Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Những bà đồ thư pháp trên phố ông đồ

(VOH) - Cứ Tết đến Xuân về, những câu thơ trong bài thơ Ông đồ của thi sỹ Vũ Đình Liên lại vang lên, nhưng nay, hình ảnh “ông đồ” khác hẳn với sự khắc khoải của thi nhân.

Năm nào cũng vậy, cứ đến độ Xuân về, Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM lại tổ chức hoạt động có tên là Phố Ông đồ với sự tham gia của các ông, bà đồ - như một minh chứng hùng hồn cho sự xuyên suốt giữa truyền thống và hiện đại, giữa người xưa và thế hệ trẻ ngày nay. 

Bà đồ chia sẻ niềm vui “cho chữ”

Những ngày này, Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM ngập tràn sắc vàng của hoa mai, sắc hồng của hoa đào trong tiếng nhạc vui tươi, từng tốp nam thanh, nữ tú dập dìu vui xuân, cười nói rộn ràng.

Trang phục được đông đảo bạn trẻ yêu thích trong năm Canh Tý 2020 là áo dài, từ truyền thống đến cách điệu với đủ màu sắc, hoa văn khiến khách tham quan ngỡ như lạc vào vườn hoa đầy sắc xuân.

Tại đây, đông vui và tấp nập hơn cả là những gian hàng viết thư pháp của các ông đồ. Đặc biệt, không chỉ có những ông đồ mà hình ảnh những cô gái trẻ với khăn đóng, áo dài ngồi viết thư pháp đã tạo ấn tượng đẹp cho du khách gần xa.

Bạn Lê Hoa, sinh viên trường Đại học Văn hóa TPHCM cho biết: “Cách đây khoảng 10 năm, em bắt đầu viết thư pháp tại Phố ông đồ - Nhà Văn hóa Thanh niên. Khách hàng hàng ngày càng trẻ và các bạn cũng khá quan tâm tới những nét văn hóa truyền thống của mình”.

"Thâm niên" nhất trong số các "bà đồ" là chị Quách Thu Thanh – Thư Pháp Thiên Thanh. Chị đã tham gia phố ông đồ 8 năm liên tục. Công việc chính của chị là kinh doanh. Tết đến chị sắp xếp việc để ra đây viết thư pháp như một sở thích.

Chị chia sẻ: “Tùy theo khách hàng, có người xin chữ “Bình An”, có người xin chữ “Hiếu” để cầu mong cha mẹ sống lâu trăm tuổi, hoặc xin chữ “Thọ” để đem về quê. Còn người ít tiền thì họ xin chữ “Tài Lộc” để năm nào cũng được nhiều tiền và có khi xin theo ý nghĩ của mỗi người”.

Vừa trao cho khách hàng những nét chữ rồng múa, phượng bay của mình, bà đồ Phạm Thị Thủy Tiên vui vẻ kể về niềm vui khó nói bằng lời vì đã trao tặng đến những người yêu thư pháp một món quà ý nghĩa và nhận lại bằng những nụ cười, lời cám ơn cùng những lời khen tặng. Đây chính là động lực để Thủy Tiên tiếp tục theo đuổi nghề này.

phố ông đồ

Bà đồ Phạm Thị Thủy Tiên đang viết chữ thư pháp cho khách

Thủy Tiên chia sẻ: “Niềm đam mê của em bắt nguồn từ người thầy đã mất của em. Thầy không chỉ dạy em nét chữ mà còn dạy cho em rất nhiều thứ về cuộc sống. Em rất yêu quý thầy vì thầy là người đầu tiên truyền cảm hứng cho em và mỗi khi nhắc tới em cảm thấy rất xúc động. Sau khi thầy mất, em mới quyết định ra phố để tiếp tục thay thầy viết chữ, đồng thời truyền lửa đến mọi người, để mọi người có thể yêu thư pháp nhiều hơn. Đặc biệt trong không khí Tết như thế này, em rất hạnh phúc khi được ra đây được giao lưu với tất cả mọi người”.

