Tầm nhìn Hồ Chí Minh về Cách mạng Tháng Mười Nga

(VOH) - Chủ tịch Hồ Chí Minh có những cách nhìn nhận, đánh giá toàn diện về Cách mạng Tháng Mười Nga, ý nghĩa lịch sử to lớn, ý nghĩa thời đại sâu sắc của Cách mạng Tháng Mười Nga đối với Việt Nam.

Ngày 21/01/1924, Vlađimia Ilích Lênin từ trần làm cho những người Cộng sản và Nhân dân lao động toàn thế giới tiếc thương vô hạn. Điều mong ước của Nguyễn Ái Quốc khi sang Nga hoạt động bên Quốc tế Cộng sản là sẽ được và muốn gặp Lênin, nay đã không thực hiện được.

cách mạng tháng 10 Nga
Ảnh minh họa. (Ảnh tư liệu) 

Sau ngày Cách mạng Tháng 8/1945 thành công, tháng 02/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bí mật sang Liên Xô với mục đích mong bạn trợ giúp vũ khí, lương thực, thuốc men… để quân đội ta đương đầu với thực dân Pháp đang mở rộng chiến tranh xâm lược. Chuyến thăm này, Người đã hội đàm với lãnh tụ Xtalin về tình hình Việt Nam. Cùng với các chuyến thăm sau đó, khi ta đương đầu với đế quốc Pháp thời kỳ 1950-1954, Người nhiều lần đến thăm lại Liên Xô, cường quốc đã sát cánh Nhân dân Việt Nam, luôn chung tay vì nghĩa, cả với cuộc kháng chiến của Nhân dân ta. 

Ngày 12/7/1955, sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta thăm Liên Xô. Đây là đoàn đại biểu đầu tiên của Việt Nam đến thăm đất nước Xô viết, khi liên bang Xô Viết lúc đó đã gần 40 năm tuổi.

Tại điện Kremlin, cũng là một cuộc tái ngộ lịch sử được ước nguyện giữa những người chiến sỹ của Cách mạng Tháng Mười với lãnh tụ tối cao Cách mạng Tháng Tám - 1945 đã chọn con đường dân tộc Việt Nam theo Cách mạng Tháng Mười. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những buổi hội đàm và ký kết những hiệp định với Đảng và Nhà nước Liên Xô về việc Liên Xô giúp đỡ kinh tế và kỹ thuật nhiều mặt cho Việt Nam. Kết thúc chuyến thăm Liên Xô, trong buổi tiễn đưa, đồng chí Vôrôsilôp lại có dịp được nghe Bác Hồ nói bằng tiếng Nga, thật đầm ấm người từng nhiều năm hoạt động ở Nga, những lời nói đầy tình nghĩa mà nhân dân Việt Nam biết ơn Đảng, Chính phủ và Nhân dân Liên Xô đã giúp đỡ Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, như một ước nguyện thủy chung: “Chúng tôi trở về Tổ quốc đem theo tình thân yêu và tình hữu nghị anh em của Nhân dân Liên Xô. Tuy Việt Nam và Liên Xô cách nhau hàng ngàn dặm nhưng trái tim chúng ta luôn luôn ở bên nhau và đập chung một nhịp” .

Suốt trong giai đoạn từ năm 1955 đến khi từ trần năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giữ mối quan hệ thân thiết nhất đối với các nhà lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước Liên Xô. Ở đây, Bác Hồ thường nhắc đến Chủ tịch Đoàn chủ tịch Liên Xô viết tối cao Vôsôsilôp, là người bạn lớn, lâu năm của Người, cùng nhiều lãnh đạo cấp cao Đảng và Chính phủ Liên Xô, đã rất chú tâm trong giúp đỡ Việt Nam cả kháng chiến chống Pháp và chống đế quốc Mỹ.

Sau này, khi Bác Hồ nhiều lần dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ ta thăm Liên Xô, Người đã đánh giá toàn diện về ý nghĩa thời đại to lớn và sâu sắc của cuộc cách mạng này:

Một là, Người cho rằng tính chất của cách mạng Xã hội Chủ nghĩa Tháng Mười Nga, là cuộc Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa do giai cấp công nhân lãnh đạo, giải phóng con người khỏi sự bóc lột, áp bức và bất công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Cách mạng Tháng Mười là thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Mác và học thuyết Lênin ở một nước lớn là Liên Xô. Đó là thắng lợi vĩ đại nhất của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức do giai cấp công nhân và đội tiền phong của họ là Đảng bônsêvích lãnh đạo”.

Hai là, về mục tiêu của cách mạng Tháng Mười Nga, Người đã đánh giá: “Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản từ chỗ chỉ là một ước mơ cao đẹp của loài người, sau Cách mạng Tháng Mười vĩ đại đã trở thành một hiện thực trong xã hội, có sức mạnh vô cùng to lớn lôi cuốn hàng nghìn triệu người vào hành động cách mạng, vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”.

Ba là, về động lực của cách mạng Xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga chủ yếu của cách mạng xã hội chủ nghĩa liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức Nga; trong đó giai cấp công nhân giữ vai trò lãnh đạo và quyết định sự thắng lợi của cách mạng, Người nêu rõ: “Cách mạng Tháng Mười đã dùng bạo lực cách mạng đánh đổ giai cấp tư sản và giai cấp phong kiến địa chủ, lập nên chính quyền của những người lao động, xây dựng một xã hội hoàn toàn mới, một xã hội không có người bóc lột người”.

Từ bài học lớn của cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định liên minh công - nông tại Việt Nam vừa là động lực, vừa là yếu tố căn bản, bảo đảm mọi mặt cho sự thắng lợi của mọi cuộc cách mạng.

Bốn là, Người đã luôn nhìn nhận về nội dung cách mạng XHCN Tháng Mười Nga là rất tiến bộ. Theo Người, đó là cuộc cách mạng đầy đủ, toàn diện nhất trên tất cả các lĩnh vực đời sống: chính trị - tư tưởng - văn hoá xã hội - kinh tế - của các dân tộc; trong đó, Người nhấn mạnh 2 nội dung căn bản là chính trị và kinh tế - điều này đươc Đảng ta và Hồ Chí Minh đã vận dụng đầy đủ trong nội dung của Cách mạng Tháng 8 - 1945 của Việt Nam.

Năm là, ý nghĩa lịch sử của cách mạng XHCN Tháng Mười Nga, theo Người, đây không chỉ là vạch mốc lớn của thời đại, mà đã mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử nước Nga và các dân tộc bị nô dịch, phụ thuộc trên thế giới, mà còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc ở chỗ đã trở thành ngọn cờ hiệu triệu của thời đại mới, thời đại đấu tranh vì những mục tiêu cao cả: hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá tổng quát về ý nghĩa lịch sử, và khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình hành trình của đất nước, đã đặc biệt coi trọng và vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười vào Việt Nam. Do đó, Người không chỉ nhắc nhở Nhân dân ta, mà còn nói với bạn bè quốc tế: “Kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười, những thành tựu của Liên Xô là ngôi sao chỉ đường cho chúng tôi trong sự nghiệp xây dựng một cuộc đời hạnh phúc cho Nhân dân Việt Nam”.