Ngành đồ hoạ - cơ hội và thách thức sáng tạo thời công nghệ số

VOH - Vấn đề được đặt ra trong Tọa đàm "Đồ họa và bước phát triển các chất liệu kỹ thuật trong tư duy sáng tạo" do Hội Mỹ thuật TPHCM vừa tổ chức.

Với sự phát triển và tiếp sức của công nghệ, nghệ thuật đồ hoạ nước ta ngày càng thêm phong phú và đa dạng. Các kỹ thuật công nghệ in tiên tiến được áp dụng trong ngành đồ hoạ đã tạo ra những tác phẩm vô cùng đặc sắc.

Theo hoạ sĩ Nguyễn Vũ Lâm, việc áp dụng các phần mềm đồ họa như Photoshop, AI cho phép các nghệ sĩ tạo ra những tác phẩm phức tạp mà không cần đến quy trình thủ công nặng nhọc.

Điều này không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn cho phép sự sáng tạo không giới hạn với việc sử dụng màu sắc, ánh sáng và kết cấu để tạo nên những tác phẩm có chiều sâu và sự tinh tế hơn.

Nhiều phương pháp kỹ thuật và chất liệu sáng tạo tranh in hiện nay đã được các hoạ sĩ đề cập trong toạ đàm như kỹ thuật in khắc gỗ phá bản, kỹ thuật khắc nạo Mezzontint, in đá, in kim loại, in lưới…

Kỹ thuật in hiện đại như in phun, in laser và in 3D đã mở rộng khả năng của các nghệ sĩ đồ họa. Các kỹ thuật này không chỉ nâng cao chất lượng hình ảnh mà còn giúp các tác phẩm nghệ thuật trở nên linh hoạt hơn, hỗ trợ nhiều trong các triễn lãm cũng như kinh doanh.

2504-Hoi My thuat TPHCM toa dam Do hoa-Van Phuc
Tọa đàm "Đồ họa và bước phát triển các chất liệu kỹ thuật trong tư duy sáng tạo" - Ảnh: Văn Phúc

Theo ông Lê Phi Hùng, Phó Trưởng ngành đồ hoạ, Hội Mỹ thuật TPHCM, cần cân bằng giữa hiệu quả kinh tế và giá trị nghệ thuật trong việc tạo ra sản phẩm đồ hoạ.

Ông Hùng nhấn mạnh: “Sử dụng nhiều công nghệ thì giảm được giá thành nhưng điều đó sẽ mang giá trị kinh tế nhiều hơn về nghệ thuật. Còn khi xác định làm nghệ thuật thì thường sản phẩm sẽ ít và quý hơn. Nó mang dấu ấn cá nhân nhiều hơn.”

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Thiện Quân, hội viên Hội Mỹ thuật TPHCM, bày tỏ lo ngại về sự chuyển hướng của ngành đồ họa, từ truyền thống sang các hình thức nghệ thuật khác, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.

Ông cho rằng, ngành này đang dần bị lãng quên, đặc biệt là kỹ thuật in đá, vốn còn nhiều hiểu lầm. 

Tại Việt Nam, các làng nghề truyền thống như Đông Hồ và Làng Sình ở Huế đang dần thu hẹp, với các cơ sở sản xuất tranh chủ yếu ở Hà Nội và TPHCM, trong khi đó các cơ sở tại Huế chỉ sản xuất được số lượng nhỏ các sản phẩm tranh in đồng hoặc khắc gỗ.

KTS Nguyễn Văn Thiện Quân nhấn mạnh: “Độ lan toả, độ truyền thông của môn nghệ thuật này không nhiều. Thậm chí, đến nay ngành in ấn cổ truyền chưa được nhắc tới trong văn bản mỹ thuật.”

Ngành đồ họa Việt Nam đang trải qua một giai đoạn chuyển mình quan trọng, với sự hòa quyện giữa kỹ thuật truyền thống và công nghệ hiện đại, mở rộng khả năng sáng tạo và đổi mới cách thể hiện nghệ thuật.

Tuy nhiên cần các định hướng làm thế nào để công nghệ góp phần rút ngắn và nâng tầm mỹ thuật cho các tác phẩm nhưng vẫn không làm mất đi các giá trị cốt lõi, truyền thống vốn có của ngành đồ họa Việt Nam.