Nguyễn Thùy Dung – người thành lập trang Ngày ngày viết chữ: Mong các bạn trẻ thêm yêu tiếng Việt

(VOH) - Học Bác từ việc yêu tiếng nước mình, tác giả trẻ Nguyễn Thùy Dung đã mày mò, nghiên cứu để vào năm 2016 thì trang "Ngày ngày viết chữ" được thành lập.

Sinh thời, Bác Hồ kính yêu của chúng ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, đó là những tác phẩm văn học, nghệ thuật cổ điển, nghệ thuật truyền thống.

Theo các tư liệu lịch sử, Bác luôn xem các loại hình văn học dân gian như tục ngữ, vè, ca dao… là những viên ngọc quý của dân tộc. Người thường hay dẫn Chinh phụ ngâm, Truyện Kiều, những câu hò, lời ca, điệu ví quen thuộc, rất đặc trưng cho văn nghệ dân tộc để nhắc nhở những người làm công tác văn hóa về thái độ trân trọng vốn di sản văn hóa dân tộc.

Học Bác từ việc yêu tiếng nước mình, tác giả trẻ Nguyễn Thùy Dung đã mày mò, nghiên cứu để vào năm 2016 thì trang "Ngày ngày viết chữ" được thành lập, chia sẻ những câu chuyện đằng sau chữ viết tiếng Việt xưa.

Mới đây, Nguyễn Thùy Dung cho ra đời quyển sách thứ 2 bạn viết Chữ xưa còn một chút này như một kênh cung cấp thêm thông tin về chữ tiếng Việt xưa. Theo Thùy Dung, đó không phải là công trình gì đó quá to tát mà chỉ là chút đóng góp nhỏ nhoi để giúp cho các bạn trẻ ngày nay thêm yêu và tìm hiểu nhiều hơn tiếng Việt.

Tốt nghiệp thủ khoa Khoa Báo chí Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh) và đang theo học Cao học ngành Việt Nam học, Nguyễn Thùy Dung luôn sự đầu tư, nghiên cứu nghiêm túc vào lĩnh vực ngôn từ.

VOH trao đổi cùng tác giả trẻ Nguyễn Thùy Dung. 

Nguyễn Thùy Dung – người thành lập trang Ngày ngày viết chữ - Mong các bạn trẻ thêm yêu tiếng Việt 1
Ảnh chụp màn hình trang "Ngày ngày viết chữ" của Nguyễn Thùy Dung

*VOH: Duyên cớ nào để bạn thành lập trang "Ngày ngày viết chữ" - trang đang được rất nhiều bạn theo dõi và tương tác rất tốt?

Nguyễn Thùy Dung: Cơ duyên cũng rất đơn giản. Khoảng 2016, 2017, lmình đang làm content maketing, lúc đó mình viết rất nhiều nhưng rải rác lung tung, cho nên mình nghĩ nên lập một blog để gom bài viết. Trong số những bài viết gom và đăng lại thì tình cờ thấy những bài viết về tiếng Việt được mọi người quan tâm nhiều hơn.

Những bài viết nội dung tiếng Việt mình cũng thích nên lúc đó mình tìm hiểu sâu hơn về tiếng Việt và chia sẻ nội dung về tiếng Việt. Từ từ, trang được phổ biến nhiều hơn.

*VOH: Tôi nghĩ cũng phải có cách gì đó để duy trì trang này lâu dài?

Nguyễn Thùy Dung: Thường là đầu tháng mình sẽ làm kế hoạch trong tháng sẽ làm gì, chậm nhất là cuối tuần này mình đã biết tuần sau đăng bài gì. Mỗi ngày chỉ đăng 1 bài. Cách duy trì là có kế hoạch chứ không phải dạng là bữa nay lo bữa mai, tránh bị động nên duy trì được.

*VOH: Ý nghĩa lớn nhất của trang Ngày ngày viết chữ?

Nguyễn Thùy Dung: Nhiều bạn chia sẻ là nhờ có "Ngày ngày viết chữ" mà mình với tiếng Việt mới yêu lại từ đầu. Hồi giờ nghĩ, mình là người Việt nên không có gì là quan trọng với tiếng Việt lắm.

