PGS-TS-Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung góp ý văn kiện Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI

(VOH) - PGS-TS-Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung đã có ý kiến đóng góp về phần chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao sức khỏe cho người dân cả về tầm vóc, tinh thần, tuổi thọ cũng như chất lượng cuộc sống...

Nhiều năm giữ cương vị Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM, Hiệu trưởng Trường Y khoa Phạm Ngọc Thạch, PGS-TS-Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung đã cùng đồng nghiệp có nhiều đóng góp cho ngành y tế trong điều trị cũng như trong việc đào tạo bác sĩ tương lai. Từ góc độ về chuyên môn của mình, bà Nguyễn Thị Ngọc Dung đã có ý kiến đóng góp về phần chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao sức khỏe cho người dân cả về tầm vóc, tinh thần, tuổi thọ cũng như chất lượng cuộc sống trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025:

góp ý văn kiện Đại hội Đảng bộ TPHCM

PGS-TS-Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung. Ảnh: TTO

"Thứ nhất tôi xin góp ý văn kiện Đại hội Đảng bộ TP, phần nói về đến cuối năm 2025 đạt tỷ lệ 21 bác sĩ trên vạn dân và đạt 42 giường bệnh trên 1 vạn dân. Trong nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP nhiệm kỳ nào cũng đề cập đến phấn đấu tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân. Khi làm ở trường đại học đào tạo, cũng như ở bệnh viện, thì tôi thấy nếu chỉ ghi vậy thôi thì chúng ta không đạt yêu cầu của TP, mà các bác sĩ ra trường chưa chắc được phân bố đều từ tuyến cơ sở, tuyến phường xã của TP. Do đó, tôi đề nghị có bổ sung thêm đến cuối năm 2025 đạt tỷ lệ 21 bác sĩ trên vạn dân và 42 giường bệnh trên vạn dân và phân bố đều từ tuyến y tế phường xã đến TP, như vậy thì sẽ rõ ràng hơn rất nhiều và khi đưa vào nghị quyết sẽ quyết tâm thực hiện.

Thứ hai về nâng cao sức khỏe cho người dân cả về tầm vóc, tinh thần, tuổi thọ cũng như chất lượng cuộc sống, ở đây chúng ta có đề cập đến phát triển bệnh viện TP trở thành trung tâm y tế chuyên sâu khu vực phía Nam và khu vực Đông Nam Á, hình thành trung tâm khám sức khỏe và tầm soát bệnh tật công nghệ cao, phát triển du lịch y tế thu hút khách trong và ngoài nước, tôi xin đóng góp ý kiến vì lý do hiện nay chúng ta có 2 loại bệnh viện đa khoa và chuyên khoa. Chúng ta không thể phát triển bệnh viện đa khoa thành bệnh viện chuyên sâu được. Do đó, tôi xin bổ sung ý kiến có thể ghi như vậy hay không? Bên cạnh các bệnh viện đa khoa và các trung tâm khám sức khỏe và tầm soát bằng công nghệ cao có thể trong bệnh viện đa khoa, nằm độc lập, phát triển các bệnh viện TP thành bệnh viện chuyên khoa đầu ngành của khu vực phía Nam và Đông Nam Á.

Ý kiến đóng góp là đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của trạm y tế thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe. Điều này chúng ta đã nói rất nhiều, 5 năm, 10 năm và bây giờ là 15 năm. Nhưng điều này cho đến nay vẫn bất cập, bởi vì chúng ta chưa thực hiện tốt, chưa bảo đảm nguồn nhân lực tuyến y tế cơ sở, cũng như chưa bảo đảm chất lượng điều trị. Nguồn nhân lực ở đây là con người được phân công về và chất lượng điều trị, chúng ta bồi dưỡng những người về làm ở đó thế nào để nâng cao chất lượng chuyên môn, bảo đảm chất lượng điều trị. Do đó tôi đề nghị chúng ta bổ sung thêm 1 câu đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của trạm y tế, bảo đảm về nguồn nhân lực và chất lượng điều trị, thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, nếu chúng ta có quyết tâm như vậy thì sẽ làm tốt hơn.

Thứ 3 về chủ động kiểm soát và ứng phó kịp thời với các dịch bệnh, triển khai có hiệu quả phong trào nâng cao sức khỏe nhân dân. Đặc biệt là câu nhân rộng mô hình truyền thông giáo dục sức khỏe trong cộng đồng, chúng ta thấy rằng trong thời dịch Covid-19 vừa qua, vấn đề truyền thông giáo dục sức khỏe trong cộng đồng rất tốt. Chính nhờ đó chúng ta đã thoát khỏi dịch một cách ngoạn mục. Do đó, tôi nghĩ rằng trong thời hậu Covid cũng như trong tương lai chúng ta sẽ tiếp tục phát triển mô hình truyền thông giáo dục sức khỏe. Bởi vì hiện nay hầu như vấn đề tự luyện tập sức khỏe là tự phát, cũng như vấn đề sức khỏe về tinh thần, có nghĩa là về phát triển và định hướng cho giới trẻ về tinh thần chưa có. Do đó, tôi đề nghị bổ sung, nhân rộng truyền thông, giáo dục sức khỏe trong cộng đồng, bảo đảm mỗi người dân đều được tiếp cận những thông tin về việc bảo vệ bản thân, về sức khỏe thể chất và tinh thần được đầy đủ hơn.