Giỗ tổ Hùng Vương, tín ngưỡng và sinh khí của dân tộc

(VOH) - Ngày 10 tháng 3 theo âm lịch hằng năm, đối với nhân dân Việt Nam đã trở thành ngày thiêng liêng của dân tộc.

Vào ngày ấy  trải qua hàng ngàn mùa xuân đất nước, nhân dân cả nước, đồng bào ta khắp thế giới hướng về một điểm: Đền Hùng ở cố đô Phong Châu, đất Tổ Hùng Vương.

Tháng ba nô nức hội đền

Là ngày giỗ Tổ bốn ngàn năm nay

Dân tộc Việt nam có truyền thống văn hóa từ lâu đời. Trong các giá trị văn hóa được người Việt truyền lại từ đời này sang đời khác, có phong tục thờ cúng tổ tiên.

Thông qua việc thờ cúng tổ tiên, người Việt Nam muốn thể hiện lòng biết ơn đối với những người đã có công sinh thành, dưỡng dục mình và con cháu. Mỗi gia đình, dòng họ đều coi việc thờ cúng cha mẹ, ông bà, tổ tiên là việc hệ trọng…Điểm đặc biệt trên phạm vi cả nước, là tục thờ Hùng Vương-đây là ngày Quốc giỗ thờ cúng người đứng đầu nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.

giỗ tổ Hùng Vương
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay chỉ tổ chức nội dung phần lễ, không tổ chức các nội dung phần hội. Ảnh minh họa

Ngay từ năm 1917, triều Nguyễn đã giao cho Bộ Lễ chính thức định lệ ngày Quốc lễ - Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm.

Trong những ngày ấy, người dân có điều kiện thì về Đất Tổ, tỉnh Phú Thọ, nơi có đền thờ Vua Hùng thắp hương, dâng lễ tỏ lòng tri ân các vua Hùng. Người không có điều kiện thì làm lễ bái vọng với sự thành tâm đối với vị quốc tổ của mình.

Năm 1946, thể theo nguyện vọng của người dân, ngay sau khi đất nước giành độc lập (tháng 9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra sắc lệnh đưa ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm là ngày lễ chính thức của dân tộc. Từ đó, Giỗ Tổ Hùng Vương lan tỏa rộng trong cả nước với ý nghĩa một ngày lễ có tính Nhà nước. Kiều bào ta ở khắp năm châu, bốn bể cũng tiến hành Giỗ Tổ Hùng Vương. Điều này góp phần củng cố xây dựng độc lập dân tộc và trở thành một tài sản tinh thần, và khẳng định độc lập dân tộc như một chân lý của cả quốc gia và thời đại.

Khi hòa bình lập lại, không phải ngẫu nhiên mà Bác Hồ lại ghé vào đền Hùng. Bác nghĩ rằng phải vào đó để tạ ơn tổ tiên và nói một câu ngắn nhưng vô cùng ý nghĩa rằng: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời dặn dò của Bác đã khái quát cả mấy ngàn năm lịch sử, rút ra quy luật tồn tại và phát triển muôn đời của đất nước và con người Việt Nam: “Dựng nước phải đi đôi với giữ nước”.

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, “giữ nước” là toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, đem lại tự do và hạnh phúc cho nhân dân. Bởi “dân là gốc” của đất nước, nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.

Năm nay, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức trong ngày 17/4 và 21/4 (tức ngày 6 và 10 tháng Ba năm Tân Sửu) tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Giỗ Tổ Hùng Vương chỉ tổ chức nội dung phần lễ, không tổ chức các nội dung phần hội.

Cụ thể, nội dung phần lễ sẽ được tổ chức như sau: Ngày 17/4 (tức ngày 6/3 âm lịch) diễn ra Lễ Giỗ Quốc tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ. Từ 8 giờ ngày 21/4 (tức ngày 10/3 âm lịch), tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng và Lễ dâng hoa tại bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân tiên phong". Địa điểm tổ chức tại quần thể Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng.

Cùng với đó, Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại các di tích thờ cúng Hùng Vương, các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn các huyện, thành, thị sẽ do Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo thực hiện theo nghi thức truyền thống, đảm bảo trang nghiêm, thành kính, phù hợp với tình hình thực tế công tác phòng, chống dịch bệnh…

Được biết, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ thể hiện ở khu vực trung tâm là Phú Thọ mà còn có hơn 1.417 địa điểm có di tích thờ cúng các vua Hùng và tướng lĩnh thời đại Hùng Vương. Riêng Phú Thọ có 326 di tích liên quan đến thời Hùng Vương, trong đó có 109 di tích thờ vua Hùng. Ngoài ra tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn có mặt trên toàn thế giới, ở những nơi có cộng đồng dân cư người Việt sinh sống và cư ngụ.

Cứ mỗi độ Giỗ Tổ Hùng Vương về, ta nghe như núi non dậy sấm anh hùng, trống đồng vang lên, trời đất ngút ngàn linh khí! Nhân dân cả nước và kiều bào ta khắp năm châu, bốn biển đang hướng về giỗ Tổ, bày tỏ lòng thành kính bằng hành động thiết thực, dâng vật phẩm lên bàn thờ gia tiên, chỉnh trang y phục, tâm thế thắp những nén hương thơm tấu thỉnh các Vua Hùng, tổ tiên chung của dân tộc, nguyện cầu cho quốc thái dân an, tạo nên không khí vui vẻ, đầm ấm, chan hòa.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay diễn ra trong không khí cả nước đang tưng bừng chào đón những ngày lễ lớn của dân tộc, 46 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Đặc biệt năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025; năm tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Với niềm tự hào dân tộc và lòng thành kính hướng về nguồn cội, chúng ta càng thấy trách nhiệm hơn với tiền nhân, nêu cao tinh thần hòa hợp, hòa giải dân tộc, huy động mọi nguồn lực chung tay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để đạo lý nguồn cội, truyền thống đoàn kết luôn là nguồn lực vô tận cho dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam mãi mãi trường tồn!