Nhờ có Ngày ngày viết chữ mà mấy bạn thấy là tiếng Việt cũng có nhiều câu chuyện thú vị. Đó là ý nghĩa lớn nhất của Ngày ngày viết chữ.

*VOH: Qua trang Ngày ngày viết chữ và tác phẩm "Chữ xưa còn một chút này" thì thông điệp mà bạn muốn truyền tải đến mọi người, nhất là các bạn trẻ?

Tác giả Nguyễn Thùy Dung: Hầu hết nội dung trong cuốn sách cũng từng đăng tải trên trang. Trước giờ mình cũng không có ý định đem nội dung trên trang ra sách vì đã lên trang thì không ra sách làm gì.

Nhưng, có nhiều bạn nói với mình là tìm lại bài cũ không được, với lại cũng khó theo dõi, nên các bạn hy vọng là có một quyển sách cụ thể hơn để các bạn có thể xem như một quyển tự điển nhỏ nhỏ.

Đồng thời, khoảng đầu 2021 thì Wavebook có tiếp xúc với Dung và nói là mình có thể làm một quyển sách.

Nên từ đầu năm 2021, trong khoảng 3 tháng, mình làm cũng nhanh.

Nội dung trong sách thì ngoài những bài đã đăng thì để tăng giá trị, có một số nội dung mình chưa bao giờ đăng trên trang và cũng sẽ không đăng trên trang để những bạn mua sách có những nội dung riêng.

*VOH: Với một người trẻ mà viết về chữ nghĩa ngày xưa như tên tác phẩm "Chữ xưa còn một chút này" đó cũng là một thách thức. Mình có lo lắng?

Tác giả Nguyễn Thùy Dung: Cũng có nhiều áp lực và mình cũng không có hy vọng là mọi người xem đây như một công trình gì đó quá lớn lao.

Nói cho cùng thì nó qua nhiều khâu, đến khâu kiểm soát hết nội dung rồi xét đi xét lại. Sợ nhất là phát hiện ra lỗi sai, không chỉ về nội dung mà còn về trình bày, đến mức rất căng thẳng.

Áp lực đến mức là mình nghĩ sau này viết tác phẩm hư cấu cho dễ hơn bởi áp lực quá lớn về độ chính xác của nó. Mình chỉ hy vọng cuốn sách này như thông tin nhỏ nhỏ về tiếng Việt, mọi người xem để biết một chút.

*VOH: Với tác phẩm dạng nghiên cứu như thế này thì bạn có thêm sự cố vấn từ các chuyên gia ngôn ngữ hay không?

Tác giả Nguyễn Thùy Dung: Thật ra với tác phẩm này chỉ có mình và các bạn bên Wavebooks cùng nhau làm. Thường là những kiến thức, thông tin mà Dung đã tích lũy lâu dài và cuối cùng là chọn lọc những bài mà mình cảm thấy chắc chắn nhất đưa vào sách thôi.

Nói qua các tên cuốn sách "Chữ xưa còn một chút này" thì đây là câu chuyện xa xưa và có thể có nhiều từ trong này không còn như vậy, nó đã thay đổi rất nhiều.

Hy vọng mọi người xem biết một lát "cắt sâu" hơn của những câu chuyện ngày xa xưa thôi.

Câu “Chữ xưa còn một chút này” là kiểu tập Kiều, là những chữ xưa còn lại một chút, một ít biết được bao nhiêu mình biết, lưu giữ bao nhiêu mình lưu giữ.

*VOH: Dự định sắp đến của Nguyễn Thùy Dung trong năm nay?

Tác giả Nguyễn Thùy Dung: Mối quan tâm của mình là muốn biết chút xíu chuyện xưa thôi. Ví dụ như từ này người xưa đã dùng như thế nào, bài ca dao này người xưa đã tạo nó ra trong bối cảnh nào, mình chỉ muốn tìm hiểu chút chuyện xưa như vậy.

Có lẽ sắp tới mình sẽ làm chút gì đó liên quan đến ca dao.

Mình cũng đã khởi động và nếu nhanh thì có thể tháng 7 này sẽ có sản phẩm. Chưa biết chắc hình thức sẽ là dạng ebook hay sách giấy nhưng mình luôn muốn làm chút gì đó về ca dao Việt Nam.

*VOH: Cảm ơn bạn!