Tham dự Lễ khai mạc có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi; Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ cùng lãnh đạo của các Sở, ngành, các Tổng Lãnh sự và phu nhân; thành viên Lãnh sự Đoàn và Đại diện các cơ quan lãnh sự, văn phòng kinh tế, thương mại, văn hóa tại TPHCM cùng đông đảo người dân và du khách.
Lễ khai mạc là sự kiện đầu tiên, chính thức mở đầu cho chuỗi hoạt động Lễ hội Áo dài TPHCM lần thứ 8 năm 2022 diễn ra từ ngày 5/3 đến ngày 15/4 do Sở Du lịch, Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM và các Sở, ban ngành, đoàn thể phối hợp tổ chức.
Tại lễ khai mạc, công chúng đã được thưởng lãm gần 600 bộ áo dài với sự tham gia biểu diễn của gần 200 diễn viên, ca sĩ, nghệ sĩ, người mẫu nhằm giới thiệu đến công chúng hành trình gìn giữ và phát huy nét đẹp của chiếc áo dài Việt Nam theo chiều dài lịch sử của dân tộc, truyền cảm hứng về áo dài cho người tham dự.
Điểm nhấn trong lễ khai mạc là sự tham gia biểu diễn của các “diễn viên đặc biệt” gồm các nữ y bác sĩ bệnh viện Quân y 175 - những người đã trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch bệnh tại TPHCM và các nữ doanh nhân thuộc Hội Doanh nhân TPHCM là những đơn vị đã đóng góp cho các hoạt động từ thiện và hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch Covid-19 của Thành phố…
Phát biểu khai mạc, bà Phan Thị Thắng, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ - Phó Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh: “Lễ hội Áo dài TPHCM lần thứ 8 năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt khi được tổ chức trong bối cảnh cả nước và Thành phố đang khôi phục trở lại các hoạt động kinh tế xã hội, đời sống người dân đang trở lại trạng thái bình thường mới và thích ứng linh hoạt với Covid-19.
Lễ hội Áo dài TPHCM lần thứ 8 năm nay với chủ đề “Tôi yêu áo dài Việt Nam” được tổ chức là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, minh chứng cho nội lực, sức sống mãnh liệt, sự đồng lòng, tinh thần sẵn sàng và niềm tin ở tương lai của TPHCM; Khẳng định sự trở lại mạnh mẽ và nhanh chóng của ngành du lịch Thành phố, củng cố niềm tin vào sự thành công của ngành du lịch trong hành trình xây dựng TPHCM trở thành “Đô thị du lịch sống động hàng đầu Châu Á”.
Bên cạnh 15 Đại sứ Lễ hội là các văn nghệ sĩ, travel blogger… Lễ hội Áo dài năm 2022 có các đại sứ đặc biệt là ông Phạm Sanh Châu – Đại sứ Đặc Mệnh Toàn Quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Ấn Độ, kiêm nhiệm Cộng hoà Dân Chủ Liên bang Nepal và Vương quốc Brutan; bà Hồ Thị Thanh Trúc – Đại sứ Đặc Mệnh Toàn Quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Sri Lanka, kiêm nhiệm cộng hòa Maldives, Travel blogger Trần Đặng Đăng Khoa, các thí sinh cuộc thi Miss Charm 2022 với khát vọng đưa hình ảnh đất nước, con người và bản sắc văn hóa Việt Nam tiếp tục chạm đến trái tim của bạn bè năm châu.
Đại sự Phạm Sanh Châu chia sẻ: "Bản thân cảm thấy rất tự hào với chiếc áo dài truyền thống Việt Nam. Trong các sự kiện quốc tế, tôi luôn muốn mặc chiếc áo dài để giới thiệu các giá trị văn hóa đặc sắc của Việt Nam đến bàn bè quốc tế".
Không chỉ tại Việt Nam, các đại sứ Áo dài ở nước ngoài cũng tổ chức nhiều hoạt động phong phú với các hình thức khác nhau nhằm lan tỏa nét đẹp của chiếc Áo dài Việt Nam cũng như giá trị văn hóa Việt Nam đến bạn bè thế giới.
Tuân thủ nguyên tắc 5K, người dân Thành phố và rất nhiều người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại TPHCM đã chọn cho mình những chiếc áo dài duyên dáng để cùng hưởng ứng và tham gia Lễ khai mạc, tạo nên không gian áo dài đầy sống động, đa sắc màu.
Từ 7h-9h sáng ngày 6/3, tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ sẽ diễn ra chương trình diễu hành với áo dài qua sự góp mặt của hơn 3.000 phụ nữ từ các độ tuổi khác nhau, góp phần truyền tình yêu với chiếc Áo dài Việt Nam đến trong cộng đồng trong và ngoài nước.
Tối cùng ngày, từ 19h - 21h, cũng tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật về Áo dài với chủ đề “Áo dài ơi”. Tại đây, công chúng có dịp xem trình diễn các thiết kế cách điệu sáng tạo, nghệ thuật nhưng vẫn giữ nguyên vẹn giá trị truyền thống của chiếc Áo dài Việt Nam nhằm định hướng thẩm mỹ và xu hướng sử dụng Áo dài trong đời sống hàng ngày của người dân thành phố, góp phần phát huy nét đẹp của chiếc Áo dài Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.