Đêm biểu diễn nghệ thuật 'Hành trình Kathak'

(VOH) - Tối ngày 26/4, Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM đã tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật “Hành trình Kathak” nhân chuỗi sự kiện kỷ niệm lần thứ 75 Ngày độc lập Ấn Độ.
Đêm biểu diễn nghệ thuật “Hành trình Kathak” 1

Ông Madan Mohan Sethi - Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh và các khách mời tham dự “Hành trình Kathak”

Ấn Độ là một quốc gia đa dạng về tôn giáo và sắc tộc nhất trên thế giới, gắn liền với những nền văn hóa, xã hội tôn giáo đậm nét. Văn hóa Ấn Độ là một nền văn hóa cổ xưa nhất có mặt trên thế giới. Sự đa dạng văn hóa Ấn Độ là điều làm nên nét độc đáo và xinh đẹp của đất nước này.

Những điệu múa Ấn Độ thể hiện đầy đủ nhất tinh thần văn hóa truyền thống Ấn Độ. Mỗi điệu múa sẽ có phong cách trình diễn khác nhau phụ thuộc ở từng vùng của đất nước – nơi chúng bắt nguồn và dần dần được phát triển với tất cả yếu tố văn hoá.

Đêm biểu diễn nghệ thuật “Hành trình Kathak” 2
Các diễn viên múa trong chương trình biểu diễn nghệ thuật “Hành trình Kathak”

“Hành trình Kathak” đã làm mãn nhãn người xem bởi nghệ thuật múa đặc sắc của Ấn Độ, đặc biệt là điệu múa Kathak đặc trưng với những bước nhảy nhanh và những lần xoay vòng tung váy của vũ công. Cô Anupamar Jha Kumar  đã biểu diễn xuất sắc với 4 tác phẩm độc đáo là Rudrashtakam (Dâng hiến), Sparsh (Niềm hân hoan), Thumri – Ghalib- Nukta Cheen (Cống hiến- Sự phê bình), Sargam (Quy hàng).

Điệu múa Kathak là một trong 8 hình thức chính của múa cổ điển Ấn Độ.

Đêm biểu diễn nghệ thuật “Hành trình Kathak” 3
Đêm biểu diễn nghệ thuật “Hành trình Kathak” 4
Đêm biểu diễn nghệ thuật “Hành trình Kathak” 5
Cô Anupamar Jha Kumar biểu diễn điệu múa Kathak

Kathak là hình thức múa cổ điển thuộc nền văn minh Ấn-Hằng. Cốt lõi của hình thức múa này nằm ở các điệu múa và diễn kịch điệu bộ.

Kathak có nghĩa là kể chuyện thông qua âm nhạc, từ ngữ, giọng hát, nhịp điệu của động tác chân, chuyển động cơ thể và cảm xúc thông qua người kể chuyện. Mục đích của điệu nhảy là kết nối con người với năng lượng vũ trụ cao nhất để mang lại niềm hạnh phúc lâu dài. Điệu múa Kathak có lịch sử hơn 2.500 năm.

Kathak là một loại hình nghệ thuật đã biến đổi qua nhiều thời kỳ, tuy nhiên khởi đầu vẫn là dâng lên Thánh thần và được thực hiện trong các đền thờ bởi các nam tu sĩ Bà La Môn.

Kathak đã được chính thức hóa và cách điệu hóa trong suốt thời kỳ trung cổ của lịch sử Ấn Độ, đạt đên đỉnh cao chưa từng có về độ tinh xảo. Thời kỳ này cũng chứng kiến sự phát triển và bùng nổ của các nhịp điệu của hình thức múa trong khi vẫn giữ được sự tôn kính vốn có với Hindu giáo.

Miền bắc Ấn Độ là nơi khởi phát nên điệu Kathak. Tên của nó trong tiếng Ấn nghĩa là “kể một câu chuyện”. Kathak cũng như nhiều điệu múa truyền thống khác, nó lồng ghép nhiều tri thức dân gian mà người đi trước qua một bài múa cụ thể truyền lại cho thế hệ sau.

Tại Đêm biểu diễn nghệ thuật “Hành trình Kathak”, ông Madan Mohan Sethi - Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Ấn Độ và Việt Nam cũng đã cùng nhau tạo nên những nét lịch sử văn hóa sâu sắc. Nguồn gốc của nền văn minh Chăm-có nét tương đồng với nền văn hóa Ấn Độ, đã xuất hiện từ vài nghìn năm trước và nền văn hóa này vẫn đang phát triển mạnh mẽ ở miền Trung, Việt Nam.

Di sản thế giới Mỹ Sơn, nơi khởi nguồn và là quê hương của nền văn minh Chăm Bani có niên đại 2000 năm. Việc tìm thấy Shiv Linga có từ thế kỷ thứ 9, bằng đá sa thạch nguyên khối tại Thánh địa Mỹ Sơn là minh chứng làm rõ nét hơn cho mối liên kết văn hóa giữa 2 quốc gia.

Các ngôi đền và nhà thờ Hồi giáo Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh là di sản chung của 2 quốc gia. Yoga và Phật giáo cũng là sự kết nối văn hóa giữa Ấn Độ và Việt Nam.

Đêm biểu diễn nghệ thuật “Hành trình Kathak” mong muốn gửi đến những khán giảm Việt Nam và Ấn Độ một trải nghiệm văn hóa độc đáo và đặc sắc của Ấn Độ.”

Đêm biểu diễn nghệ thuật “Hành trình Kathak” 6
Đêm biểu diễn nghệ thuật “Hành trình Kathak” 7
Các tiết mục múa của sinh viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh

Đêm biểu diễn nghệ thuật “Hành trình Kathak” còn có sự góp mặt các tiết mục múa Ấn Độ độc đáo của các sinh viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Ấn Độ sẽ kỷ niệm lần thứ 75 Ngày độc lập vào ngày 15/8/2022.

Để chào mừng sự kiện lớn này, Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM sẽ chủ trì, tổ chức 75 hoạt động và sự kiện nhằm tôn vinh những thành tựu quan trọng của Ấn Độ. Chuỗi hoạt động gồm hội thảo, triển lãm, sự kiện văn hóa, và các hoạt động quảng bá khác.