Chờ...

Từ chợ hoa đến đường hoa Tết

(VOH) - Mỗi dịp Tết đến, xuân về trăm hoa đua nở. Cứ thế, mọi người mặc định Tết đến là mọi người họp lại tại một điểm, người có hoa mang ra bán, người đến có thể ngắm hoặc mua những chậu hoa...

Dần dần, chợ hoa trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam mỗi khi Tết đến xuân về. Đến nay, nét đẹp văn hóa đó không chỉ dừng ở “chợ hoa” mà đã phát triển thành “đường hoa”. Nơi mà hàng trăm các loài hoa đua nhau khoe sắc để cho người dân thưởng lãm.

Không ai biết chợ hoa ra đời từ khi nào. Và cũng không ai biết khi nào chợ hoa trở thành nét đẹp văn hóa của người dân Việt Nam mỗi khi Tết đến, xuân về. Cứ mỗi khi Tết đến, nhiều con đường của thành phố đã trở nên nhộn nhịp với những chậu hoa được bày bán theo từng cụm dọc theo các tuyến đường, tạo nên một hình ảnh tươi mát, bình yên và đầy màu sắc giữa chốn đô thành.

tu-cho-hoa-den-duong-hoa-tet-voh.com.vn-anh1
Đại cảnh "Hội xuân", tái hiện truyền thống đua thuyền của người dân Nam Bộ, với đàn chuột cách điệu sinh động tại Đường Hoa năm 2020.

Theo ông Đỗ Hữu Gia - 64 tuổi, ở quận 12, là một nghệ nhân, một chuyên gia chơi cây kiểng lâu năm ở thành phố cho biết, trước đây chợ hoa mục tiêu chính là kinh doanh, mua bán. Đến nay chợ hoa vẫn với mục tiêu kinh doanh mua bán nhưng đi kèm đó là để thu hút du lịch. Do vậy, việc bố trí khu vực làm chợ hoa được thành phố và các quận, huyện quy hoạch chỗ kinh doanh theo từng khu vực để kết hợp vừa làm chợ hoa, buôn bán hoa, vừa kết hợp hội chợ, ăn uống và biểu diễn nghệ thuật, tạo nên một quần thể vui chơi, ăn uống, thưởng lãm cho người dân thành phố cũng như thu hút du lịch.

Ông Đỗ Hữu Gia chia sẻ thêm: "Hồi xưa, chợ hoa mục đích chính của nó là để buôn bán, còn bây giờ là để cho nhiều người đi ngắm cảnh nữa, thành ra đường hoa bây giờ nó làm kỹ lưỡng hơn và có ý nghĩa hơn để thu hút khách du lịch tới Việt Nam cũng như ở các tỉnh lên thành phố. Tôi thấy đường hoa bây giờ cũng có cái hay, có nét riêng của nó. Tôi thấy cái này phát triển tốt hơn, nhanh hơn và đi tốt hơn. Nó tạo dịp cho nhiều người cùng đi đến TPHCM, không chỉ tham quan thành phố mà còn tham quan được hoa từ các tỉnh đem lên nữa. Điều đó là điều rất tốt và tui nghĩ cái đó là rất hay".

Từ nét đẹp của các chợ hoa truyền thống của người dân cả nước, hiện nay TPHCM đã phát triển chợ hoa thành những đường hoa nhộn nhịp, vui tươi để cho người dân thành phố tham quan, vui chơi những ngày đầu xuân. Điển hình là đường hoa Nguyễn Huệ.

