Cùng dự buổi gặp mặt có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, lãnh đạo một số bộ, ban, ngành và 203 đại biểu điển hình “Dân vận khéo”.
Phát biểu tại cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh 203 điển hình “Dân vận khéo” từ mọi miền Tổ quốc về Hà Nội dự cuộc gặp mặt vào đúng dịp kỷ niệm 1.010 năm Thăng Long – Hà Nội, 66 năm giải phóng Thủ đô.
Thủ tướng nêu rõ, sự nghiệp cách mạng của đất nước muốn thành công phải dựa vào dân, công tác dân vận rất quan trọng, có ý nghĩa lớn lao. Các điển hình dự cuộc gặp mặt là những tấm gương sáng để công tác dân vận khéo thành phong trào cách mạng thiết thực, hiệu quả. Từ đây, những kinh nghiệm quý từ công tác “dân vận khéo” được tổng kết, để chúng ta hiểu dân, nắm dân, nói cho dân tin và làm cho người dân hiểu và ủng hộ. Thủ tướng lấy ví dụ về thành tựu trong phòng chống đại dịch COVID-19, phát triển KT-XH vừa qua với sự ủng hộ của người dân.
Theo Thủ tướng, dân vận là công việc khó, nhất là trong thời điểm hiện nay có nhiều thách thức. Công tác chính quyền thường là về chỉ đạo, mệnh lệnh hành chính nhưng có người quên rằng, chính người làm công tác chính quyền càng phải làm công tác dân vận thông qua nêu gương, thông qua các chính sách, cách làm phục vụ nhân dân. “Anh muốn dân hiểu thì phải nói cho dân nghe, dành thời gian lắng nghe của ý kiến của người dân”, Thủ tướng nhắc lại và chia sẻ, vừa qua chúng ta đã cố gắng làm việc này, sửa các khuyết điểm, nhất là bệnh quan liêu, xa dân, không minh bạch... Qua đó, quan hệ giữa các cấp chính quyền và người dân tốt hơn. Mối quan hệ giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Ban Dân vận Trung ương nhịp nhàng, thường xuyên, đây cũng là sự thuyết phục để các cấp chính quyền định kỳ làm việc với các ban dân vận.
Thủ tướng nhấn mạnh, công tác này không chỉ ban dân vận làm mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị: “Đây là một yêu cầu quan trọng mà nhân dịp này, tôi muốn thông tin đến các gương điển hình tiên tiến để các đồng chí giám sát trách nhiệm của chủ tịch UBND, trưởng thôn, bí thư chi bộ, bí thư đảng bộ các cấp có làm tốt việc xử lý nguyện vọng của nhân dân hay không”.
Đã có chuyển biến tốt nhưng không được chủ quan, Thủ tướng lưu ý, các cấp chính quyền không được “khoán trắng” cho công tác dân vận; phải cùng xắn tay áo lo việc cho dân, từ việc thiết kế chính sách đến vận động, nêu gương.
Công tác dân vận cần tiếp tục nâng cao hiệu quả, chống bệnh hình thức, hành chính. Nhiều việc dân vận phải xắn tay áo cùng làm với hệ thống chính trị nhưng “cũng có chỗ, có nơi khi xảy ra sự việc thì không thấy người làm dân vận ở đâu”. Thủ tướng nhấn mạnh, thuyết phục và nêu gương là vấn đề quan trọng nhất trong lãnh đạo.
Công tác dân vận cần đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền vận động người dân để khơi dậy tinh thần yêu nước. Thủ tướng lấy ví dụ, trước tình hình mưa lũ ở các tỉnh miền Trung, các địa phương, mặc dù đang bận việc tổ chức Đại hội Đảng, phải quan tâm bảo vệ tính mạng, tài sản cho người dân; phát động các phong trào “lá lành đùm lá rách” hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn. Đó chính là sự sáng tạo, gắn liền với các vấn đề thời sự của đất nước, chứ không thể máy móc, “xuân thu nhị kỳ” trong làm công tác dân vận.
Tại cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao bằng khen của Thủ tướng cho các tập thể, cá nhân xuất sắc trong công tác dân vận.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được phát động từ năm 2009. 10 năm qua, cả nước đã bình chọn, tôn vinh hơn 900.000 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.