Các nước gọi năm Thỏ, vì sao chỉ có Việt Nam gọi năm Mèo?

(VOH) - Trong danh sách con giáp và năm âm lịch của nhiều nước châu Á khác, năm nay là năm con thỏ. Chỉ có Việt Nam có năm âm lịch là năm mèo.

Sự khác biệt này được lý giải do trong quá trình tiếp nhận lịch Can - Chi, người Việt đã có sự biến đổi cho phù hợp với địa lý và văn hóa của mình.

Có một câu chuyện dân gian về 12 con giáp khởi nguồn từ văn hóa Trung Hoa:

Vào ngày đầu tiên của năm mới, Ngọc hoàng đại đế muốn chọn ra 12 con vật làm vị thần đại diện cho mỗi năm. Nhiều con vật muốn tham gia. Con mèo và con chuột lúc đó là bạn tốt.

Ngày 30 giáp Tết, mèo nhờ vả chuột đánh thức nó vào ngày hôm sau để cùng nhau đi tiến cử. Nhưng không ngờ, chuột đã âm thầm đi một mình, khiến mèo mất cơ hội, vì vậy không có mèo trong 12 con giáp Trung Quốc. 

Riêng với sự tích 12 con giáp của Việt Nam thì mèo và chuột cùng đi thi. Khi đi ngang con sông lớn, cả hai phải nhờ trâu để quá giang. Giữa dòng, chuột lựa lúc mèo sơ ý bèn đạp mèo ngã xuống sông, còn trâu cõng chuột đến cửa thiên đình sớm nhất.

Lúc ấy cửa hé mở và chuột đã nhanh nhẹn lẻn vào trước, trâu chậm hơn đành xếp thứ hai. Riêng phận mèo may mắn khi rớt xuống sông thì gặp hổ cứu và cặp này chiếm vị trí thứ ba và tư trong 12 con giáp.

Cái kết của sự tích 12 con giáp ở Việt Nam hay các nước đều giống nhau: mèo có "thù oán" với chuột đều do cuộc thi này mà ra.

12 con giáp là một phần quan trọng trong văn hóa Việt và nhiều nước trên thế giới cũng có văn hóa con giáp.

Các nước gọi năm Thỏ, vì sao chỉ có Việt Nam gọi năm Mèo?

Văn hóa con giáp trên thế giới

Người ta không biết văn hóa con giáp bắt nguồn từ đâu và khi nào. Một số thông tin cho rằng con giáp có thể được bắt nguồn từ thời Sumer (một nền văn minh cổ đại ở phía nam Lưỡng Hà, bao gồm vùng đồng bằng rộng lớn nằm giữa sông Tigris và Euphrates, phía Đông Nam giáp vịnh Ba Tư) cách đây 5.500 năm.

Babylon cổ đại, Ai Cập cổ đại và Ấn Độ cổ đại, cùng với Trung Quốc cổ đại là "4 nền văn minh cổ đại" của thế giới đều có hệ thống con giáp riêng.

Sau khi so sánh, có thể thấy rằng 12 con giáp ở Ấn Độ cổ đại giống với ở Trung Quốc nhất, và thứ tự cũng giống nhau, ngoại trừ Ấn Độ dùng sư tử thay vì hổ và Garuda thay vì gà.

Trong đó, Garuda hay Kim sí điểu (Chim cánh vàng) hay Ca-lâu-la là một loài chim thần trong Ấn Độ giáo và ảnh hưởng sang Phật giáo. Theo ghi chép của thần thoại Ấn Độ, 12 con giáp vốn là vật cưỡi của 12 vị thần.

Người xưa tạo ra 12 con giáp, tương ứng với 12 địa chi (Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi), cũng có thể ghi lại giờ, ngày và tháng. Do đó, con giáp được lan truyền đến nhiều nơi, sẽ thay đổi do các phương pháp tính thời gian khác nhau ở khu vực địa phương.

Ngày nay, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Việt Nam ở châu Á và Mexico ở châu Mỹ đều có văn hóa con giáp. Các cung hoàng đạo ở Nhật Bản và Hàn Quốc về cơ bản giống như ở Trung Quốc.

