Khai mạc triển lãm tranh thủy mặc người Hoa 2022 sau 2 năm gián đoạn

(VOH) – Sáng 29/8, triển lãm tranh thủy mặc người Hoa 2022 được khai mạc tại Hội Mỹ thuật TPHCM. Triển lãm kéo dài đến 4/9/2022.

Hoạt động do Hội Mỹ thuật thành phố phối hợp với CLB Mỹ thuật người Hoa tổ chức nhân kỷ niệm 77 năm ngày Cách mạng Tháng 8 thành công và Quốc khánh 2/9. 75 tác phẩm của 41 tác giả được trưng bày tại triển lãm.

Đây là hoạt động thường niên nhưng hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên đã bị tạm gián đoạn. Đây là dịp ra mắt các tác phẩm mới đến công chúng yêu dòng tranh thủy mặc.

Khai mạc triển lãm tranh thủy mặc người Hoa 2022 sau 2 năm gián đoạn 1
Nghi thức cắt băng khai mạc triển lãm.

PGS.TS Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật cho biết: “Đây cũng là dịp để các họa sĩ tranh thủy mặc ở nhiều thế hệ tụ họp sau thời gian dài vừa qua. Đây là những tác phẩm thể hiện nét truyền thống của dòng tranh này như phong cảnh, chim, hoa, muông thú và nhiều tác phẩm khác thể hiện các đề tài hiện đại, cuộc sống con người Việt Nam trong hoạt động thường ngày”.

Khai mạc triển lãm tranh thủy mặc người Hoa 2022 sau 2 năm gián đoạn 2
PGS.TS Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật

Nhiều “cây đa, cây đề” trong làng tranh thủy mặc có tranh tham gia triển lãm có thể kể đến là các họa sĩ Huỳnh Tuần Bá, Lý Khắc Nhu, Trương Lộ…

Ngoài ra, còn có nhiều tranh của họa sĩ trẻ tham gia. Đây là tín hiệu vui trong bối cảnh ngày càng ít đi người kế tục dòng tranh này.

Nghệ nhân Nhân dân Trương Lộ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Mỹ thuật người Hoa cho biết: “Trong các tác phẩm  trình làng lần này, bên cạnh những đề tài truyền thống quen thuộc của tranh thủy mặc, còn có những đề tài đương đại được các tác giả thể hiện từ những chuyến đi thực tế sáng tác, chủ đề về đất nước, con người, xây dựng, phát triển thành phố”.

Khai mạc triển lãm tranh thủy mặc người Hoa 2022 sau 2 năm gián đoạn 3
Một góc triển lãm

Triển lãm lần này có nhiều tác phẩm thể hiện hơi thở đời sống xã hội. Có thể kể đến các tác phẩm Chợ sớm (họa sĩ Trương Gia Tuấn), tranh “Niềm vui cuộc sống” (Thanh Thúy), Bình minh trên bến Bạch Đằng (Lục Hà Kim). Đặc biệt, không hẹn mà gặp, nhiều tác giả chọn chủ đề sinh hoạt, làm việc ở biển để thể hiện nét đẹp của phong cảnh, nét đẹp trong lao động của ngư dân như các tác phẩm Chung sức 1. Chung sức 2 (La Hán Vinh), Làng chài đảo Phú Quốc (họa sĩ Lý Khắc Nhu), tác phẩm Đợi (Hoàng Hồng), Xưởng đóng tàu Vũng Tàu (Hồ Ly Hoa)

Bình luận