Học Bác từ việc tự học

(VOH) - 9 năm - khoảng thời gian đủ để người giáo viên trưởng thành về chuyên môn và gắn bó sâu sắc hơn với sự nghiệp trồng người.

Vừa ra trường, giáo sinh trẻ quê gốc Sài Gòn - Lê Vĩnh Phúc đã tình nguyện đăng ký về vùng ngoại thành Nhà Bè công tác.

9 năm - khoảng thời gian đủ để người giáo viên trưởng thành về chuyên môn và gắn bó sâu sắc hơn với sự nghiệp trồng người. Vì vậy, khi trở về công tác gần nhà hơn tại Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, Quận 1, người giáo viên này đã có nhiều sáng kiến đóng góp cho những thành tích giáo dục của nhà trường.

Những thành tích trong đào tạo học sinh tham gia các kỳ thi Robothon quốc tế, các cuộc thi toán trong và ngoài nước, và kinh nghiệm dạy học thực tế ở các môi trường thuận lợi lẫn khó khăn đã góp thêm những trải nghiệm trong công tác biên soạn tài liệu học tập song ngữ của người giáo viên này. Nhưng trên hết, để có được những kết quả đó, thầy giáo trẻ được vinh danh giải thưởng Võ Trường Toản năm 2020, cho rằng mình đã học tập được nhiều bài học từ tấm gương đạo đức của Bác.

Học Bác từ việc tự học bởi mỗi giai đoạn đều có những yêu cầu mới 1
Giáo viên Lê Vĩnh Phúc, Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, Quận 1 trong một tiết dạy

Phóng viên Đài TNND TPHCM (VOH) có trao đổi với giáo viên Lê Vĩnh Phúc, Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, Quận 1, xung quanh quá trình công tác và những bài học từ Bác:

*VOH: Từng có quá trình công tác 9 năm tại vùng khó khăn ngoại thành, thầy thấy có sự khác nhau như thế nào trong việc giáo dục học sinh?

Giáo viên Lê Vĩnh Phúc: Khác nhau rõ nhất là sự quan tâm của cha mẹ đối với các em. Về trường Lương Thế Vinh tôi nhận thấy phụ huynh ở đây rất quan tâm chăm sóc các bé, từng ly từng tí. Ở Nhà Bè cũng có rất nhiều phụ huynh quan tâm con nhưng cũng có nhiều phụ huynh không có thời gian quan tâm con vì phải mưu sinh, làm ăn, buôn bán. Có gia đình đông con lại càng không chú ý đến việc chăm sóc cho các bé.

Về khả năng nhận thức của học sinh, tôi nhận thấy ở đây (trung tâm thành phố), phụ huynh quan tâm nhiều đến việc học tập nên mặt bằng nhận thức các bé khá tốt, đặc biệt là ngoại ngữ. Ở Nhà Bè số lượng học sinh học tốt ngoại ngữ ít hơn.

Tuy nhiên, hiện nay, trao đổi lại với các giáo viên trường cũ cho biết rằng ở Nhà Bè phụ huynh đã bắt đầu quan tâm đến việc học ngoại ngữ của con em. Vì vậy, khoảng cách cũng không còn nhiều.

*VOH: Kinh nghiệm công tác ở vùng khó khăn giúp ích gì thầy trong giáo dục học sinh sau này?

Giáo viên Lê Vĩnh Phúc: Việc trải nghiệm 2 môi trường công việc khác nhau giúp ích cho tôi rất nhiều. Ví dụ khi tôi dạy ở đây, có những bé được cha mẹ cưng chiều, xem mình là trung tâm...tôi có được những minh chứng cụ thể để giáo dục các em như: ngày xưa thầy đã dạy những anh chị có hoàn cảnh khó khăn như vậy, đi học quần áo không được ủi thẳng thớm, phải tự đi xe bus, đi bộ...Tôi có những hình mẫu thực tế để trao đổi, trò chuyện với học sinh để giúp các em cảm nhận được mình may mắn như thế nào, để thuyết phục được các bé. Giáo dục hiện nay không thể áp đặt như xưa mà phải trao đổi và thuyết phục.

*VOH:  Không chỉ giảng dạy, thầy còn tham gia vào việc viết sách, tài liệu học tập. Xin thầy chia sẻ một ít về công tác này!

