Tham dự có các đồng chí trong Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ TP, lãnh đạo các sở ngành. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối từ điểm cầu chính tới 2 điểm cầu Trung tâm Hội nghị 272 Võ Thị Sáu.
Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tập trung xem xét, thảo luận, cho ý kiến về 5 nội dung quan trọng:
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2022.
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP giai đoạn 2022 - 2025.
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Nhiệm vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội TP thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Báo cáo kết quả công tác xây dựng Đảng, chính quyền, công tác dân vận năm 2021; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2022 và một số nội dung, báo cáo khác trình tại Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết, năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI; là năm TP triển khai thực hiện Đề án mô hình chính quyền đô thị, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM. Đây là năm khởi đầu với nhiều niềm tin và kỳ vọng thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Song, TP không may phải đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư. Sau gần 5 tháng tập trung tất cả nhân lực, vật lực, ưu tiên phòng chống dịch, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, hiệu quả của Trung ương, sự hỗ trợ to lớn từ các ban, bộ, ngành, địa phương và sự đồng cam cộng khổ, chung tay góp sức của toàn thể Nhân dân và cộng đồng xã hội, đến cuối tháng 9/2021 TP đã cơ bản kiểm soát dịch bệnh và từng bước chuyển sang trạng thái “bình thường mới”. Song chúng ta đã gánh chịu nhiều tổn thất hết sức nặng nề, các mặt của đời sống – xã hội bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.
Quý I-2021, tình hình kinh tế - xã hội của thành phố phát triển khá đồng đều và ổn định, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 4,58%. Đến 6 tháng đầu năm thì bắt đầu chững lại và cuối năm 2021, kinh tế - xã hội sụt giảm nghiêm trọng.
“Có thể nói lần đầu tiên trong lịch sử của TPHCM từ giai đoạn đổi mới, thành phố tăng trưởng -6,78%, trong khi kế hoạch năm đề ra là tăng trưởng 6%”, Bí thư thành ủy Nguyễn Văn Nên chia sẻ.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu các đại biểu phân tích, đánh giá sâu sắc tình hình mang tính thực tiễn và khoa học để có thể vận dụng ngay vào quá trình “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” với trụ cột là chiến lược y tế trước mắt và lâu dài.
Cho ý kiến về chủ đề năm của công tác xây dựng Đảng
Theo Bí thư thành ủy Nguyễn Văn Nên, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, công tác dân vận năm 2022 sẽ gắn liền với thực hiện hiệu quả các quy định, kết luận, chỉ đạo của Trung ương mới ban hành. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, qua công tác ứng phó với dịch bệnh chúng ta có thể nhìn thấy rõ những hạn chế, bất cập của bộ máy và cán bộ từng cấp, từng nơi, từng lĩnh vực mà bình thường khó thấy. Có nghĩa là ở phía sau những tấm gương, những người dũng cảm còn đâu đó còn những người hèn nhát, ích kỷ; ở phía sau những tấm gương tận tụy còn những người né tránh, ngại khó.
Bí thư Thành ủy TPHCM đề nghị các đại biểu nghiên cứu, thảo luận sâu để khắc phục tình trạng hiện nay, bất cập ở nơi này nơi khác trong hệ thống chính trị TP; thảo luận cho ý kiến trước hết về chủ đề năm của công tác xây dựng Đảng là “Ðẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị; tăng cường kỷ luật, kỷ cương và phát huy tính tiên phong, gương mẫu, tinh thần dũng cảm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên”; đồng thời chỉ ra những hạn chế bất cập, phê phán các biểu hiện tiêu cực, suy thoái; đề xuất các giải pháp, biện pháp, cách làm sáng tạo và hiệu quả nhất để đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; nâng cao chất lượng công tác tư tưởng trong toàn Đảng bộ; đổi mới thực sự công tác dân vận, nâng cao hiệu quả công tác dân vận chính quyền, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của Nhân dân; xây dựng hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới.
Hoàn thành được bao nhiêu chỉ tiêu?
Theo Bí thư thành ủy Nguyễn Văn Nên, theo dự toán, năm nay có thể hoàn thành 13/29 chỉ tiêu, không hoàn thành 14/29 chỉ tiêu và còn 2 chỉ tiêu đến cuối năm mới đủ cơ sở tính toán. Bên cạnh khó khăn, vẫn có một số điểm sáng, đó là kim ngạch xuất khẩu (không tính dầu thô) tăng 2,8%; kim ngạch nhập khẩu tăng 24,9% so với cùng kỳ; nhất là tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 362.040 tỷ đồng, bằng 99,22% dự toán năm và khả năng đến cuối năm có thể phấn đấu đạt 100%.
Trên cơ sở đó, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đề nghị các đại biểu tập trung sâu vào 5 nhóm nội dung cụ thể. Đó là thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện tình hình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, thu, chi ngân sách của TP năm 2021. Cần những phân tích, nhận định, dự báo cho năm 2022 và những năm tiếp theo. Xác định chủ đề năm 2022, có thể là: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, đồng hành cùng doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư”. "Cần bổ sung thêm những nhiệm vụ, giải pháp, quyết sách gì để có thể tạo đột phá ngay và tìm ra nhân tố mới cho tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống của Nhân dân, cải thiện môi trường đô thị và điều kiện sống người lao động; bảo đảm thích ứng với đại dịch Covid-19”. – đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP giai đoạn 2022 – 2025, đồng chí Nguyễn Văn Nên đánh giá, đây là một chương trình đầy quyết tâm trong bối cảnh “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và đề nghị các đại biểu nghiên cứu, thảo luận cho ý kiến sâu vào các quan điểm và 2 nhóm giải pháp lớn sẽ thực hiện. Đồng thời cho ý kiến về việc huy động nguồn lực và cơ chế phân cấp, phân quyền để bảo đảm thực hiện thành công Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2025.
Đối với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên lưu ý, nội dung này có ý nghĩa bởi nó quyết định thành công việc thực hiện mục tiêu của Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI đề ra. “Chúng ta đã thống nhất không thay đổi, điều chỉnh các mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản của Đại hội, nhưng trong bối cảnh “bình thường mới” thì chắc chắn cần tư duy mới, giải pháp mới, cơ chế mới và kế hoạch phù hợp và cần điều chỉnh những vấn đề gì?” – Bí thư thành ủy Nguyễn Văn Nên lưu ý.
Về nhiệm vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội TP thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đề nghị các đại biểu xem xét, cho ý kiến đối với các vấn đề trọng tâm về quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc và nội dung quy hoạch phù hợp với tình hình thực tế và đáp ứng yêu cầu phát triển của TP; phát huy mọi nguồn lực và tận dụng các cơ hội liên kết giữa TPHCM với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Tây Nguyên.
Về nhiệm vụ năm 2022, Bí thư Thành ủy TPHCM yêu cầu các đại biểu thảo luận cho ý kiến trước hết về chủ đề năm của công tác xây dựng Đảng, với dự kiến là: “Ðẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị; tăng cường kỷ luật, kỷ cương và phát huy tính tiên phong, gương mẫu, tinh thần dũng cảm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên”.