Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết: Năm 2021, là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI; là năm thành phố triển khai thực hiện Đề án mô hình chính quyền đô thị, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh; là năm khởi đầu với nhiều niềm tin và kỳ vọng.
Song ngay từ những tháng đầu tiên của nhiệm kỳ, thành phố không may phải đối mặt với làn sóng dịch thứ tư. Trước tình hình đó, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội, để thực hiện các biện pháp y tế phòng chống dịch: "Sau gần 5 tháng, toàn hệ thống chính trị và nhân dân thành phố, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Đảng và Nhà nước, của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch covid 19, sự hỗ trợ to lớn từ các ban, bộ, ngành, địa phương của nước. Đặc biệt là sự chung sức, đoàn kết, đồng cam cộng khổ, thắt lưng buộc bụng của từng người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Đến cuối tháng 9/2021, thành phố cơ bản kiểm soát dịch bệnh, trở về trạng thái “bình thường mới”. Nhưng chúng ta cũng phải chịu tổn thất hết sức nặng nề. Nhiều người đã không thể vượt qua, các mặt của đời sống kinh tế xã hội bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Hiện nay tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Song các ngành, địa phương cơ sở đã kịp thời sơ kết công tác phòng chống dịch vừa qua để có bài học trong công tác phòng chống dịch trong thời gian tới".
Bí thư Thành ủy TPHCM yêu cầu Hội nghị nêu những bài học kinh nghiệm sâu sắc, vừa mang tính phổ quát, vừa mang tính thực tiễn, để có thể vận dụng ngay vào quá trình “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” với trọng tâm là chiến lược y tế trong thời gian tới.
Về Nhóm vấn đề về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, công tác dân vận, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc được thể hiện rõ trong công tác phòng chống dịch vừa qua. Cả hệ thống chính trị thực sự là một khối đoàn kết thống nhất cả về chủ trương và hành động, chung sức đồng lòng, nêu cao trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân; kiên cường, bền bỉ vượt qua khó khăn; vừa làm vừa rút kinh nghiệm; kịp thời động viên, nhắc nhở, uốn nắn những việc thiếu chu toàn, lúng túng, sai sót, bất cập trên tinh thần vì mục tiêu chung. Thực sự phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chấp nhận thử thách, đi đầu trong tổ chức phòng, chống dịch, vận dụng cái mới. Công tác vận động nhân dân đã chuyển trọng tâm xuống địa bàn dân cư và đạt được những kết quả quan trọng trong việc thực hiện phương châm “chiến thắng đại dịch là chiến thắng của nhân dân”.
Về nhóm vấn đề kinh tế và xã hội, Bí thư Thành ủy TPHCM yêu cầu: "Bên cạnh khó khăn, vẫn có một số điểm sáng, đó là: kim ngạch xuất khẩu (không tính dầu thô) tăng 2,8%; kim ngạch nhập khẩu tăng 24,9% so với cùng kỳ; đáng chú ý là tổng thu ngân sách Nhà nước ước tính chính xác, vào cuối năm có thể phấn đấu đạt 100%. Trên cơ sở đó, thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện tình hình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, thu, chi ngân sách của Thành phố năm 2021; phân tích, nhận định, dự báo cho năm 2022 và những năm tiếp theo. Xác định chủ đề năm 2022 theo gợi ý là có thể: Thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, đồng hành cùng doanh nghiệp, cải thiện mơi trường đầu tư. Gợi ý này có nghĩa chúng ta phải thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ và Qui định 4800 của Bộ Y tế trong giai đoạn thích ứng, đồng thời phải tiếp tục thực hiện nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, đồng hành cùng doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư. Đặc biệt cho ý kiến về 7 nhóm giải pháp và 21 nhiệm vụ cụ thể trong năm 2022, tìm kiếm xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, cải thiện môi trường đô thị và điều kiện sống của người lao động".
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chỉ đạo Hội nghị tập trung thảo luận, xây dựng nhiệm vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những bảo đảm căn cứ khoa học và thực tiễn cho việc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, Thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số; trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á vào năm 2030; trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của Châu Á vào năm 2045.