Tạo nếp sống lành mạnh qua trang sách

(VOH) - Đời sống tinh thần người dân lúc này rất cần được quan tâm và hơn hết, chính bản thân mỗi người phải tự tìm cách cân bằng.

Theo các tác giả thì họ đã tìm đến sách như là cách tốt nhất để tạo nên nếp sống lành mạnh cho bản thân và lan tỏa điều tốt đẹp đến xung quanh.

Bộ Y tế từng cảnh báo, trong thời kỳ dịch bệnh dài đằng đẵng suốt 2 năm qua, mỗi ngày chúng ta đều thấy tràn ngập những con số đong đếm được như: ca mắc, ca nặng, tử vong, số người khỏi bệnh… Nhưng còn một thứ vô hình - những hậu quả gián tiếp của đại dịch thì không thể thống kê.

Đó là stress, là những sang chấn tâm lý nặng nề, kéo dài, gây ra nhiều rối loạn tâm thần.

Điều này là điều khó khăn mà mỗi người phải vượt qua. Theo nhà văn Đàm Hà Phú, trong chính những khó khăn ấy, từ chính những thách thức ấy thì thái độ sống lạc quan tích cực sẽ đóng vai trò lớn, quyết định chất lượng đời sống tinh thần của mình.

Theo nhà văn, đọc sách và viết ra những câu chuyện để chia sẻ, để lan tỏa sự tích cực đến cho mọi người, đã được đa số tác giả lựa chọn. Đến với sách cũng sẽ làm cho chính mình hạnh phúc.

đọc sách
Đến với sách, đọc sách, viết sách là những cách khiến cho mỗi người trở nên hạnh phúc.

Nhà văn Đàm Hà Phú chia sẻ: “Tâm lý lo âu, buồn phiền sợ hãi cũng không giúp ích gì do đó nên chọn thái độ lạc quan thôi. Lan tỏa những năng lượng tích cực đến cho mọi người. Mình thích viết những status cho vui và mọi người cũng rất thích. Mình cố gắng viết cho vui. Vì trong người mình vui, mình sẽ lan tỏa năng lượng tích cực hơn”.

Trong một talkshow mới đây, tác giả Huỳnh Trọng Khang có nói rằng, việc mỗi chúng ta phải trải qua thời gian dài giãn cách phòng chống dịch bệnh quá lâu đã ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm lý của chính bạn và những người thân. Không để tình trạng stress ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thì mỗi người đã tìm cho mình một cách để giải tỏa nó.

Với Huỳnh Trọng Khang thì bạn tìm đến sách như liều thuốc tốt nhất cho mình, gạt bỏ suy nghĩ tiêu cực trong đầu: “Tìm đến mọi người, lắng nghe chia sẻ, cảm thấy mình cũng thuộc một cộng đồng thuộc đám đông. Đọc sách, kết nối và tập viết lại. Viết như cách chữa lành vì mình chỉ có khả năng viết thôi, nên khi mình viết mình cảm giác được chữa lành, bớt tạp nham bụi bẩn”.

Đồng tình với quan điểm này, nhà văn Trần Huy Minh Phương đã đến với sách để tìm “an” trong cuộc sống và một tác phẩm truyện dài đã được anh hoàn thành để đưa đến cho bạn đọc sớm nhất.

Tác giả “Mở lòng thì được tất cả” chia sẻ thêm: “Những gì trước đây mình chưa làm xong do tất bật với cuộc sống thì mình hãy tiếp tục. Tác phẩm sách nào mình chưa đọc thì hãy đọc, thì đó là cách xả stress và không còn nhiều lo lắng. Thứ hai, dự án viết của mình thì hãy tiếp tục viết. Hãy viết, hãy sáng tác sẽ giúp cân bằng bản thân”.

Rõ ràng, qua từng trang viết, từng công việc còn kết nối mỗi người lại với nhau, lắng nghe, thấu cảm nhau nhiều hơn. Với dịch giả Nguyễn Lệ Chi, tìm đến sách, chọn lọc giới thiệu các tác phẩm viết về văn hóa của đất nước để giới thiệu ra bạn bè quốc tế là cách giúp chị và cộng sự của mình nuôi dưỡng, phát triển đời sống tinh thần.

Ngoài ra, ngày nay với sự phát triển của công nghệ thông tin thì tổ chức các buổi webinar cũng là cách mà dịch giả Nguyễn Lệ Chi thực hiện thời gian qua, nhằm đem đến kiến thức cho mọi người và đặc biệt là tránh việc tập trung quá nhiều vào những thông tin tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý: tổ chức các lớp học ngoại ngữ miễn phí để dạy thêm cho các bạn có nhu cầu, tranh thủ thời gian rảnh rỗi để các bạn học thêm, có thêm nguồn thu, có thêm kiến thức, nó không tập trung quá nhiều vào thông tin tiêu cực, không gây ra sự chán nản, tuyệt vọng. Ngoài ra còn tham gia nhiều diễn đàn, buổi hội thảo webinar liên quan đến nâng cao ý thức bản thân trong công việc, liên quan đến vấn đề đào tạo nhân viên… Khi chúng ta luôn làm với tâm trạng phấn khởi, nguồn năng lượng và luôn làm với khát vọng là mình phải sống có ý nghĩa, có ích hơn nữa.

Với khát vọng, chọn cách sống ý nghĩa, thì đó sẽ là nguồn cảm hứng tích cực, lan tỏa đến cho mọi người. Sách sẽ là người bạn tốt nhất, vì trong đó là kho tàng kiến thức và cả những câu chuyện đầy xúc động về vùng đất, về con người, về văn hóa mà tác giả muốn viết ra, kể lại và truyền đạt cho thế hệ.

Khép lại bài viết bằng chia sẻ của nhà văn Đàm Hà Phú - tác giả của quyển "Sài Gòn bao nhớ", mong rằng với các tác phẩm của mình sẽ giúp mọi người tìm được niềm vui, đặc biệt là yêu hơn Thành phố này, yêu hơn con người nơi đây: “Những cuốn sách của mình là những điều mình ghi chép, qua lời kể, qua những việc mình chứng kiến, đa số là câu chuyện thật, những câu chuyện hàng ngày ở Sài Gòn trong suốt những năm mình sống ở đây.

Đối với Sài Gòn như mọi người biết đây không phải là nơi có nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Cái để mọi người nhớ Sài Gòn không phải điều đó mà người ta nhớ Sài Gòn bởi sự hào sảng của con người ở đây, bởi sự bao dung và cách sống giản dị thoải mái.

Do đó những câu chuyện trong sách là những câu chuyện thật hàm chứa tinh thần Sài Gòn, cách sống của người Sài Gòn”.