Vĩnh biệt một nghệ sĩ tài hoa – Một người thầy đậm tình trọn nghĩa

(VOH) - Đạo diễn – NSND Huỳnh Nga, một tài năng lớn của sân khấu nghệ thuật cải lương đã ra đi, để lại biết bao niềm tiếc thương cho người thân, đồng nghiệp, học trò, khán giả mộ điệu!

Trong tâm khảm của nhiều học trò, bạn bè đồng nghiệp ông mãi là một người tài hoa, giản dị và luôn vui vẻ. Nét chân phương, hóm hỉnh trong cách làm việc, trong từng bản dựng của ông mãi là những hồi ức đẹp trong lòng của nhiều thế hệ nghệ sĩ đã từng có cơ hội làm việc với ông.

Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Huỳnh Nga tên thật là Huỳnh Văn Thạch, sinh ngày 15/11/1932 tại huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An. Năm 13-14 tuổi, ông đã làm giao liên cho cách mạng. Năm 15 tuổi, ông vào Ban Tuyên truyền khu 8. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc. Năm 1956, ông về Đoàn Cải lương Nam bộ và đến năm 1968 được cử sang Rumania tu nghiệp ngành đạo diễn.

NSND Huỳnh Nga

Đạo diễn – NSND Huỳnh Nga, một tài năng lớn của sân khấu nghệ thuật cải lương. Ảnh: NLĐ

Trong hành trang nghệ thuật của mình, NSND Huỳnh Nga tạo dấu ấn đặc biệt, là một nghệ sĩ – đạo diễn tài hoa đã dàn dựng gần 300 tác phẩm, trong đó có nhiều tác phẩm đỉnh cao, là khuôn mẫu của sân khấu cải lương hôm nay như: Đời cô Lựu, Tấm Cám, Người giữ mộ, Tiếng sáo đêm trăng, Khách sạn Hào Hoa, Gánh cỏ sông Hàn, Hoa độc trong vườn, Tìm lại cuộc đời,… Những tác phẩm của ông đã tạo vị trí lớn mạnh cho sân khấu cải lương thời hoàng kim. Đặc biệt, với vở diễn Đời cô Lựu, một tác phẩm sân khấu đậm tính nhân văn và ấn tượng khó quên đối với công chúng.

Nghệ sĩ ưu tú - Đạo diễn Ca Lê Hồng xem ông như một người anh trong nghề nhiệt thành, luôn chia sẻ cho bà nhiều kinh nghiệm quý giá trong công tác dàn dựng cũng như giảng dạy, bà xúc động: “Anh lúc nào cũng tận tụy với nghề, hồi trước anh làm bên kịch nói, nhưng sau đó chuyển qua cải lương thì anh đã cố gắng tìm tòi và làm rất tốt, rất ngọt, đậm chất cải lương. Ngoài ra trong cuộc sống, đi đến đâu người ta cũng quý, một người lúc nào cũng hóm hỉnh và đặc biệt là rất chịu khó giúp đỡ các nghệ sĩ trẻ, các nghệ sĩ ở tỉnh. Anh đi về các tỉnh miền tây, dàn dựng rất nhiều vở, nơi nào các nghệ sĩ cũng gọi là ba, là thầy, nói chung là vì họ quý mến một người nghệ sĩ tài hoa, nhưng sống hết lòng vì nghề, vì bạn bè”.

Khi bắt tay vào dàn dựng tác phẩm, ông luôn thể hiện chất hào sản vốn có của người Nam bộ trong cách làm việc của mình, trên sàn tập ông hài hước, nhẹ nhàng, sẵn sàng lắng nghe cũng như góp ý thêm cho những sáng tạo mới mẻ hấp dẫn của diễn viên. Ông biến từng con chữ trong kịch bản thành cuộc đời đầy sống động, cuốn hút người xem với từng số phận nhân vật mộc mạc, chân phương, gần gũi, đầy chất tình, chất đời, chất tự sự.

