Những lý do khiến du khách không hào hứng đi du lịch châu Á vào dịp Tết Nguyên đán

(VOH) - Theo Post magazine, nhiều khách du lịch đánh giá Tết Nguyên đán là thời điểm tồi tệ nhất để đi du lịch ở châu Á. Đâu là nguyên do?

Thời điểm giao thông quá tải

Tết Nguyên đán được đánh giá là một trong những lễ hội lớn nhất hành tinh tuy nhiên đây cũng là thời điểm “di cư” lớn nhất năm tại các nước châu Á. Do đó, đây không phải là thời điểm “hay ho” để khách du lịch tới khu vực này.

Tại Trung Quốc, trong mùa Tết, dự kiến có khoảng 2,99 tỉ người Trung Quốc di chuyển trên các phương tiện giao thông về quê ăn Tết. Năm 2019, dự báo có đến 4.787 chuyến tàu lửa đưa hàng trăm triệu người Trung Quốc về nhà đón Tết và 4.860 chuyến cho khoảng thời gian sau Tết quay lại đi làm. Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc ước tính có đến 532.000 chuyến bay trong vòng một tháng Tết năm 2019.

tết nguyên đán, tết cổ truyền

Cảnh chờ đợi ở ga tàu là nỗi ám ảnh của nhiều du khách đến Trung Quốc dịp Tết (Ảnh: Vice)

Công ty du lịch trực tuyến lớn nhất Trung Quốc - Ctrip, từng dự đoán rằng có khoảng 400 triệu người Trung Quốc sẽ đi du lịch trong nước để chào mừng năm mới, 7 triệu người khác lại chọn đi đón Tết, du xuân ở nước ngoài.

>>> Trung Quốc đã bán hơn 300 triệu vé tàu về quê ăn Tết

Không chỉ Trung Quốc, người Hàn Quốc cũng tham gia vào cuộc “di cư” hàng loạt vào dịp năm mới, tuy nhiên quy mô ít gây chú ý so với Trung Quốc. Ước tính, có khoảng 33 triệu người Hàn Quốc trở về nhà đón Tết bằng đường sắt.

Tại một số quốc gia châu Á khác như Việt Nam, Singapore, Malaysia…, Tết Nguyên đán cũng là dịp "đi để trở về" khiến hệ thống giao thông công cộng bị tắc nghẽn, căng thẳng cả ở dưới đất lẫn trên trời - khiến việc đi lại của du khách du lịch cũng trở nên... khốn khổ theo.

Thời điểm vé máy bay tăng giá

Vào dịp Tết Nguyên đán, giá vé máy bay tại khu vực châu Á có xu hướng tăng do nhu cầu đi lại tăng cao. Thống kê năm 2018, các chuyến bay từ Hồng Kông đến Đài Bắc dịp Tết đắt hơn 14% so với ngày thường, và giá vé đi Bangkok cũng tăng 19% trong thời điểm này.

Tại Việt Nam, do nhu cầu đi lại dịp Tết ở mức cao nên các hãng hàng không đã tăng thêm hàng nghìn chuyến bay để phục vụ, tuy nhiên những ngày cao điểm trước và sau Tết, giá vé máy bay có giá khá cao so với ngày thường – và con số thì chẳng ai thống kê được.

Thời điểm đường vắng, quán vắng

Nếu việc đi lại không phải là khó khăn, xếp hàng dài thiệt dài ở sân bay không phải là vấn đề, giá vé máy bay tăng không phải là trở ngại, thì lý do sau đây khiến không ít du khách “chùn bước”. Vào dịp Tết Nguyên đán tại châu Á, hầu như các quán bar, nhà hàng và cửa hàng ăn uống đóng cửa, đường phố vắng tanh. Rất ít, quán hàng mở cửa dịp Tết do nhân viên cũng về quê ăn Tết.

tết nguyên đán, tết cổ truyền

Du khách nước ngoài trải nghiệm Tết Việt

Do đó, chỉ có những du khách yêu thích sự mới lạ mới bất chấp tất cả đến châu Á trải nghiệm chuyến du lịch vào dịp Tết Nguyên đán truyền thống. Chắc chắn với họ, đây sẽ là chuyến du lịch khám phá và cảm nhận văn hóa truyền thống, chứ không phải là kỳ nghỉ ồn ào, sôi động, quậy tưng như những du khách trẻ mong chờ.

Cán bộ, công chức ở TPHCM được nghỉ Tết Nguyên đán 7 ngày, từ 23-29/1/2020 - UBND TPHCM có thông báo về việc treo cờ Tổ quốc và nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020.

Thời tiết Tết Nguyên đán: Bắc Bộ rét đậm, mưa nhiều - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tháng 1/2020 sẽ có khoảng 4-5 đợt không khí lạnh, trong đó rét đậm, rét hại tập trung vào nửa cuối tháng – thời điểm Tết nguyên đán.