Môi trường văn hoá lành mạnh góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

(VOH) - Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng gắn với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hoá, con người.

Trong những năm qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể từ Thành phố đến các quận, huyện đều quan tâm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá.

xây dựng văn hóa
Hội nghị sơ kết  phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá tại quận 1. Ảnh minh họa

Trải qua hơn 20 năm, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ngày càng phát triển cả về số lượng, chất lượng và dần đi vào chiều sâu. Các nội dung, tiêu chí trong phong trào đều gắn với cuộc sống hàng ngày của người dân, do đó việc thực hiện đã trở thành xu hướng tất yếu để xây dựng đời sống văn hoá, môi trường văn hoá phong phú, lành mạnh.

Từ cá nhân, gia đình, tổ dân phố, khu phố, cơ quan, doanh nghiệp đều hướng tới mục tiêu xây dựng con người văn hoá, môi trường văn hoá, lấy đó làm động lực thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội. Đặc biệt là những chuyển biến rõ nét mà dễ dàng nhận thấy là việc xây dựng các gia đình văn hoá - tế bào của xã hội, với những truyền thống tốt đẹp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền… ngày càng được phát huy, nhân rộng.

Phong trào xây dựng gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến đã trở thành mục tiêu trong từng cơ quan, doanh nghiệp, trong mỗi gia đình. Nhiều nhân tố điển hình xuất hiện với những tư duy đổi mới, sáng tạo. Họ là những hạt nhân tiêu biểu trong xây dựng các mô hình tại các địa bàn dân cư. Bằng tâm huyết và tình yêu đối với chính nơi mình sinh sống, nhiều bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận, tổ trưởng tổ dân phố hay các hạt nhân gia đình văn hoá tiêu biểu đã tích cực nêu gương, vận động nhân dân cùng tham gia các phong trào xây dựng đời sống văn hoá.

Tại hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, bà Tống Thị Mai Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1 cho biết, đơn vị đã thực hiện nhiều mô hình, giải pháp hay để xây dựng cơ quan, đơn vị văn hoá, trường không ngừng nâng cao công tác giáo dục toàn diện cho học sinh và giữ vững danh hiệu cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hoá nhiều năm qua. Trường thực hiện các cuộc vận động sống có trách nhiệm, mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo, nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục. Nhà trường thường xuyên khuyến khích giáo viên tích cực cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực sư phạm.

"Một trong những mô hình được học sinh hào hứng là việc đổi mới công tác sinh hoạt chào cờ đầu tuần dưới sự hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm, các em tự chuẩn bị những nội dung sinh hoạt chào cờ đầu tuần, gắn liền với các nội dung về đạo đức cũng như về kỹ năng sống. “Tập thể chúng tôi đã luôn cố gắng xây dựng một môi trường làm việc thân thiện và chuyên nghiệp, tạo được thương hiệu và uy tín”, bà Hương cho biết.

Bà Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho rằng, mô hình văn hoá doanh nghiệp là một nền tảng và xây dựng văn hoá doanh nghiệp cũng là một trong những nhân tố để xây dựng văn hoá của cộng đồng, văn hoá của nền kinh tế và văn hoá của cả đất nước. Theo bà Dung tài sản quý giá và lớn nhất của doanh nghiệp mình là “văn hoá và con người PNJ”. “Chúng tôi luôn luôn tuyên truyền giáo dục trong đội ngũ cán bộ của mình là văn hoá là cái gì đó còn lại sau khi tất cả mọi thứ đã qua đi. Văn hoá doanh nghiệp hay văn hoá của một gia đình hay văn hoá của một tổ chức thì không phải tự nhiên mà có được giá trị mà nó phải được xây dựng, bảo vệ và nâng tầm. Chúng tôi đã luôn luôn đúc kết làm giàu giá trị cốt lõi văn hoá của mình, và những giá trị của chúng tôi đó là chính trực để trường tồn, kiên định bám mục tiêu, quan tâm cùng phát triển, tận tâm với khách hàng và tiền phong để tạo khác biệt”, bà Dung nói.

Đại diện cho các hộ gia đình văn hoá tiêu biểu, ông Nguyễn Viết Quản - ngụ tại Quận 6 chia sẻ, cần phải duy trì và phát triển các giá trị văn hoá truyền thống trong việc xây dựng gia đình văn hoá hiện nay. Như Bác Hồ đã nói: “…nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”.

“Với gia đình lấy văn hoá gia đình như gia đạo, gia phong, gia lễ để xây dựng gia đình văn hoá trong thời kỳ đổi mới phát triển. Có văn hoá mới học hỏi được nhiều điều trong cuộc sống, phải duy trì kế hoạch xây dựng gia đình văn hoá từ năm này qua năm khác, mà làm sao cho được lan toả sang cộng đồng cũng như lan toả sang các gia đình khác mang tính chất thi đua. Xây dựng văn hoá nêu gương đối với lứa tuổi thanh thiếu niên trong khu phố nhằm giáo dục động viên, định hướng cho các cháu trong việc học, việc làm có ích cho bản thân trước rồi đến gia đình và xã hội”. ông Quân nói.

Như vậy, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, để văn hoá thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là mục tiêu, động lực, là sức mạnh nội sinh quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bình luận