Bài học từ của cuộc Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội đầu tiên ở nước ta

(VOH) - Ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị một trong sáu nhiệm vụ cấp bách là tổ chức sớm cuộc tổng tuyển cử đầu tiên.

Những bài học để kế thừa và phát triển về Tổng tuyển cử và thực tiễn tổ chức cuộc Tổng tuyển cử này trong tiến trình đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội hiện nay là cần thiết và ý nghĩa.

Ngày 8/9/1945, Chính phủ ra Sắc lệnh số 14-SL về cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội (Quốc hội). Đây là văn bản pháp luật đầu tiên về bầu cử ở nước ta.

Sắc lệnh ghi rõ: "Chính phủ nhân dân toàn quốc sẽ do một Quốc dân đại hội bầu theo lối phổ thông đầu phiếu cử lên...”

Bác đi bầu

Bác Hồ cùng cử tri đi bầu quốc hội đầu tiên. Ảnh tư liệu.

Sắc lệnh gồm 7 điều, quy định trong thời hạn hai tháng kể từ ngày ký sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội. Nội dung của sắc lệnh có thể tóm lại: "Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường; Một Uỷ ban để dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử sẽ được thành lập và dự thảo một bản Hiến pháp đệ trình Quốc hội, một Ủy ban khởi thảo Hiến pháp 7 người sẽ thành lập”.

Chính phủ lâm thời còn ra một loạt sắc lệnh tiếp sau: xúc tiến công việc chuẩn bị cho việc Tổng tuyển cử; quy định thể lệ Tổng tuyển cử; bầu cử trực tiếp và bí mật; Tuyên bố quyền bầu cử và ứng cử của tất cả các công dân Việt Nam; Quy định đơn vị bầu cử; ấn định số đại biểu được bầu cử tại tỉnh, thành phố; Quy định cách lập danh sách ứng cử, danh sách bầu cử; quy định cách thức bầu cử, cách thức điểm phiếu, cách thức tính kết quả bầu cử…

Trong đó quy định nêu rõ phải có một 1/4 số cử tri toàn tỉnh (thành phố) đi bầu thì cuộc bầu cử mới có giá trị. Nếu không sẽ có cuộc bầu cử thứ hai. Những người ứng cử phải được hơn nửa  số phiếu bầu hợp lệ thì mới được trúng cử.

Cuộc Tổng tuyển cử đã được tiến hành sôi nổi, diễn ra trên cả nước và giành thắng lợi to lớn. Trong không khí phấn khởi, với tinh thần dân tộc dâng cao chưa từng có sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, nhân dân cả nước đã đón nhận và chuẩn bị Tổng tuyển cử như ngày hội lớn của mình.

Nhiều người có tài, có đức xung phong ra ứng cử hoặc được quần chúng giới thiệu ra ứng cử. Danh sách các cử tri và ứng cử viên được hoàn thành và niêm yết công khai.

Quần chúng sôi nổi trao đổi, tranh luận, chất vấn nhằm lựa chọn được những người xứng đáng nhất làm đại diện của mình, hạn chế tới mức cao nhất những phần tử cơ hội lợi dụng dịp Tổng tuyển cử để tranh giành quyền chức.

Ngày 5/1/1946, trước Tổng tuyển cử một ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời kêu gọi toàn dân đi bỏ phiếu: "Ngày mai là ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu tận dụng, hưởng quyền dân chủ của mình...”  Vì thế mà "Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”.

Cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 đã thành công trên phạm vi cả nước, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của bọn phản động ở phía Bắc và cuộc xâm lăng tàn bạo của thực dân Pháp ở phía Nam.

Cụ thể, tính chung cả nước, số cử tri tham gia bỏ phiếu chiếm 89%. Cuộc Tổng tuyển cử đã bầu được 333 đại biểu, trong đó 57% số đại biểu thuộc các đảng phái yêu nước và cách mạng khác nhau, 43% không đảng phái, 87% là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng, 10 đại biểu nữ, 34 đại biểu các dân tộc thiểu số…

Tổng tuyển cử diễn ra trong điều kiện thù trong giặc ngoài, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội hết sức khó khăn, vừa kháng chiến ở miền Nam, vừa phải giải quyết những nhiệm vụ rất cấp bách hàng ngày đặt ra, vừa thực hiện sách lược tạm thời hoà hoãn với quân Tưởng ở miền Bắc, đồng thời lại vừa phải đấu tranh để chống lại những hành động phá hoại điên cuồng của chúng.

Trong điều kiện như thế, đây không phải là một cuộc Tổng tuyển cử thông thường, mà thực chất là một cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh dân tộc hết sức quyết liệt.

Chỉ có Tổng tuyển cử mới để cho dân chúng có dịp nói hết những ý muốn của họ và chỉ có Chính phủ lập ra bởi Tổng tuyển cử mới là đại diện chân chính và trung thành của toàn thể quốc dân.

Sau hết, cũng chỉ có Tổng tuyển cử mới có thể cho ra đời một Hiến pháp ấn định rõ ràng quyền lợi của Quốc dân và Chính phủ, phá tan được hết những nghi ngờ đối với chính quyền nhân dân.

Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6/1/1946 đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ của nước ta. Người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ của kiếp tôi đòi đã trở thành "chủ nhân" một nước tự do độc lập, đã khẳng định với thế giới rằng: Nhân dân Việt Nam quyết tâm bảo vệ nền độc lập, có quyền và đã thực sự có đủ khả năng để tự quyết định vận mệnh lịch sử của mình, tự lựa chọn và dựng xây chế độ mới.

cử tri phố Lò Đúc
Cử tri đi bỏ phiếu ở phố Lò Đúc. Ảnh tư liệu

Thắng lợi Tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra triển vọng của một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ, và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam trong đối nội và đối ngoại.

Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà có tính chất hợp pháp, dân chủ - Nhà nước của dân, do dân và vì dân, được quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến, kiến quốc, giải quyết mọi quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 là một sự kiện lịch sử trọng đại. Nó mở đầu cho một quá trình xây dựng chế độ dân chủ mới. Đó cũng chính là sự khởi đầu và phát triển của Quốc hội, một thiết chế dân chủ, thiết chế trụ cột trong Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Thành công của cuộc Tổng tuyển cử đã và đang để lại những bài học kinh nghiệm quý báu có thể vận dụng trong việc hoàn thiện chế độ bầu cử hiện nay.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử cũng đã khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đánh dấu sự ra đời của Quốc hội, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước; thành lập một Chính phủ thống nhất, ban hành một bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ.

Trải qua các thời kỳ cách mạng, các thế hệ đại biểu Quốc hội luôn thể hiện và phát huy tinh thần trách nhiệm, phẩm chất, trí tuệ, xứng đáng là đại biểu đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân; Nhiều đại biểu đã chiến đấu anh dũng, hy sinh, cống hiến, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.