Thông tin đăng tải trên tạp chí Antiquity, hôm 21/2, các nhà khoa học tìm thấy một mảnh sừng hươu khác thường ở một địa điểm dọc sông Mekong, Việt Nam, có thể là một trong những nhạc cụ dây lâu đời nhất từng khai quật ở Đông Nam Á.
Cũng theo trang IFLScience, hiện vật được phát hiện giống như đàn cò một dây và có thể là tiền thân của những nhạc cụ phức tạp mà đến nay vẫn được sử dụng ở Việt Nam.
Hiện vật bao gồm một miếng sừng hươu dài 35cm có lỗ ở một đầu để làm chốt, có thể được dùng để điều chỉnh dây giống như các phím trên đầu đàn guitar. Sợi dây đã mòn mất từ lâu nhưng vẫn còn một bộ phận gọi là “ngựa” đàn, có lẽ từng dùng để đỡ sợi dây.
Các nhà khảo cổ từ Đại học Quốc gia Australia (ANU) và Bảo tàng Long An kết luận vật thể này gần như chắc chắn là một nhạc cụ có dây được gảy để tạo ra âm thanh.
Nhà nghiên cứu chính Fredeliza Campos, nghiên cứu sinh tại ANU, cho biết, “không có lời giải thích hợp lý nào khác về cách sử dụng của nó”. Ngoài ra Campos cũng cho rằng, đây là một trong những ví dụ cổ xưa nhất của loại nhạc cụ có dây ở Đông Nam Á.
Chiếc sừng nhiều khả năng thuộc về hươu Sambar hoặc hươu vàng, hai loài bản địa Đông Nam Á. Niên đại của hiện vật cũng được xác định là khoảng 2.000 năm tuổi và thuộc nền văn hóa tiền Óc Eo dọc theo sông Mekong của Việt Nam.
Để hiểu rõ hơn về văn hóa âm nhạc của Việt Nam cổ đại, các nhà nghiên cứu đã sàng lọc danh mục hơn 600 hiện vật bằng xương được tìm thấy trong khu vực. Kết quả cho thấy, chiếc đàn sừng hươu phù hợp với danh mục đưa ra và chúng tương ứng với các nhạc cụ đương đại của Việt Nam, ví dụ như: đàn Bro JoRai (đàn brố của người Ê Đê), đàn Co Ke (đàn nhị hay đàn cò, có mặt khắp Việt Nam) và đàn K'ny (đàn vĩ cầm miệng của người Jrai).