Hồi ký từ dòng sông trong xanh

(VOH) - Sáng 26/12, Chi hội Nhà văn Quân đội đã cho ra mắt cuốn hồi ký “Từ dòng sông trong xanh” của Đại tá Phan Văn Nga, Phó trưởng phòng cán bộ, Hệ trưởng Hệ quốc tế Học viện Lục quân.

Cuốn hồi ký “Từ dòng sông trong xanh” của Đại tá Phan Văn Nga nguyên là Phó trưởng phòng cán bộ, Hệ trưởng Hệ quốc tế Học viện Lục quân do Nhà xuất bản Thanh Niên phát hành.

Sách dày 220 trang và 16 trang ảnh, khổ sách 14,5 cm x 20,5 cm. Đây là câu chuyện cuộc đời binh nghiệp của một sĩ quan cao cấp quân đội đã từng trải qua chiến tranh.

Đại tá Phan Văn Nga tặng hoa cho Đại Tá Đoàn Hoài Trung, Ủy viên Ban chấp hành Chi hội Nhà văn quân đội phụ trách phía nam

Đại tá Phan Văn Nga tặng hoa cho Đại Tá Đoàn Hoài Trung, Ủy viên Ban chấp hành Chi hội Nhà văn quân đội phụ trách phía nam, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TPHCM.

Đại tá Phan Văn Nga sinh năm 1939 tại thôn Trại chuối, xã Đồng Kỵ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang trong một gia đình nông dân nghèo nhưng giàu truyền thống yêu nước. Những năm trong quân ngũ của ông là những năm tháng hết lòng cống hiến cho sự nghiệp cách mạng. Đặc biệt những năm ở chiến trường phục vụ chiến đấu dưới lá cờ vinh quang của sư đoàn 470, tuyến vận chuyển chiến lược Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh – đơn vị hai lần anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Hồi ký "Từ dòng sông trong xanh" đã kể về cuộc đời một người  thanh niên nghèo lớn lên bên dòng sông Sỏi xanh mát của miền trung du Yên Thế, Bắc Giang, tháng 3/1959 đã tự chọn một con đường đi riêng cho mình, chia tay dòng sông trong xanh gia nhập quân ngũ để rồi sau này trở thành một đại tá với nhiều chiến công hiển hách.

Những năm tháng ở chiến trường Quảng Trị và trên tuyến đường vận chuyển chiến lược Trường Sơn, ông đã lập được nhiều chiến công.

Những câu chuyện trong cuốn hồi ký đã nêu được một phần sự khắc phục khó khăn để xây dựng đơn vị mới thành lập, các hình thức chiến thuật vận chuyển luôn sáng tạo nghi binh đánh lừa địch, bảo đảm an toàn con đường huyền thoại.

Đó còn là những câu chuyện vận dụng sáng tạo, có hiệu quả trong công tác thu mua lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm và các trang thiết bị khí tài, xăng dầu, máy móc cung cấp cho các đơn vị vận chuyển và bảo đảm đời sống cho bộ đội ta ở chiến trường Tây Nguyên và Nam Bộ.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, từ tháng 8/1988 ông công tác tại Học viện quân sự, nay là Học viện Lục quân làm Hệ trưởng Hệ quốc tế Học viện Lục quân. Hệ Quốc tế gồm có học viên quân đội nhân dân Lào, học viên quân đội Cách mạng Campuchia với số lượng trên dưới 300 người với thời gian học là 2- 3 năm, đào tạo những cán bộ trung, cao cấp cho các nước bạn.

Hồi ký từ dòng sông trong xanh 2
Hồi ký từ dòng sông trong xanh

Trở về đời thường từ năm 1993 nhưng Đại tá Phan Văn Nga không hề nghỉ ngơi, ông tiếp tục tham gia đóng góp xây dựng địa phương. Ông từng là Bí thư chi bộ 9 phường 12 Tân Bình; Trưởng ban điều hành khu phố; Ủy viên BCH Cựu chiến binh phường; chủ nhiệm CLB truyền thống kháng chiến phường 12; ủy viên thường vụ CLB truyền thống kháng chiến quận Tân Bình; ủy viên Ủy ban MTTQVN Phường, quận Tân Bình.

Ông đã có đóng góp rất lớn cho việc hình thành, khu dân cư K300 – Phường 12, Quận Tân Bình từ khi mới thành lập. Là người góp phần trực tiếp giải quyết hệ thống cơ sở hạ tầng, đường, điện nước của khu phố trở thành khang trang như ngày nay.

Theo biên tập viên Phạm Hoài Nam, Nhà xuất bản Thanh Niên, “Từ dòng sông trong xanh” là tất cả kỷ niệm tuổi thơ của tác giả đã sinh ra và nuôi dưỡng một con người kiên cường trong thời chiến, chăm lo chu toàn cho người dân trong thời bình. Khi đã về hưu, bác vẫn chưa nghĩ ngơi trong suốt hơn gần 30 năm qua. Tấm lòng ấy sẽ khác đậm trong tâm trí của bao người".

Thân sinh của Đại tá Phan Văn Nga là cụ Phan Văn Nghiêm, Đảng viên Đảng cộng sản Đông Dương từ năm 1943, chủ nhiệm Ủy ban mặt trận Việt Minh xã Việt Hưng, Trưởng ban tạm cấp ruộng đất huyện Yên Thế tỉnh Bắc Giang.

Ngày 23/3/1959, ông Phan Văn Nga đã tình nguyện nhập ngũ vào đơn vị Trung đoàn 48, sư đoàn 320 đóng quân ở Kiến An, Hải Phòng. Từ người chiến sĩ ông đã phấn đấu trải qua các cương vị tiểu đội trưởng, Trung đội trưởng, trợ lý Quân lực sư đoàn 320, trưởng ban quân lực trung đoàn 64, binh trạm 50, trưởng ban quân lực sư đoàn 470. Năm 1988, ông là Hệ trưởng Hệ quốc tế Học viện lục quân cho đến ngày ra quân.