Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp là một tất yếu, xuất phát từ vị trí của hai cơ quan này trong bộ máy nhà nước.
Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”;
“Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân”.
Điều 4 Hiến pháp năm 2013 quy định, Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, do đó Đảng lãnh đạo là yêu cầu tất yếu đối với quá trình chuẩn bị bầu cử, bầu cử và sau bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp.
Để bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng đối với bộ máy nhà nước, trước hết cần bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong công tác bầu cử đại biểu dân cử.
Đảng ban hành các quy định về quy trình, cách thức bầu cử, cơ cấu, số lượng đại biểu; quy định về tiêu chuẩn đại biểu; lựa chọn những đại biểu ưu tú giới thiệu ứng cử…
Để chỉ đạo cuộc bầu cử, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 20/6/2020, về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 với 7 nội dung cần tập trung lãnh đạo là công tác nhân sự, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn bầu cử, công tác bảo đảm an ninh, an toàn, công tác tuyên truyền…
Chỉ thị giao trách nhiệm cho từng cấp ủy đảng ở Trung ương và địa phương. Theo đó, các tỉnh ủy, thành ủy đều thành lập ban chỉ đạo để lãnh đạo toàn diện công tác bầu cử, làm tốt công tác giới thiệu người ứng cử ở địa phương, chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình chuẩn bị và tổ chức bầu cử.
Việc đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng thể hiện qua công tác chuẩn bị bầu cử bao gồm công tác nhân sự, các chỉ thị hướng dẫn bầu cử, lãnh đạo công tác thành lập tổ chức phụ trách bầu cử…
Tiêu chuẩn về nhân sự đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương và địa phương, nhân sự đại biểu hội đồng nhân dân chuyên trách ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã đã được quy định trong Kết luận số 174-TB/TW của Bộ Chính trị và sau đó được Ban Tổ chức Trung ương có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn.
Đây chính là tiền đề quan trọng để lựa chọn đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân chuyên trách, lực lượng nòng cốt của Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp.
Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đều có các văn bản ban hành hướng dẫn thực hiện về công tác nhân sự, các quyền của người ứng cử, cử tri, công tác tuyên truyền cho bầu cử…
Việc lựa chọn giới thiệu người ứng cử để làm đại biểu Quốc hội chuyên trách đã được Đảng coi trọng, đặt ra tiêu chuẩn cao như có trình độ đào tạo đại học trở lên, có sức khỏe và độ tuổi theo quy định…
Người ứng cử phải là những người hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ của mình, đúng theo cấp bậc, ngạch, hàm. Đối với một số lĩnh vực cần thiết phải cơ cấu đại biểu Quốc hội, nhưng không có nhân sự đáp ứng yêu cầu thì Đảng đoàn Quốc hội phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định từng trường hợp cụ thể, bảo đảm đúng quy định.
Trong công tác thành lập, tổ chức phụ trách bầu cử, việc lựa chọn nhân sự tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử được thực hiện nghiêm túc, kỹ lưỡng; Lựa chọn những người có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, được quần chúng nhân dân tín nhiệm, hiểu biết pháp luật và có kinh nghiệm thực hiện công tác bầu cử.
Thành viên tổ chức phụ trách bầu cử, đặc biệt là thành viên tổ bầu cử đều được tập huấn nắm vững quy định của pháp luật, nắm vững nghiệp vụ bầu cử để tránh sai sót, thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Từ đó, chúng ta thấy bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kì 2021-2026 đã và đang thực sự trở thành sự kiện lớn của toàn Đảng, toàn dân.
Người dân ngày càng có ý thức về quyền công dân, đặc biệt là trách nhiệm, ý thức rõ thực hiện quyền bầu cử cũng là thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân, là thực hiện quyền chính trị cho bản thân;
Ý thức được tầm quan trọng của từng lá phiếu vào quá trình bầu nhân sự ở các cơ quan quyền lực nhà nước, ý thức rõ trách nhiệm bản thân trước khi bỏ lá phiếu bầu ra người đại diện cho mình trong Quốc hội;
Thay mặt mình tham gia vào quá trình quyết định những vấn đề quan trọng, từ xây dựng hệ thống pháp luật đến hình thành các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội đất nước…
Tinh thần ấy được nhân dân phát huy trong quá trình hiệp thương bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kì 2021-2026.
Quyền dân chủ trực tiếp của công dân thể hiện ở việc trực tiếp tham gia các hội nghị hiệp thương, trực tiếp đi bỏ phiếu thì quyền dân chủ gián tiếp được thể hiện thông qua hoạt động của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND - là những người được cử tri bầu ra.
Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Để đạt mục tiêu này, cần những con người có đức, có tài, do đó những đại biểu được Đảng giới thiệu, dân bầu phải thực sự là người có đức, có tài bởi nhân dân đã tin tưởng, trao gửi, ủy thác quyền làm chủ của mình cho các đại biểu.
Càng gần đến ngày bầu cử Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, các thế lực thù địch, phản động, chống đối, cơ hội chính trị càng đẩy mạnh việc tuyên truyền, xuyên tạc, lợi dụng chiêu bài dân chủ, nhân quyền để chống phá bầu cử.
Các ngành, các cấp cùng toàn thể người dân cần nhận thức rõ và đấu tranh chống lại các thế lực thù địch, phản động, chống phá bầu cử là góp phần vào công cuộc xây dựng dân chủ, xây dựng thể chế, xây dựng chính quyền vững mạnh hoạt động vì dân.
Người dân cần tích cực đi bầu cử, thực hiện đầy đủ quyền làm chủ, tham gia xây dựng Nhà nước nói chung và cơ quan đại diện - cơ quan quyền lực nhà nước từ Trung ương đến địa phương nói riêng. Đó là góp phần xây dựng thể chế, xây dựng bộ máy chính quyền hoạt động vững mạnh đại diện cho dân, làm việc phục vụ nhân dân.