Những nét đặc trưng ngày Tết miền Tây Nam Bộ

(VOH) – Tết cổ truyền ở miền Tây Nam Bộ tràn ngập sắc vàng của hoa mai, nồi thịt kho tàu thơm phức… và rất nhiều những nét đặc trưng, khó lẫn vào đâu được.

Không khí những ngày cận Tết đang lan tỏa khắp mọi miền đất nước. Ở miền Bắc hoa đào đang đua nở, thì miền Nam sắc mai cũng tô điểm đất trời. Với miền Tây Nam Bộ, ngày Tết cổ truyền cũng có những điều rất đặc trưng vô cùng thú vị.

1. Hoa mai vàng ngụ ý một năm may mắn

Những nét đặc trưng ngày Tết miền Tây Nam Bộ 1
Hoa mai vàng là loài hoa tượng trưng cho Tết miền Nam - Ảnh: Internet

Nếu miền Bắc có hoa đào đỏ thắm, thì hoa mai chính là loại hoa không thể thiếu trong cái Tết của người miền Nam, trong đó có miền Tây Nam Bộ.

Hoa mai vàng, thường được ví von với từ “may” trong may mắn. Do đó, với nhiều người, ngày Tết nếu có một cành mai trong nhà thì sẽ mang lại nhiều may mắn.

Ở miền Tây, hầu như nhà nào cũng trồng một hoặc nhiều cây mai. Các gia đình sẽ bắt đầu lặt lá mai vào khoảng ngày 15 – 16 tháng Chạp, để mai có thể nở hoa đúng vào ngày Tết. Ngoài hoa mai, người dân miền Tây còn trồng xung quanh nhà nhiều chậu hoa khác như cúc đồng tiền, vạn thọ, hoa mào gà…

2. Món thịt kho tàu (thịt kho hột vịt)

Những nét đặc trưng ngày Tết miền Tây Nam Bộ 2
Mỗi gia đình miền Tây đều có món thịt kho tàu ngày Tết - Ảnh: Internet

Không biết từ bao giờ, món thịt kho hột vịt luôn luôn xuất hiện trong bữa ăn của hầu hết các gia đình miền Tây mỗi khi Tết đến. Thịt thường được thái to, đem nấu chung với nước dừa xiêm và hột vịt. Món ăn này vừa có thể dùng để cúng ông bà tổ tiên, vừa để gia đình ăn và đãi khách. Hơn thế, ngụ ý của món thịt kho tàu còn là sự vuông tròn toàn vẹn, may mắn và sung túc cho gia chủ trong năm mới.

Bên cạnh nồi thịt kho tàu, trong bữa cơm gia đình ở miền Tây còn có nồi khổ qua hầm với mong muốn mọi điều khó khăn trong năm cũ đều qua đi.

3. Bánh tét Nam Bộ

Những nét đặc trưng ngày Tết miền Tây Nam Bộ 3
Nhiều gia đình sẽ có truyền thống nấu bánh Tét ngày xuân - Ảnh: Intermet

Bánh tét cũng là một món bánh truyền thống ở miền Tây Nam Bộ. Món bánh này thường được dâng lên bàn thờ để cúng tổ tiên trong những ngày Tết.

Bánh tét thường được gói bằng lá chuối, bên trong có gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn và gói thành hình trụ dài. Bên cạnh đó, nếu là bánh tét nhân ngọt thì phần nhân bên trong sẽ là chuối chín hoặc đậu xanh. Món bánh này thường được nấu vào tối ngày 29 Tết, cả gia đình vừa gói, vừa nấu, vừa canh nồi bánh tét suốt đêm tạo nên một hình ảnh vô cùng ấm cúng trong những ngày Tết.

4. Đón giao thừa và lễ cúng tổ tiên

Những nét đặc trưng ngày Tết miền Tây Nam Bộ 4
Mâm cúng giao thừa cuối năm cũng là nét đặc trưng ở miền Tây Nam Bộ - Ảnh: Internet

Phần lớn các gia đình miền Tây, vào ngày 30 tháng Chạp sẽ làm một mâm cơm cúng tổ tiên, gọi là lễ “rước ông bà”.

Theo truyền thống, lễ vật cúng giao thừa, ngoài hương hoa quả phẩm thì còn có thêm quả dừa, bánh tráng và con gà trống luộc.

Trong mâm cơm cúng tất niên chiều 30 Tết thường sẽ có đầy đủ mọi người thân trong gia đình, để đến thời khắc giao thừa, cả nhà sẽ quây quần bên nhau, chia sẻ mọi buồn vui của năm cũ, cùng thưởng thức những món ăn ngon giúp gạt bỏ mọi ưu phiền và thắt chặt thêm tình thâm.

Ngoài ra, trong những ngày đầu năm mới, người miền Tây cũng có một số kiêng kỵ để năm mới luôn gặp may mắn, đó là:

  • Trước 29 Tết, các lu, hũ chứa gạo, muối, nước sẽ được đổ đầy với ngụ ý có một năm mới được đầy đủ.
  • Nhà cửa sẽ được dọn dẹp sạch sẽ trước tết và kiêng quét rác trong 3 ngày Tết, bởi quét rác đồng nghĩa quét bỏ đi hết lộc trong nhà.
  • Không mặc quần áo đen, trắng hay làm vỡ đồ đạc… trong 3 ngày Tết vì đó được cho là điều không may mắn.
  • Dù bôn ba ngược xuôi, con cháu đều phải về kịp trước lúc giao thừa nếu không năm sau sẽ phải vất vả ngược xuôi.
  • Khách đến nhà nếu được mời cơm thì không nên từ chối để tránh hiềm khích về sau.

Có thể thấy, phong tục đón Tết cổ truyền ở miền Tây Nam Bộ có đôi chút khác biệt so với những vùng miền khác, nhưng chung quy lại vẫn giữ được sự chỉnh chu, tươm tất, độc đáo và có phần dân dã. Đồng thời thể hiện được nét đặc trưng của người dân vùng sông nước.