Trao tặng danh hiệu cho nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú lĩnh vực thủ công mỹ nghệ

(VOH) - Tối 15/12, tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt – Xô, Hà Nội, đã diễn ra lễ trao tặng, truy tặng danh hiệu cho 77 nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã đến dự lễ và trao tặng danh hiệu cho các nghệ nhân.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, coi đây là những “báu vật nhân văn sống” đã lưu giữ tinh hoa của nghề thủ công truyền thống. Các nghệ nhân đã không ngừng sáng tạo để có thêm nhiều sản phẩm, tác phẩm mới có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật cao, vừa phát huy được truyền thống dân tộc vừa thể hiện sức sáng tạo của nghệ nhân trong điều kiện hội nhập quốc tế, góp phần làm rạng rỡ văn hóa Việt trong khu vực và trên thế giới. 

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh với các nghệ nhân nhân dân được vinh danh
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh  trao tặng  danh hiệu cho các nghệ nhân nhân dân được vinh danh. Ảnh SGGP

Từ 92 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu, 4 cá nhân được phong tặng và một cá nhân được truy tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân; 72 cá nhân xuất sắc, đại diện 27 ngành thủ công mỹ nghệ tiêu biểu như thêu, gốm sứ, kim hoàn, đúc đồng, điêu khắc gỗ được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Ðó là những nghệ nhân có nhiều cống hiến, tâm huyết, tận tụy với nghề; có kỹ năng, bí quyết nghề nghiệp đặc biệt trong thiết kế, kỹ thuật chế tác làm ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị kinh tế và mỹ thuật cao, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị nghề thủ công mỹ nghệ của các địa phương, được đồng nghiệp và quần chúng mến mộ.

Theo Bộ Công thương, hiện cả nước có gần 66.000 cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (trong đó có 81 làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ được công nhận) thu hút khoảng 11 triệu lao động tham gia. Các ngành nghề thủ công mỹ nghệ có vai trò rất lớn trong hoạt động kinh tế; thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng, sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ, giúp tăng nguồn thu ngoại tệ, phát triển du lịch đồng thời góp phần bảo tồn giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc. 

Trong khuôn khổ chương trình, Bộ Công thương đã tổ chức Triển lãm ảnh về nghề thủ công mỹ nghệ giới thiệu đến công chúng cống hiến của các nghệ nhân nói riêng và thành tựu của ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam nói chung.