Chờ...

Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng: Quan tâm đến phát triển ngành nông nghiệp ứng dụng

(VOH) - Tiến sĩ Đỗ Việt Hà – Phó Trưởng Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao cho rằng TPHCM cần quan tâm đến phát triển ngành nông nghiệp ứng dụng.

Gắn bó và tâm huyết với ngành nông nghiệp, bên cạnh sự quan tâm đến những vấn đề về xây dựng đảng trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Tiến sĩ Đỗ Việt Hà – Phó Trưởng Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM quan tâm và đưa ra nhiều góp ý để phát triển ngành nông nghiệp trong giai đoạn tới.

 Đỗ Việt Hà
Tiến sĩ Đỗ Việt Hà – Phó trưởng Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM. (Ảnh: TNO) 

Trong các văn kiện đóng góp có 3 dự thảo, một là dự thảo về công tác xây dựng Đảng và thi hành điều hành điều lệ Đảng; thứ hai là dự thảo báo cáo đánh giá kết quả kinh tế xã hội và dự thảo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế 2021-2030.

Trong phần dự thảo về công tác xây dựng đảng và thi hành điều hành điều lệ đảng, tôi thấy tại điểm 2.5 phần III trang 142 đề nghị bổ sung cụm từ không chạy theo số lượng sau cụm từ nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên, không chạy theo số lượng.

Đồng thời cần đánh giá lại nội dung này vì bồi dưỡng quần chúng ưu tú vào Đảng rất quan trọng mà không nhấn mạnh nội dung này, thì dễ dàng chạy theo thành tích quên đi chú trọng đến chất lượng đảng viên mới. Hiện nay Đảng dựa trên liên minh chính nòng cốt là  giai cấp nông dân và công nhân.

Chúng tôi thấy hiện nay đảng viên là nông dân số lượng quá ít, nên chăng chúng ta có thêm nội dung trong phần xây dựng đảng là tăng cường, đẩy mạnh việc kết nạp đảng viên là nông dân. Như vậy mới giúp cho giai cấp nông dân phát triển mạnh mẽ hơn, tốt hơn và thực sự là giai cấp nòng cốt của Đảng cộng sản Việt Nam.

Thứ hai là chúng ta có giải pháp nâng chất giai cấp nông dân ngang tầm với nông dân các nước, trong lĩnh vực tri thức, kỹ năng làm việc, kiến thức, thậm chí biết xử lý công nghệ thông tin để xử lý bán hàng trong nền công nghiệp 4.0.

Phần thứ hai trong phần đánh giá kinh tế xã hội, tại điểm 4, mục V phần thứ trang 70 đề nghị bổ sung làm rõ quan điểm của Đảng về nông nghiệp, thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam.

Hiện nay Việt Nam có ưu thế bảo đảm an ninh lương thực, phần lớn các nước đang phát triển ở Châu Á, có vai trò tăng trong hỗ trợ an ninh lương thực cho các quốc gia khác. Về cơ bản và lâu dài, nông nghiệp không chỉ đơn giản là thành phần kinh tế mà còn mang tính an ninh lương thực, bảo đảm lâu dài cho phát triển đất nước.

Về cơ cấu kinh tế năm 2019, khu vực nông lâm nghiệp chiếm tỷ trọng 13,96% GDP, Công nghiệp sử dụng chiếm 34,49%. Với tỷ lệ hiện nay GPD nông nghiệp chưa phát triển xứng tầm với vai trò của mình. Muốn phát triển thì phải có chính sách để làm sao cho lực lượng nông dân quyết tâm hơn, vui vẻ hơn cuộc sống của họ thích làm nông nghiệp hơn.

Chúng ta xem xét nên có chiến lược phát triển quỹ phúc lợi nông dân, làm sao để họ thấy làm nông nghiệp là điều rất hạnh phúc. Hiện nay quỹ phúc lợi nông dân chưa có, quỹ này có thể của nhà nước có vốn xã hội một phần, sau đó là xã hội hóa.

Liên đoàn lao động hiện nay dư trên 20.000 tỷ gởi ngân hàng, trong khi nông dân có quỹ nào hỗ trợ giống vậy không? Chúng ta phải phấn đấu thế nào để người nông dân tự tin hơn, khi họ thấy được sự hỗ trợ của nhà nước, Chính phủ giúp họ phát triển.

Bên cạnh đó, chính sách về đất đai, hỗ trợ lao động, lao động trong nông nghiệp nông thôn, hỗ trợ giải quyết việc làm, thậm chí hỗ trợ cho họ mua những thiết bị dùng chung như máy cày, máy gặt, giao cho hợp tác xã quản lý.

Một vấn đề nữa về nhân lực, tôi thấy hiện ở khu vực miền Tây Nam bộ tỷ lệ sinh từ 1,6 đến 1,8 rồi như vậy sau này sẽ mất cân đối dân số.

Ngoài ra, cần làm tốt chính sách lương hưu cho nông dân, ưu tiên cho người làm nông trên 10 năm liên tục. Tại mục 1 phần II báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược kinh tế, trang 54 có ý kiến đề nghị bổ sung phát triển nông nghiệp theo hướng toàn diện, hiện đại, hiệu quả, bền vững, chưa thực sự đạt được như: chưa áp dụng công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ sinh học trong chăn nuôi, nuôi trồng, trồng trọt vẫn mang tính manh mún, nhỏ lẻ.

Việc bố trí cây trồng, vật nuôi, thì phát triển kinh tế hộ trang trại, tổ chức hợp tác xã nông nghiệp, các vùng chuyên môn hóa khu nông nghiệp, các tổ hợp sản xuất lớn vẫn chưa làm quyết liệt, cho nên hiện nay việc phát triển khu nông nghiệp công nghệ cao chưa làm được như mong muốn của đầu nhiệm kỳ.

Phát triển nông nghiệp lớn có năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh cao, gắn với thân thiện môi trường, gắn sản xuất với chế biến và thị trường, mở rộng xuất khẩu vẫn chưa đảm bảo, chỉ xuất khẩu thô. Về chuẩn mực thì nông dân vẫn chưa đạt trình độ, vẫn lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, vẫn chịu cảnh được mùa, mất giá, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn chưa được khống chế. Vấn đề này cần quan tâm, đề nghị bổ sung ý này vào nếu không nhận thức được vấn đề thì kế hoạch năm 2021-2030 thì khó làm.