Myanmar cũng có các con giáp, nhưng có rất nhiều sự khác biệt. Myanmar có 8 con giáp và người Myanmar xác định các con giáp từ thứ 2 đến chủ nhật theo ngày sinh.

Các nước châu Âu không có con giáp nhưng lại có mười hai chòm sao, được dùng để đại diện cho thiên phú và tính cách của người sinh ra trong khoảng thời gian tương ứng.

Các nước gọi năm Thỏ, vì sao chỉ có Việt Nam gọi năm Mèo?

Vì sao "thỏ" được thay bằng "mèo" trong 12 con giáp Việt Nam?

Câu chuyện về Ngọc hoàng chọn 12 con vật để làm vị thần cho mỗi năm chỉ là một truyền thuyết. Nhưng trên thực tế theo nhiều nghiên cứu, sở dĩ không có con mèo nào trong việc lựa chọn con giáp của Trung Quốc là do việc thuần hóa mèo ở quốc gia này tương đối muộn.

Trước thời nhà Hán, số lượng mèo rừng rất ít, chúng chủ yếu hoạt động trong tự nhiên, không gần gũi với con người nên trong 12 con giáp của Trung Quốc không có mèo.

Mèo không có vị trí trong con giáp Trung Quốc, nhưng lại là đứng vị trí thứ tư trong 12 con giáp Việt Nam thay thế vị trí của con thỏ.

Các nước gọi năm Thỏ, vì sao chỉ có Việt Nam gọi năm Mèo?

Có nhiều lý giải khác nhau về việc trong văn hóa Việt, mèo là con vật đại diện cho năm mão.

Trong tiếng Trung Quốc, hai từ này khác nhau về dấu, nhưng về ngữ âm thì "mèo" (măo) và mèo (máo) có cách đọc giống nhau, đều là mao. Trong "Việt Nam tự điển", chữ "mão" - nghĩa là con thỏ - lại được dùng để chỉ con mèo.

Dù xuất phát từ ý niệm về Thập Nhị chi (12 con giáp), song có lẽ do yếu tố môi trường tự nhiên nên người Việt đã biến cải cho phù hợp với môi trường sống của mình.

Sim Sang Joon, Giám đốc Trung tâm Giao lưu văn hoá Việt - Hàn, cũng giải thích rằng mèo tuy không phải loài vật nằm trong Thập Nhị Chi nhưng lại được ghi âm chữ Hán giống với con thỏ (máo - âm Hán Việt là miêu).

Ở Việt Nam, điều kiện môi trường thuận lợi cho loài mèo phát triển mạnh hơn hẳn thỏ. Vì Việt Nam là văn hóa thảo mộc chứ không phải văn hoá thảo nguyên.

Nếu thảo nguyên là môi trường có những đồng cỏ mềm mượt, mà các loài động vật có thể thoả sức ăn thành từng bầy đàn, thảo mộc lại là môi trường phong phú đa dạng các thảm thực vật đan xen lẫn nhau.

Các nước gọi năm Thỏ, vì sao chỉ có Việt Nam gọi năm Mèo?

Mặt khác, ở Việt Nam, thỏ vốn không phổ biến và thân thuộc, chỉ được coi là loài hiền lành, dễ thương. Trong khi mèo được mệnh danh là "tiểu hổ" và gần gũi với đời sống các gia đình.

Mèo còn xuất hiện trong ca dao, tục ngữ, các bài hát... Mèo cũng có tài bắt chuột, giúp ích nhiều cho các gia đình, đặc biệt trong nền kinh tế nông nghiệp.

Một lý giải khác cho rằng thay thế thỏ bằng mèo trong 12 con giáp đã được chấp thuận rộng rãi và hợp lý. Theo Reuters, thỏ là một loài gặm nhấm, chuột (Tí) cũng là loài gặm nhấm, trong khi 12 con giáp cần độc nhất và khác biệt.

Mèo còn tạo ra thế đối xứng với chó (Tuất). Theo thuyết âm dương, điều này tạo ra thế cân bằng, giúp giải quyết các mâu thuẫn, dung hòa các mặt đối lập và khiến vòng tròn hoàng đạo cân bằng hơn.