Theo ông Huỳnh Kim Ngọc- 65 tuổi ở Quận 6 cho biết, đường Nguyễn Huệ, quận 1 ngày xưa không đẹp như bây giờ. Những năm mới giải phóng, mỗi khi Tết đến là các ghe, tàu chở hoa cảnh từ các vùng lân cận về cập bến sông Sài Gòn để bán. Người ta đặt hoa dọc theo đường Nguyễn Huệ lúc bấy giờ để bán. Dần dần, chợ hoa Nguyễn Huệ đã phát triển  thành đường hoa Nguyễn Huệ để khi Tết đến, xuân về, người dân thành phố có nơi du ngoạn, thưởng lãm hoa. Và dần dần đường hoa Nguyễn Huệ trở thành nét đẹp văn hóa của người dân thành phố, là địa điểm vui chơi, tham quan ngắm cảnh giữa lòng thành phố. Ông Huỳnh Kim Ngọc nhớ lại: "Cái này nó có từ trước giải phóng rồi. Nhưng mà trước giải phóng là nó buôn bán nhưng mà sau này mỗi năm nó làm đẹp hơn. Hồi đó nó đơn giản lắm, người ta đựng hoa trong những cái chậu bằng tre, người dân Sài Gòn người ta ra coi hoa rồi thích hoa mua về thôi. Rồi sau giải phóng mới lập ra đường hoa, tức là không bán hoa nữa, chỉ là nơi trưng bày để người ta ngắm cảnh chụp hình thôi. Kéo dài từ năm 80-90 đến bây giờ. Nhưng bây giờ làm đẹp hơn. Thứ nhất tụi nhỏ bây giờ sáng tạo lắm. Với lại đường hoa Nguyễn Huệ bây giờ chuẩn bị rất lâu rồi, mấy tháng trước Tết rồi, họ đầu tư bài bản, sau này nó có cái hay là nó có trình bày văn nghệ nữa. Vừa xem hoa, vừa nghe văn nghệ, vừa đón giao thừa luôn".

Trong cuộc sống ngày càng hiện đại, để thực hiện hoàn thành đường hoa đáp ứng với yêu cầu và tiêu chí mong đợi của người dân thành phố, thì không thể thiếu được công sức đóng góp của các nghệ nhân. Việc thiết kế các mô hình, linh vật tại các đường hoa đòi hỏi sự sắc sảo nhưng việc thiết kế tổng thể, lựa chọn chất liệu làm sao để tạo được linh hồn cho đường hoa thì càng khó hơn. Nghệ nhân Văn Tòng - người gắn bó với đường hoa Nguyễn Huệ nhiều năm nay cho biết: "Về truyền thống của Việt Nam, mình có chất liệu mây, tre, lá, kết hợp với đường hoa. Mốp, xốp chỉ là chất liệu tạo nên mô hình để cho nhẹ và có nhiều chi tiết, tạo linh hồn cho mô hình thì mình điêu khắc, làm sao cho mô hình sinh động và có duyên, tất cả đều chan hòa. Và điều này là cái khó nhất trong nghề điêu khắc".

Hiện nay, ngoài đường hoa Nguyễn Huệ được trang trí, trưng bày để người dân thưởng lãm hoa ngày Tết thì nhiều quận, huyện của thành phố cũng có đường hoa và hội hoa xuân riêng cho mình. Trong đó, đáng kể như đường hoa xuân Phú Mỹ Hưng tại ven hồ Bán Nguyệt, Quận 7; Hội hoa xuân công viên Tao Đàn; hội hoa xuân công viên Gia Định, quận Gò Vấp; Hội hoa xuân công viên 23-9, công viên Lê Văn Tám, quận 1…Tuy nhiên, trong đó, đường hoa Nguyễn Huệ vẫn là nét đẹp văn hóa nghệ thuật độc đáo mang bản sắc riêng của TPHCM.

Ông Nguyễn Đông Hòa - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du Lịch Sài Gòn, một đơn vị nhiều năm tham gia thực hiện đường hoa Nguyễn Huệ nhận định: "Có thể nói, đường hoa Nguyễn Huệ chúng ta là một công trình văn hóa nghệ thuật độc đáo và chỉ riêng TPHCM chúng ta có. Ở các tỉnh, thành và thành phố khác có thể họ cũng có nhưng xét về lịch sử, xét về quy mô và đặc biệt xét về sự liên tục của đường hoa thì đây là một công trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc của thành phố chúng ta. Nếu chúng ta nhìn lại hình ảnh, số liệu của đường hoa năm đầu tiên là năm 2004 đến nay thì chúng ta sẽ thấy rằng đã có sự đổi thay rất là lớn về cả quy mô, về cả hình ảnh và cả đơn vị cùng chúng ta góp sức, biết bao nhiêu công sức của tất cả mọi người để chung tay góp sức làm nên thương hiệu đường hoa Nguyễn Huệ cho thành phố chúng ta".

Có thể nói nét đẹp văn hóa người Việt có từ thời ông cha ta ngày xưa cho đến ngày nay vẫn còn được lưu truyền, chỉ thay đổi đôi chút nhưng vẫn giữ được cái hồn Tết quê nhà. Từ chợ hoa đến đường hoa, từ sự phát triển này đến sự phát triển khác đã dần làm thay đổi diện mạo của TPHCM, một thành phố anh hùng, nghĩa tình và đầy tính nhân văn, đặc biệt là mỗi dịp Tết đến, xuân về.