Nói về tính cách hiền hòa của đạo diễn – NSND Huỳnh Nga, nghệ sĩ Châu Thanh đã từng được làm việc với ông qua nhiều đoàn cải lương chia sẻ: “Nghệ sĩ nhân dân Huỳnh Nga là một người mà Châu Thanh rất kính yêu, Châu Thanh thường hay gọi là ba, vì tính cách của anh Huỳnh Nga rất gần gũi, rất thương anh em nghệ sĩ, từ lớn tới nhỏ, mỗi khi được làm việc với ông mình rất thích, vì tính của ông rất khôi hài, mỗi khi chỉ điều gì mình chưa biết thì khẽ nhẹ một cái, rồi hỏi “Biết chưa”, phải nói rất khôi hài, rất dễ thương. Phải nói là rất buồn cho giới sân khấu đã mất đi một nhân tài, để lại niềm thương tiếc cho cả giới sân khấu và cho cả Châu Thanh".

Đạo diễn – Nghệ sĩ ưu tú Lê Nguyên Đạt, thế hệ học trò của ông về công tác dàn dựng chia sẻ tình cảm về ông: “Dẫu biết sinh tử là quy luật nhưng thật sự trong giai đoạn này sân khấu đang gặp nhiều khó khăn, thì một tượng đài, một bậc thầy như nghệ sĩ nhân dân Huỳnh Nga mất đi là một mất mát rất lớn cho sân khấu cải lương. Đức tính của ông, dung dị, đậm tình, đầy hào sản của người miền Nam, ông đưa hơi thở đó vào tác phẩm, vì vậy nó phù hợp, chân tình và đi vào chiều sâu. Đó là những bài học tôi học được từ NSND Huỳnh Nga. Nhìn lại kho tác phẩm đồ sộ của ông, tôi thấy rằng thế hệ nghệ sĩ chúng tôi cần phải cố gắng nhiều hơn nữa, phải giữ và làm sao cho cải lương đẹp như vậy”.

Không chỉ vậy, mấy chục năm qua, giới sân khấu vẫn luôn nhận định rất rõ, ông còn là người đã chú ý đào tạo, dìu dắt và truyền đạt kinh nghiệm cho nhiều lớp nghệ sĩ trẻ, đặc biệt giúp tạo nên một thế hệ nghệ sĩ vàng cho sân khấu như: Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Thanh Tòng, Minh Vương... giúp cho bao thế hệ nghệ sĩ tài danh của sân khấu cải lương miền Nam phát huy được thực lực, niềm đam mê và sức sáng tạo trên sàn diễn. Nghệ sĩ nhân dân Minh Vương, người đã thành công vang dội trong kịch bản Đời Cô Lựu – một tác phẩm do Đạo diễn Nghệ sĩ nhân dân Huỳnh Nga dàn dựng đã xúc động nhớ lại người anh, người đồng nghiệp thân thiết của mình: “Tôi cũng làm việc nhiều với anh, ảnh là một người dễ thương, hiền hậu, một đạo diễn tài hoa, ảnh cũng nhận xét nhiều cho vai diễn, rồi anh em chúng tôi cũng nhận xét lại. Anh cũng bằng lòng những sáng tạo của nghệ sĩ trong vai diễn. Dàn dựng một cách gần gũi và hợp lý nên người xem cũng thấy dễ dàng tiếp nhận, nó phù hợp trong một tác phẩm cải lương".