Giáo viên Lê Vĩnh Phúc: Thực sự, một bộ sách không phải một cá nhân viết. Ngay từ ý tưởng ban đầu, nội dung, mục lục sách, phải làm việc nhóm gồm nhiều thầy cô, thống nhất với nhau chương trình sách sẽ gồm bao nhiêu bài, chương. Sau đó, gửi về chủ biên quyển sách xem, nếu ổn mới bắt đầu triển khai. Tôi viết từng bài cụ thể, sau đó các giáo viên cùng họp lại chỉnh sửa, xem phần ngôn ngữ tiếng Anh đã ổn chưa. Thành ra, để hoàn thành một bộ sách, một đầu sách cần rất nhiều công sức của tập thể đội ngũ các bộ phận và phải qua thẩm định kỹ lưỡng.

Đội ngũ biên soạn khi viết sách cũng mong muốn có giáo viên trực tiếp giảng dạy tham gia, để có sự phản hồi chính xác giữa thực tế giảng dạy và ý tưởng của quyển sách. Nếu không có kiểm tra thực tế thì ý tưởng đưa ra đôi khi cao quá hoặc chưa phù hợp. 

*VOH:  Được biết, thầy đã được trao tặng giấy khen vì có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thầy có thể chia sẻ, điều gì ở Bác đã làm ảnh hưởng đến suy nghĩ, quan điểm sống và quá trình công tác của chính thầy?

Giáo viên Lê Vĩnh Phúc: Thật ra, ngay từ nhỏ trong chương trình học đã có nhiều câu chuyện về Bác Hồ ví dụ câu chuyện Ông Ké khi Bác ở Chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ cho kẹo thiếu nhi, chuyện về quả táo của Bác Hồ... Những câu chuyện đó gây cho mình những ấn tượng sâu sắc đến tận bây giờ. Sau này, khi bắt đầu công tác giảng dạy, được học hỏi thêm về tấm gương đạo đức của Bác tôi nhận thấy có rất nhiều bài học hay và quý giá từ Bác. Những bài học này có thể áp dụng trong công việc và trong cuộc sống hàng ngày. Chẳng hạn việc tự học, Bác dù công việc bận rộn nhưng lúc nào cũng nêu cao tinh thần tự học để nâng cao trình độ. Thực sự, tôi thấy hiện nay ở tất cả các ngành nghề, mỗi người chúng ta không phải tốt nghiệp đại học là xong. Khi bước chân ra làm tôi thấy phải học thêm nhiều điều. Mỗi giai đoạn đều có những yêu cầu mới.

Đối với giáo viên càng không thể dùng lại việc học vì mỗi giai đoạn xã hội lại yêu cầu kết quả của giáo viên - chính là đối tượng học sinh, phải đáp ứng được những yêu cầu mới của xã hội. Chẳng hạn, hiện tại yêu cầu mới của xã hội là học sinh phải sáng tạo, phải tư duy, mạnh dạn tự tin, áp dụng những kiến thức vào trong cuộc sống...Để đạt mục tiêu đó, bắt buộc người giáo viên phải học tập, nâng cao trình độ của mình.

Ngoài ra, tôi học hỏi ở Bác việc sắp xếp công việc một cách khoa học. Để làm việc hiệu quả, phải có kế hoạch, có sự điều chỉnh liên tục trong kế hoạch đó. Ví dụ, một quyển sách giáo khoa Tiếng Việt được sử dụng từ năm này sang năm khác, từ chương trình cải cách năm 2000 đến 2020 là 20 năm sử dụng một đầu sách. Người giáo viên dạy 20 năm liên tục quyển sách, những bài học đó nhưng qua mỗi năm, với từng đối tượng học sinh, giáo viên phải có sự điều chỉnh. Chẳng hạn có những năm, lứa học sinh rất thông minh, rất giỏi, tư duy sáng tạo trong Toán, người giáo viên phải đẩy mạnh bằng cách thêm bài, thay đổi dạng hoặc có những bài nâng cao cho các bé. Với môn Văn, mỗi năm đều có dạng bài tả cảnh, tả người, nhưng mỗi năm, khả năng cảm thụ của các bé khác nhau nên giáo viên phải luôn luôn điều chỉnh kế hoạch dạy làm sao cho các bé phát huy tốt nhất tư duy.

*VOH: Cám ơn thầy!

Bình luận