hoài vũ trắng, Chớp mắt cùng số phận, Sinh mệnh...Một số phim tài liệu tiêu biểu được chọn chiếu: Bước ngoặt, Thời cơ thần tốc, Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai, Cao nguyên đá, Cuộc đối mặt sinh tử …


Bình luận