Ông cũng thường di chuyển liên tục đến các tỉnh - thành, từ miền Trung vào đến mũi Cà Mau, ra sức hỗ trợ thành lập Liên Chi hội Sân khấu ĐBSCL, tạo hiệu ứng rất tốt trong việc phát triển những tác phẩm sân khấu phục vụ khán giả qua chương trình Giai điệu đồng bằng và hai mùa Giải thưởng Trần Hữu Trang lần thứ 11 và 12, được tổ chức tại tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang… Nghệ sĩ ưu tú Lam Tuyền bồi hồi khi nhớ về người thầy, người cha tinh thần của mình: “Đối với Lam Tuyền, bố NSND Huỳnh Nga là người thầy trong sân khấu, ở cải lương thì đó là người thầy đầu tiên của mình. Mình cũng biết tuổi bố đã cao, bệnh đã lâu năm, tuy nhiên cũng không tránh khỏi đau lòng. Mình nhớ lại nhiều kỷ niệm đã làm chung với bố Huỳnh Nga, chỉ dạy nhiều điều về sân khấu. Và ông luôn nhắc người nghệ sĩ là phải hiểu được giá trị của chân - thiện - mỹ”.

Nghệ sĩ ưu tú Mỹ Hằng và Nghệ sĩ ưu tú Tú Sương, những nghệ sĩ trẻ có cơ hội được làm việc với  đạo diễn Nghệ sĩ nhân dân Huỳnh Nga nói về ông trong niềm kính trọng: “NSND Huỳnh Nga là người thầy đáng kính, đã dạy dỗ biết bao thế hệ nghệ sĩ đàn chú, đàn anh, đàn chị và đến thế hệ Mỹ Hằng. Đây là sự mất mát lớn của cả ngành sân khấu khi một nghệ sĩ, một người thầy giỏi, mất đi một chỗ dựa vững chắc nâng đỡ những nghệ sĩ trẻ sau này", nghệ sĩ ưu tú Mỹ Hằng nói.

"Bác Huỳnh Nga là một nghệ sĩ giỏi, tài năng, nhiệt tình, duyên dáng, bác thương mến gia đình của Sương lắm. Bác Huỳnh Nga ra đi Sương nghĩ cả giới sân khấu đều buồn, kính xin được tiễn biệt bác Huỳnh Nga, xin chia buồn cùng gia đình bác”, nghệ sĩ ưu tú Tú Sương chia sẻ.

Đạo diễn Hồng Dung – Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM là một người cháu, người đồng nghiệp gần gũi với đạo diễn Nghệ sĩ nhân dân Huỳnh Nga như gia đình. Bởi bà vừa làm công tác dàn dựng, vừa làm công tác quản lý nhiều năm và thường xuyên lui tới thăm hỏi gia đình ông, nhất là trong những ngày tháng cuối đời. Bà không nén được xúc động khi cùng với Hội và gia đình Nghệ sĩ nhân dân Huỳnh Nga đứng ra lo tang lễ cho ông. “Đối với tôi, chú Huỳnh Nga là một người mà tôi có sự kính phục riêng, chú Huỳnh Nga hồi trước chính là người đứng ra lo liệu đám tang cho ba tôi, nên thật sự với chú tôi có sự mang ơn và tình cảm rất đặc biệt. Như chú và như cha, nên trong giờ phút chuẩn bị tang lễ cho chú Huỳnh Nga thì những hình ảnh đó, xúc động đó nó ùa về, vô cùng mãnh liệt, nên bằng tất cả tấm lòng, tình thương của mình, tôi có hết sức để tổ chức tang lễ cho chú thật tốt”, đạo diễn Hồng Dung chia sẻ.

Vậy là cải lương Việt Nam lại mất đi thêm một tài hoa, một người đã trút cạn đường tơ, luôn sống và nghĩ cho sân khấu, học trò, đồng nghiệp.

Kính tiễn biệt đạo diễn Nghệ sĩ nhân dân Huỳnh Nga, người nghệ sĩ tài hoa, đức độ của sân khấu cải lương.

Linh cữu Nghệ sĩ nhân dân Huỳnh Nga được quàn tại Nhà tang lễ Thành phố. Sau đó, linh cữu của nghệ sĩ Huỳnh Nga được đưa đi an táng tại quê nhà ở Mộc Hóa, tỉnh Long An.

Bình luận