Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Con Rồng cháu Tiên: Cội nguồn và tự hào dòng giống Tiên Rồng

VOH - Truyền thuyết Việt Nam Con Rồng cháu Tiên nói về xuất thân của người Việt. Trong cách gọi này, Rồng chỉ Lạc Long Quân và Tiên chỉ Âu Cơ.

Con Rồng cháu Tiên là tên gọi thường dùng trong thơ ca Việt Nam với hàm ý kêu gọi sự đoàn kết giữa các dân tộc trên đất nước Việt Nam.

Theo huyền thoại Con Rồng cháu Tiên, vua Lạc Long Quân thuộc dòng dõi Rồng lấy nàng Tiên Âu Cơ thuộc dòng họ Thần Nông.

Lạc Long Quân và Âu Cơ đều là những vị thần cao quý sinh ra một bọc có trăm trứng, nở ra trăm người con. Một ngày, Lạc Long Quân nói với Âu Cơ rằng: "Ta là giống Rồng, mình là giống Tiên, thủy hỏa khắc nhau, không ở cùng nhau được".

Hai người bèn chia con mà ở riêng. Năm chục người theo mẹ về núi, năm chục người theo cha xuống biển, chia nhau mà thống trị những xứ đó, đó là thủy tổ của các nhóm Bách Việt.

Người con cả trong số những người con theo mẹ lên Phong Châu (nay là Phú Thọ) và được tôn làm vua gọi là Hùng Vương lập ra nước Văn Lang.

Mười mấy đời truyền nối vua đều lấy hiệu là Hùng Vương. Bởi sự tích này mà người Việt Nam khi nhắc đến nguồn gốc của mình thường xưng là con Rồng cháu Tiên.

Con rồng cháu tiên

Lạc Long Quân và Âu Cơ đẻ 100 trứng, nở ra 100 con, 50 người theo cha lên núi, 50 người theo mẹ xuống biển từ đó sinh ra nước Việt cổ - Ảnh cắt từ Youtube

Hình ảnh cái bọc một trăm trứng mang ý nghĩa tượng trưng thiêng liêng

Hình ảnh cái bọc một trăm trứng  khẳng định tất cả các dân tộc sống trên đất Việt đều chung một mẹ sinh ra, do đó mối quan hệ giữa các dân tộc là mối quan hệ anh em thân thiết. Hai tiếng đồng bào (cùng một bọc) đã gợi lên đầy đủ và cảm động nghĩa tình keo sơn, máu thịt.

Sự tích Lạc Long Quân chia tay với Âu Cơ, đem theo năm mươi con xuống biển, còn năm mươi người con theo mẹ lên núi, ngoài lí do kẻ ở trên cạn, người ở dưới nước, tính tình, tập quán khác nhau, khó ăn, ở cùng nhau một nơi lâu dài còn nhằm giải thích sự phân bố vùng định cư của các dân tộc trên đất Lạc Việt.

Ngay từ buổi đầu dựng nước, dân tộc ta đã tiến hành những cuộc sắp đặt giang sơn. Địa bàn đất nước rộng, các dân tộc đã biết phân chia nhau cai quản. Kẻ ở chốn núi rừng, kẻ đồng bằng, người biển cả… lập nghiệp khắp nơi, khắp chốn. Khi có việc quan trọng, lớn lao, họ lại tìm đến nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Điều đó thể hiện truyền thống đoàn kết tốt đẹp trong suốt mấy ngàn năm lịch sử dân tộc.

Nguồn gốc và ý nghĩa của truyền thuyết

Truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên có nguồn gốc từ những câu chuyện dân gian, được truyền miệng qua các thế hệ. Truyền thuyết này được ghi chép lần đầu tiên trong bộ sách sử cổ Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên và các sử thần khác vào thế kỷ XV. Bản ghi chép này bỏ bớt yếu tố trăm trứng trong bọc, mà chỉ nói đến Âu Cơ và Lạc Long Quân sinh ra trăm người con. Có thể thấy, truyền thuyết này đã có những biến đổi và phát triển theo thời gian và địa lý.

“Con Rồng cháu Tiên” mang những nét đặc sắc cả về nội dung và nghệ thuật của thể loại truyền thuyết. Mỗi người Việt khi nói về “Con Rồng cháu Tiên” đều cảm thấy tự hào về nguồn gốc cao quý, về truyền thống đoàn kết của dân tộc, từ đó càng có ý thức ghi nhớ, lưu giữ và truyền lại cho đời sau kho tàng truyền thuyết nói riêng và văn học dân gian dân tộc nói chung, đó là tài sản tinh thần vô giá.

Bình luận