Mang niềm vui Tết cho mọi người

Tại Phố ông đồ, các khu vực thư pháp, thư họa, câu đối chúc xuân, tranh ảnh nghệ thuật… được bài trí đẹp mắt, thu hút đông đảo người tham quan. Không chỉ vậy, những món đồ lưu niệm, móc khóa, tranh truyền thần... cũng được bày bán.

Bà Đoàn Minh Thu, từ Hà Nội vào ăn Tết ở TPHCM với con trai không khỏi choáng ngợp về hình ảnh những ông đồ, bà đồ trẻ đẹp. Đến đây bà như được trở lại thời thơ ấu mà tưởng như chuyện đi xin chữ hay được thấy hình ảnh ông đồ xưa đã mai một

“Ông đồ bây giờ văn minh hơn. Tôi nhờ ông đồ viết sớ để gia đình cầu tài cầu lộc vì trong này các ông viết rất tốt. TPHCM có nhiều tiến bộ, có nhiều đổi mới. Ông đồ ngày trước toàn ông đồ già ngoài 70, nhưng ông đồ bây giờ trẻ lắm. Trẻ đẹp trai và ăn mặc cũng rất đẹp. Hôm nay tôi vào TPHCM xin chữ để làm kỷ niệm đáng quý. Năm mới gia đình mạnh khỏe, an khang, thịnh vượng là những lời chúc tốt đẹp” – bà Thu chia sẻ.

Du xuân và xin chữ thư pháp trên phố ông đồ với hy vọng sang năm mới được thuận lợi trong công việc, gia đạo hạnh phúc, bình yên, bạn Huỳnh Bội Ngọc mong muốn: “Em đến đây để xin chữ Phúc Lộc với mong muốn cho ba mẹ em có sức khỏe dồi dào, năm mới bình an, hạnh phúc. Riêng bản thân em, em mong muốn có được tình duyên mới vì năm nay em cũng đến tuổi lập gia đình”.

phố ông đồ

Bạn Huỳnh Bội Ngọc (áo dài xanh) du xuân và xin chữ trên phố ông Đồ Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM

Khách đến tham quan Phố ông đồ muốn sở hữu những bức tranh thư pháp sẽ được đáp ứng một cách nhanh chóng tùy theo nhu cầu sở thích. Chẳng hạn như, có thể chọn tranh chữ Lộc với đa lộc đa tài, đa phú quý. Chữ nhẫn với lắng lòng nhẫn một chút thôi sẽ nghe trời đất mở lời yêu thương. Gia đình - người ta có nhiều nơi để đến nhưng chỉ có một nơi để quay về. Tâm - mở rộng thanh xa lòng thanh thản, an vui tự tại đời thong dong.

Không gian của các phố ông đồ giữa lòng TPHCM cũng là nơi thu hút khá nhiều sự chú ý của khách nước ngoài trong những ngày họ lưu lại Việt Nam, đúng dịp Tết cổ truyền của người Á Đông. Đó cũng là nơi những du khách tìm hiểu văn hóa và phong tục tập quán của người dân Việt.

Năm nay ngoài các gian hàng viết chữ thư pháp, Nhà văn hóa Thanh niên còn tổ chức khu vực biểu diễn văn hóa truyền thống, trưng bày thư pháp, thể hiện quang cảnh trường thi với nhà thập đạo, chòi canh, lều chõng.

Điều đặc biệt là khách tham quan được chủ động tham gia làm giấy dó, tranh dân gian, gốm sứ, mây tre đan, cói, thêu dệt, chạm khắc gỗ, nặn tò he, vẽ tranh... vốn là những trò chơi dân gian chỉ xuất hiện trong Tết cổ truyền.

Đi bộ chia sẻ đồng bào khó khăn đón xuân Canh Tý 2020 - Sáng nay 18/1, tại đường Tân Trào, khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng khai mạc chương trình đi bộ từ thiện Lawrence S. Ting lần thứ 15 - năm 2020.

Triển lãm báo đầu xuân Canh Tý năm 2020 - Triển lãm Báo đầu Xuân 2020 tại không gian huyện đoàn Hóc Môn với sự tham gia của hơn 100 cơ quan báo chí cùng những ấn phẩm được thiết kế đẹp mắt.

Bình luận