Đây là sự kiện được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). Triển lãm do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội và Công ty cổ phần Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam Toàn cầu (VIETCOM) đồng tổ chức, với 52 tác phẩm sơn mài ấn tượng về phong cảnh quê hương và các địa danh di sản dân tộc.
Triển lãm được chia thành bốn chủ đề chính: "Khởi", "Cội", "Linh" và "Nôi", mỗi chủ đề mang đến những tác phẩm đậm chất văn hóa truyền thống kết hợp yếu tố hiện đại.
Chủ đề "Khởi" mở đầu với 14 bức tranh về các vật dụng trong cuộc sống thường ngày như hoa quả, bình gốm, qua đó họa sĩ Chu Nhật Quang thổi hồn mới vào những đồ vật giản dị, tạo nên sự kết hợp hài hòa giữa màu sắc và chất liệu sơn mài.
Chủ đề "Cội" với 17 tác phẩm tập trung vào di sản văn hóa Việt Nam, bao gồm các địa danh lịch sử như Hoàng Thành Thăng Long, Tháp Rùa, Chùa Một Cột. Qua những hình ảnh như mẹ Âu Cơ và nghệ thuật múa rối nước, tác giả khắc họa tinh thần dân tộc và sự hy sinh thầm lặng của người nông dân.
Chủ đề "Linh" tiếp tục khai thác những nét văn hóa cổ truyền với 9 bức tranh, gợi lên cảnh sân khấu thủy đình, chùa Thầy và các hình ảnh tâm linh như nhà sư, hoa sen – biểu tượng giác ngộ.
Cuối cùng, chủ đề "Nôi" gồm 12 tác phẩm mang lại cảm giác gần gũi về quê hương, đặc biệt qua những tác phẩm về nghệ thuật rối nước – một trong những biểu tượng đặc trưng của nền văn minh lúa nước Việt Nam.
Triển lãm là thành quả lao động và sáng tạo không ngừng của họa sĩ Chu Nhật Quang, người được nuôi dưỡng trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Với sự ảnh hưởng từ ông nội - Nghệ nhân Nhân dân Chu Mạnh Chấn và cha - Nghệ sĩ ưu tú Chu Lượng, Chu Nhật Quang đã tiếp nối di sản nghệ thuật gia đình, đồng thời đưa tranh sơn mài Việt Nam lên tầm cao mới.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều bày tỏ sự thán phục vì "Chu Nhật Quang đã chọn con đường nghệ thuật sơn mài trong hội hoạ hiện đại".
“Nghệ thuật sơn mài là di sản lớn của dân tộc. Một nghệ sĩ sáng tạo nếu rời bỏ nguồn cội sẽ dễ rơi vào hoang mang, cô lập. Nhưng nếu nghệ sĩ đó 'giam cầm' trong cái gọi là truyền thống lại không có sự sáng tạo.
Kế thừa và phát triển nghệ thuật từ gia đình, Chu Nhật Quang đã đóng góp vào sự đa dạng và phong phú của nghệ thuật sơn mài hiện đại, hòa quyện giữa truyền thống và đương đại.
Các tác phẩm của anh mang đến cho khán giả những trải nghiệm thẩm mỹ đầy mới lạ và sâu sắc. Ý thức về cội nguồn làm tôi tôn trọng và đặt cược niềm tin vào Chu Nhật Quang", ông Thiều nhận xét.
Triển lãm "Dấu thiêng" sẽ kéo dài đến hết ngày 15/10, với chương trình khai mạc ấn tượng bao gồm phần trình diễn của giọng ca soprano Phạm Thu Hà.