Tiêu điểm: Nhân Humanity

Phát triển văn hóa đọc là quyết tâm của Chính quyền và người dân Thành phố

(VOH) - Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ I cấp Quốc gia được tổ chức từ ngày 19 đến 24/4 trên đường Nguyễn Huệ, Quận 1, TPHCM, với hơn 20 nhà xuất bản, phát hành trong cả nước tham dự.

Hơn 500 ngàn tựa sách và các mô hình xuất bản, phát hành sách điện tử, sách nói, thư viện thông minh của các đơn vị tham gia cùng nhiều hoạt động ý nghĩa, đặc sắc. Về các hoạt động cũng như điểm mới nổi bật tại Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ I cấp Quốc gia, Ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM có trao đổi với Đài TNND TPHCM về sự kiện này:

* VOH: Thưa ông, năm nay, Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất toàn quốc được tổ chức Thành phố Hồ Chí Minh, với rất nhiều hoạt động. Vậy trong chuỗi hoạt động đó thì hoạt động nào là trọng tâm, nổi bật?

Ông Lâm Đình Thắng: năm nay chúng tôi lấy chủ đề là "Sách và chuyển đổi số". Có 2 hoạt động trọng tâm là chuyển đổi số của ngành xuất bản và thứ hai là không gian Hồ Chí Minh. Qua đó sẽ chuyển tải thông điệp về chuyển đổi số, sự thay đổi mạnh mẽ của ngành xuất bản, và kể cả văn hóa đọc đến với người dân, với thanh thiếu nhi Thành phố. Và chúng tôi cũng mong muốn thông qua không gian Hồ Chí Minh để người đọc, nhân dân Thành phố hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh.

* VOH: Vấn đề chuyển đổi số tại các đơn vị xuất bản, phát hành trên địa bàn Thành phố thì ông đánh giá như thế nào?

Ông Lâm Đình Thắng: Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, không phải chỉ ngành xuất bản mà cho tất cả lĩnh vực trong đời sống xã hội. Trong khoảng 2 năm trở lại đây, ngành xuất bản bắt đầu tiếp cận rất sâu và tìm kiếm những giải pháp mô hình để chuyển đổi số rất thành công. Và chúng tôi cho rằng ngành xuất bản lao vào tìm giải pháp để chuyển đổi số để có thể tồn tại, phát triển ở thương trường đầy khốc liệt như hiện nay và kể cả đáp ứng nhu cầu đọc sách là đang thay đổi rất lớn trong thanh thiếu nhi, trong người dân Thành phố. Từ năm vừa rồi thì ngành xuất bản của Thành phố đang rất quan tâm đến vấn đề này. Chúng tôi cho rằng các đơn vị xuất bản phát hành đã có giải pháp bước đầu thành công. Đặc biệt, trong đợt dịch covid 19 vừa rồi thì nó cung cấp nhiều điều kiện để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn. Toàn bộ qui trình từ biên tập, sản xuất, phát hành, nghiên cứu thị trường đã được số hóa gần như toàn diện. Chính những việc này tổng hợp và giúp các đơn vị đó đưa ra quyết định đáp ứng nhu cầu bạn đọc nhanh chóng. Và chúng tôi cho rằng là những giái pháp đó ngày càng phát huy hiệu quả.

Phát triển văn hóa đọc là quyết tâm của Chính quyền và người dân Thành phố 1
TPHCM có nhiều hoạt động khuyến khích văn hóa đọc. Ảnh minh họa: PN

* VOH: Và sự hỗ trợ từ Sở Thông tin - Truyền thông đến các đơn vị thì được triển khai ra sao ạ?

Ông Lâm Đình Thắng: Thứ nhất về chuyển đổi số tổng thể của Thành phố thì chúng tôi tham mưu cho lãnh đạo Thành phố thì có quan tâm chỉ đạo, thúc đẩy các đơn vị phát hành chuyển đổi số. Thứ hai, chúng tôi cố gắng kết nối giới thiệu các doanh nghiệp số cung cấp các nền tảng thông qua các hiệp hội, để các nhà xuất bản, các đơn vị phát hành có thể đặt hàng, để các doanh nghiệp số đó người ta nghiên cứu. Hai là nếu các doanh nghiệp số đó có các nền tảng hoặc sản phẩm thì các doanh nghiệp xuất bản, phát hành cũng có thể khai thác, sử dụng các sản phẩm ứng dụng đó.

Phát triển văn hóa đọc là quyết tâm của Chính quyền và người dân Thành phố 2
Ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM

* VOH: Dạ, và về phát triển văn hóa đọc thì TPHCM chúng ta có rất nhiều cách để tạo dựng thói quen đọc sách. Ông đánh giá như thế nào về kết quả đạt được thời gian qua?

Ông Lâm Đình Thắng: Chúng tôi cho rằng việc phát triển văn hóa đọc, tạo dựng văn hóa đọc là sự quan tâm rất kiên trì và quyết tâm của cả hệ thống chính trị của chúng ta, kể cả sự tham gia của doanh nghiệp xuất bản, doanh nghiệp phát hành, và người dân Thành phố trong suốt thời gian dài vừa qua. Sự đầu tư đó thể hiện kết quả rất tích cực. Tại khu vực Trung tâm của TPHCM thì có những khu vực, không gian dành riêng cho văn hóa đọc. Ví dụ như TPHCM là một trong những nơi tổ chức thành công Đường sách Thành phố. Chúng ta duy trì được Lễ hội đường sách tết qua 12 năm. Vừa rồi thì cũng được Bộ Thông tin - Truyền thông đánh giá cao, nhân rộng mô hình ra khắp cả nước. Ngoài ra các chương trình xuyên suốt trong năm như các thư viện cho các trường học, các tiết đọc sách, các chương trình phối hợp giữa Hội xuất bản, hội đoàn, các tổ chức đoàn thể khác và ngành thông tin truyền thông thì phổ biến và nâng cao văn hóa đọc cho người dân Thành phố, vẫn được duy trì xuyên suốt, thường xuyên. Chúng tôi cho rằng những việc làm đó nó hình thành nên không gian xuất bản, văn hóa đọc phát hành sách rất sôi động, có hiệu quả thực chất. Trong thời gian vừa qua, không chỉ những đối tượng có điều kiện mua sách hoặc các đối tượng ở trung tâm Thành phố có điều kiện hưởng thụ sách mới được quan tâm mà Thành phố rất quan tâm đến vùng xa vùng khó khăn, các huyện ngoại thành. Ví dụ Thành phố định kì hàng năm dùng ngân sách Thành phố để hỗ trợ sách cho các huyện nghèo. Điều này diễn ra đều đặn hàng năm. Thành phố phối hợp với các Nhà xuất bản xây dựng các tủ sách thể loại sách phù hợp với các đối tượng thanh thiếu nhi, người dân trên địa bàn. Kể cả cho giáo viên, công chức các địa bàn huyện, để từ đó xây dựng văn hóa đọc cho bà con, nhân dân tại đây.

* VOH: Cảm ơn ông rất nhiều!

Bình luận