Trong buổi làm việc, các đại biểu nghe trình bày các báo cáo Tham luận của đại biểu dự Đại hội tại Hội trường xoay quanh làm rõ về những nhiệm vụ, giải pháp, bám sát 26 chỉ tiêu mà đại hội sẽ biểu quyết.
Sau đây là một số báo cáo tham luận trình bày tại đại hội:
Phát triển Thành phố Thủ Đức - Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố giai đoạn 2020 - 2035
Với vai trò là đầu tàu thúc đẩy phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, hàng năm, Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp khoảng 27% tổng thu ngân sách cả nước. Sản lượng công nghiệp thành phố chiếm khoảng 30% giá trị sản lượng toàn quốc và thu hút khoảng 39,1% nguồn vốn FDI vào Việt Nam. Thành phố có một nền văn hóa khởi nghiệp mạnh mẽ với lực lượng lao động lành nghề chiếm tỷ lệ 21,2% lao động lành nghề của Việt Nam, năng suất lao động cao nhất cả nước. Thành phố mang trong mình tinh thần tiên phong cải cách mạnh mẽ, sự linh hoạt trong quản lý cũng như khả năng nuôi dưỡng, phát triển các cá nhân và doanh nghiệp start-up vượt trội so với các đô thị khác ở Việt Nam.
Xem toàn văn tham luận tại đây: So-Quy-Hoach-Kien-Truc.docx
Chiến lược phát triển Ngành Văn hóa và Thể thao thành phố đến năm 2035
Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, là sức mạnh nội sinh đảm bảo sự phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc. Trong quá trình lãnh đạo xây dựng, phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn xem trọng và đề cao vai trò, vị trí của văn hóa, thể thao. Tinh thần đó được thể hiện thông qua các Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc, các chương trình, nghị quyết, kết luận, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành 03 Nghị quyết có giá trị vô cùng to lớn để lãnh đạo phát triển văn hóa, thể thao là: Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, qua đó đã khẳng định “Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”; Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng theo yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã xác định quan điểm “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”; Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 01 tháng 12 năm 2011 về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020 đã đưa ra quan điểm“Phát triển thể dục, thể thao là một yêu cầu khách quan của xã hội, nhằm góp phần nâng cao sức khỏe, thể lực và chất lượng cuộc sống của Nhân dân, chất lượng nguồn nhân lực; giáo dục ý chí, đạo đức, xây dựng lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế… Ðầu tư cho thể dục, thể thao là đầu tư cho con người, cho sự phát triển của đất nước…”...
Xem toàn văn tham luận tại đây: So-Van-hoa-va-The-thao.doc
Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế và khuyến khích đại học chia sẻ giai đoạn 2020 - 2035
Giáo dục - đào tạo đóng vai trò quan trọng đối với sự hưng thịnh của dân tộc, là chìa khóa, động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Trình độ phát triển nguồn nhân lực là thước đo quan trọng cho trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã xác định một trong ba khâu đột phá để phát triển nhanh và bền vững đất nước đến năm 2020 là “phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ”.
Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X đã xác định Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là 1 trong 7 chương trình đột phá. Đại hội lần này tiếp tục cụ thể hóa hơn nữa với việc chỉ đạo xây dựng, triển khai Đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế, tập trung vào 8 ngành trọng điểm, gắn chặt với nhu cầu phát triển trong thời gian tới, kết hợp với việc xây dựng mô hình “Đại học chia sẻ”, trong khoảng thời gian dài, mang tính chiến lược, giai đoạn 2020 - 2035.
Xem toàn văn tham luận tại đây: So-Giao-duc-va-Dao-tao.doc
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phát triển kinh tế tri thức
Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định mục tiêu tổng quát, trong đó nhấn mạnh“phát huy hiệu quả mọi nguồn lực và tận dụng thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư;”“không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh; xây dựng thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững.” Đây cũng là những mục tiêu phát triển kinh tế tri thức của nhiều quốc gia trong giai đoạn gần đây.
Trong bài tham luận này, trình bày về khái niệm và các trụ cột của kinh tế tri thức, về mô hình kinh tế tri thức mới trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và điểm lại một số kết quả đóng góp trong giai đoạn 2016 – 2020 và phân tích vai trò của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) trong việc tham gia xây dựng hệ thống giải pháp, phát triển các sản phẩm kinh tế tri thức cho Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 – 2030.
Xem toàn văn tham luận tại đây: Dai-hoc-Quoc-Gia-TPHCM.docx
Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố quyền làm chủ của Nhân dân, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, góp phần xây dựng Đảng bộ, chính quyền thành phố trong sạch, vững mạnh
Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, quyền làm chủ của Nhân dân trong sự nghiệp cách mạng là bài học lớn đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết và để lại cho Đảng, Nhân dân ta. Đây là nguồn sức mạnh, là nhân tố vô cùng quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững, bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã xác định nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác dân vận, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng bộ với Nhân dân; phát huy dân chủ, kỷ cương và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đó là: “Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội theo hướng nâng cao năng lực đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các giới, các tầng lớp Nhân dân. Nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội, khắc phục tình trạng hành chính hóa trong hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp”.
Xem toàn văn tham luận tại đây: UB-MTTQVN-TPHCM.doc
Chương trình cải cách hành chính, nâng cao chỉ số cải cách hành chính (Par Index) và chương trình nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cải cách môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2025
Trong những năm qua, chính quyền thành phố luôn quan tâm đến công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và môi trường đầu tư. Các hoạt động của cơ quan nhà nước với mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp có nhiều đổi mới, cải cách đột phá mang tính chất hiệu quả; môi trường kinh doanh được cải thiện, kinh tế tăng trưởng khá và ổn định; mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với hoạt động cung cấp dịch vụ công tăng dần qua từng năm. Đánh giá một cách khách quan về kết quả đạt được trong thời gian qua, có rất nhiều chỉ số đã đóng góp vào phát triển chung của thành phố, trong đó nổi bật là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số cải cách hành chính.
Xem toàn văn tham luận tại đây: So-noi-vu.doc
Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7, khóa XII
Với vai trò Đảng bộ cấp trên cơ sở, Đảng ủy Tổng Công ty luôn đặt công tác cán bộ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, coi đây là nhân tố quyết định sự thành công của Tổng Công ty Bến Thành. Đảng ủy đã tích cực triển khai thực hiện các chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy về công tác cán bộ, nhất là thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19 tháng 5 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Một trong những bài học kinh nghiệm được Đại hội Đảng bộ Tổng Công ty Bến Thành nhiệm kỳ 2020 - 2025 rút ra là: “Công tác phát triển nguồn nhân lực cần được xem là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu đối với sự phát triển của mỗi doanh nghiệp. Trong đó, cần phải xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ bản lĩnh chính trị, có khả năng chuyên môn, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản trị - điều hành, đội ngũ đại diện vốn đáp ứng được yêu cầu phát triển và hội nhập. Các chương trình công tác về xây dựng Đảng, đoàn thể, phát triển các hoạt động kinh doanh đều phải gắn liền với chương trình phát triển nguồn nhân lực”.
Xem toàn văn tham luận tại đây: Tong-cong-ty-Ben-Thanh.doc